Doanh số bán iPhone mới là một "nỗi thất vọng lớn"

doanh so iphone that vong apple roi mo vang chuyen sang cong ty dich vu

Apple cắt giảm sản xuất iPhone XR dù mới lên kệ được 2 tuần. Trong khi đó các mẫu XS và XS Max cũng không đạt kỳ vọng.

Tệ hơn nữa, Apple tuyên bố từ nay sẽ không gửi báo cáo số lượng iPhone bán ra mỗi quý, gây ra những lo ngại rằng họ có thể đang che giấu một sự suy giảm nào đó. Trên thực tế, Apple thậm chí đã phải cắt giảm bớt dây chuyền sản xuất iPhone tại nhiều đối tác sản xuất như Foxconn, Pegatron,... do sức mua không đạt được như kỳ vọng. Trong đó, mẫu iPhone XR thậm chí được cho là đã tạm ngưng sản xuất.

"Về phía Foxconn, nhà máy này mới đầu đã chuẩn bị 60 dây chuyền để sản xuất iPhone XR, nhưng hiện mới chỉ sử dụng khoảng 45 dây chuyền do nhu cầu thấp hơn dự kiến", một nguồn tin cho biết. Điều này có nghĩa là Foxconn, công ty Đài Loan thuộc tập đoàn Hon Hai Precision Industry, sẽ phải cắt giảm sản xuất khoảng 100.000 chiếc iPhone XR mỗi ngày, thấp hơn từ 20-25% so với ban đầu. Đại diện từ Pegatron cũng đối mặt với tình trạng tương tự, và cho biết đang tạm thời đình chỉ kế hoạch sản xuất iPhone XR và chờ đợi hướng dẫn thêm từ phía Apple.

Daniel Ives, nhà phân tích đến từ Wedbush, nhận định những thế hệ iPhone mới nhất của Apple là một "nỗi thất vọng rõ ràng". Theo Ives, Apple cần phải suy nghĩ lại về chiến lược giá bán, cũng như thiết kế của các mẫu điện thoại sắp tới của mình.

Thêm vào đó, ông cũng chỉ trích quyết định ngừng cung cấp số liệu bán ra của iPhone, cho rằng hành động này sẽ khiến nhiều nhà đầu tư bối rối và bực bội. Hệ quả của tất cả những điều trên khiến cổ phiếu của Apple đã sụt giảm đáng kể trong tháng này.

Apple trở thành một công ty dịch vụ?

doanh so iphone that vong apple roi mo vang chuyen sang cong ty dich vu

CEO Tim Cook có thể sẽ chủ đích biến Apple trở thành một công ty dịch vụ.

Tất cả có vẻ như đang trở nên rất "bết bát" đối với Apple. Tuy nhiên theo Ives, dường như mọi chuyện đã nằm trong chiến lược của CEO Tim Cook. Thực tế cho thấy mặc dù doanh số bán iPhone giảm, nhưng doanh thu của Apple vẫn tăng, và công ty có một lý do chính đáng để làm vậy, Ives cho biết. "Apple không còn là một công ty phần cứng nữa. Kinh doanh dịch vụ - bao gồm bảo hành, AppleCare, Apple Music, iCloud,... hiện là phân khúc lớn thứ 2 tại Apple và đang phát triển nhanh nhất".

Cũng theo nhà phân tích đến từ Wedbush, mục tiêu cơ bản của Apple trong việc ngừng báo cáo số lượng bán hàng là để Phố Wall bắt đầu định giá toàn bộ doanh nghiệp như một doanh nghiệp dịch vụ tổng thể, với việc bán iPhone chỉ là "bước khởi đầu".

Thực tế cũng chứng minh trong nhiều năm trở lại, kinh doanh dịch vụ là ngành có tiềm năng rất lớn, và không loại trừ khả năng Apple sẽ từ bỏ "mỏ vàng" vốn có là những chiếc iPhone để tập trung nhiều hơn cho lĩnh vực này.

Theo các báo cáo tài chính, mảng dịch vụ mang lại lợi nhuận 37 tỷ USD cho Apple trong năm 2017, tăng 24%, và hứa hẹn sẽ tăng lên 50 tỷ USD trong năm 2020. Dựa theo con số tăng trưởng ấy, Ives ước tính rằng chỉ riêng mảng kinh doanh dịch vụ của Apple đã trị giá từ 400 tỷ USD tới 450 tỷ USD, bằng cách so sánh tổng vốn hóa thị trường của Apple vào cuối phiên giao dịch hôm 28/11 ở mức 859 tỷ USD.