Tham gia hội thi, mỗi thí sinh đều trải qua 3 phần thi: Soạn bài giảng trình chiếu; thực hành giảng bài và thi kiến thức. Ở phần thi soạn bài giảng trình chiếu, thí sinh phải thiết kế nội dung bài giảng trên phần mềm Powerpoint tại phòng thi trong thời gian 90 phút. Quan sát, chúng tôi thấy, các thí sinh đều thuần thục kỹ năng sử dụng máy vi tính, các phần mềm, công cụ hỗ trợ thiết kế giáo án điện tử; quá trình thực hành giảng bài đã kết hợp nhuần nhuyễn phương pháp thuyết trình với trình chiếu Powerpoint; thể hiện tâm huyết, trách nhiệm và đầu tư công phu, tỉ mỉ của giáo viên, trong đó có sự tích hợp đa phương tiện với nhiều hình ảnh, video clip, làm cho bài giảng sinh động, hấp dẫn, khắc phục sự khô cứng khi học chính trị.

doi moi dong bo chuong trinh noi dung phuong phap giang day
Lãnh đạo Cục Chính trị Quân khu 3 theo dõi thí sinh thực hiện nội dung soạn giáo án điện tử tại hội thi.

Được ban giám khảo (BGK) đánh giá là một trong những thí sinh thiết kế bài giảng điện tử sinh động, hấp dẫn, Đại úy Trần Thanh Tùng, Chính trị viên Tiểu đoàn 16, Lữ đoàn Thông tin 603 hết sức phấn khởi. Anh chia sẻ: “Ứng dụng CNTT vào giảng dạy giúp giáo viên tăng tính sáng tạo và linh hoạt hơn trong quá trình giảng bài. Để có tư liệu phong phú, tôi đã vào các trang thông tin điện tử chính thống để thu thập tư liệu, hình ảnh minh họa cho bài giảng, giúp người học dễ hình dung, dễ hiểu hơn so với chỉ mô tả bằng lời”.

Theo đánh giá của BGK, các thí sinh tham gia hội thi đều đầu tư thời gian và nội dung, sưu tầm nhiều tư liệu, hình ảnh bổ trợ; ứng dụng hiệu quả CNTT vào giảng dạy; xây dựng đề cương trình chiếu Powerpoint công phu, logic, khoa học, bố cục chặt chẽ, đúng quy định; kết hợp âm thanh, hình ảnh, video clip... làm phong phú, sinh động nội dung bài giảng.

Thực hành giảng là phần thi hấp dẫn, sinh động, nhận được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị và cán bộ, học viên, nhân viên, chiến sĩ có mặt tại hội thi. Đại úy Trần Ngọc Viễn, Chính trị viên Đại đội 10, Tiểu đoàn 3 (Trường Quân sự Quân khu 3) thực hành chuyên đề giảng bài cho đối tượng chiến sĩ mới: “Truyền thống của dân tộc và Quân đội nhân dân Việt Nam” đã kết hợp truyền thụ kiến thức với giao lưu, đối thoại cùng người học; đồng thời liên hệ sát đặc điểm, tình hình nhiệm vụ của đơn vị; được hỗ trợ của hệ thống máy chiếu nên chủ đề anh trình bày rất hấp dẫn người nghe.

Trung tá Phạm Văn Triệu, Phó chính ủy Trung đoàn 43 (Sư đoàn 395), nêu kinh nghiệm: "Cùng với sưu tầm các tài liệu để bổ sung, mở rộng kiến thức, điều quan trọng đối với giáo viên là phải có phương pháp sư phạm tốt, phù hợp, sát đối tượng. Ở đơn vị, khi giảng chính trị, tôi thường kết hợp nhiều phương pháp, trong đó chú trọng nêu vấn đề, trao đổi, đối thoại trực tiếp với người học, tạo sự dân chủ, cởi mở, giúp bộ đội dễ tiếp thu, nắm chắc nội dung ngay trên lớp".

Để hội thi đạt kết quả tốt, ngay từ đầu năm, Cục Chính trị Quân khu 3 đã tham mưu cho Đảng ủy, BTL quân khu lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tổ chức nghiêm túc, chặt chẽ hội thi cấp cơ sở, qua đó lựa chọn thí sinh tham gia hội thi cấp quân khu. Qua hội thi giúp lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị nắm chắc, đánh giá đúng chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác giáo dục chính trị (GDCT) để có kế hoạch tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kiến thức toàn diện và năng lực cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp.

BTL quân khu yêu cầu, sau hội thi, cấp ủy, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy, cơ quan chính trị các cấp tiếp tục quán triệt kỹ, nắm chắc nội dung cơ bản của công tác GDCT, đề cao trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Đổi mới công tác GDCT tại đơn vị trong giai đoạn mới”; tích cực đổi mới đồng bộ chương trình, nội dung, hình thức, phương pháp GDCT tại đơn vị; chú trọng định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ, góp phần giữ vững, tăng cường trận địa tư tưởng của Đảng trong quân đội và LLVT quân khu./.