Nhằm quảng bá rộng rãi nét văn hóa độc đáo này, vừa qua, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội) đã diễn ra hội chọi dê huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang.

Hội thi chọi dê thường tổ chức vào dịp mùa xuân, gắn liền với những lễ hội
truyền thống của người Mông như lễ Gầu Tào, lễ Lồng Tồng… Hội thường diễn ra
ở các xã có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng…

Những chú dê tham gia hội thi phải có tuổi đời từ 3 năm trở lên,
có thể lực tốt, thân hình lực lưỡng, râu dài, sừng cao, nguồn gốc rõ ràng
và tuyệt đối không mang dịch bệnh.

Dê chọi được chăm sóc đặc biệt và tập luyện những kỹ năng chiến đấu công phu trong suốt 1 năm trước khi tham gia thi đấu.

Những chú dê được đánh số, chia thứ hạng theo cân nặng và thi đấu thành từng vòng, theo thể thức loại trực tiếp. Những chú dê khoẻ nhất sau khi thắng ở các vòng đấu loại, tứ kết, bán kết sẽ được vào chung kết.

Không quá quyết liệt như những cuộc trọi trâu, hay mạnh mẽ như đấu ngựa,
chọi dê nhẹ nhàng hơn nhưng không kém phần lôi cuốn và hấp dẫn.

Những chú dê với chiến thuật khéo léo, ra đòn đẹp mắt nhưng cũng không kém phần hiểm hóc

Những màn đấu "hổ lao" quyết liệt đem lại sự hứng khởi đặc biệt với khán giả.

Điểm đặc biệt ở những trận chọi dê là khả năng bị thương của những chú dê là rất thấp, và sau khi thi đấu dù thắng hay thua dê chọi vẫn về đàn sinh sống.

Hoạt động này cũng là nơi đồng bào gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm nuôi dê, chăm sóc vật nuôi trong nhà, làm tăng thêm tình đoàn kết giữa các bản làng, các dân tộc. Vì vậy, hội chọi dê luôn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ các cấp chính quyền và nhân dân.

Thông qua hội chọi dê, đồng bào Mông đã giới thiệu tới du khách
những nét văn hóa đậm bản sắc dân tộc mình, đồng thời góp phần
bảo tồn di sản văn hóa dân tộc.

Theo Báo điện tử ĐCSVN