Ngày 18/7, tại Hà Nội, Viện kinh tế Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam trước ngưỡng cửa chuyển đổi số”. Hội thảo nhằm nhận diện rõ bản chất của chuyển đổi số, những cơ hội thách thức, cũng như góp phần tạo ra môi trường thuận lợi trong quá trình kinh doanh và đầu tư trong điều kiện chuyển đổi số cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

doanh nghiep viet nam truoc nguong cua chuyen doi so
Toàn cảnh hội thảo (Ảnh: Kinh tế đô thị)

Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho thấy, đến năm 2019 số người sử dụng Internet là 4,3 tỷ người, chiếm 57% dân số thế giới, 5,1 tỷ người sử dụng điện thoại di động chiếm 67% dân số thế giới, trong đó 42% dân số thế giới sử dụng mạng xã hội trên thiết bị di động. Đây là xu hướng khách quan và kho dữ liệu khổng lồ tạo tiền đề cho doanh nghiệp chuyển đổi số và mở ra cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp.

Theo đó, việc chuyển đổi số sẽ giúp cho doanh nghiệp phát triển nhanh hơn trong kinh doanh. Cụ thể, thay đổi các mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số bằng cách áp dụng công nghệ mới như, dữ liệu lớn (big data), Internet vạn vật, điện toán đám mây vào phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty, mang lại nhiều tiện ích cho doanh nghiệp như, cắt giảm chi phí vận hành, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn và trong thời gian dài hơn. Từ đó, lãnh đạo doanh nghiệp sẽ ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt và kịp thời.

Giáo sư Hồ Tú Bảo, Giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học dữ liệu, Viện nghiên cứu cao cấp về Toán cho rằng, để chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần thay đổi về cả nhận thức và hành động: “Chúng ta cần thấu hiểu, tìm hiểu thêm về chuyển đổi số, mỗi doanh nghiệp, mỗi tổ chức phải thay đổi cách mình làm việc, thay đổi mô hình kinh doanh của mình với công nghệ mới. Do đó mỗi tổ chức đều phải nghĩ lại cách mình đang làm, cần thay đổi như thế nào về dữ liệu cũng như công nghệ tương ứng”.

Tại hội thảo, các đại biểu đã cùng thảo luận, làm rõ bản chất chuyển đổi số, xác định các cơ hội thách thức đối với doanh nghiệp; yêu cầu đặt ra với doanh nghiệp, những yếu tố ảnh hưởng đến điều kiện và kinh doanh mới và các vấn đề thách thức và giải pháp giúp chuyển đổi số trong bối cảnh hiện nay.

Yêu cầu đặt ra cho các doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện này là cần có sự chuẩn bị kỹ và phải bắt đầu ngay từ hạ tầng đến các ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện của mình. Chú trọng đến việc trình hóa, số hóa được các hoạt động sản xuất kinh doanh quan trọng của doanh nghiệp, tạo ra môi trường kết nối, an ninh, an toàn. Từ đó áp dụng được các ứng dụng thông minh, tiện ích hơn của internet vạn vật, điện toán đám mây, robot. Đẩy mạnh tìm hiểu nghiên cứu các công nghệ tiên tiến của nền kinh tế số và khả năng ứng dụng nhằm cải thiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tăng năng lực cạnh tranh và khả năng tham gia trong chuỗi giá trị. Đồng thời, phải nhìn nhận vai trò quan trọng của đổi mới về công nghệ đối với việc nâng cao năng suất, chất lượng của hàng hóa, dịch vụ cũng như khả năng của doanh nghiệp.

Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Quang Tuấn, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam nêu rõ: "Việc bắt nhịp với xu hướng chuyển đổi là phù hợp với xu thế khách quan và yêu cầu đặt ra với Việt Nam. Ở cấp độ vĩ mô chúng ta đang thay đổi mô hình tăng trưởng chuyển từ chiều rộng dựa vào lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên thiên nhiên sang mô hình theo chiều sâu dựa vào hiệu quả và năng lực cạnh tranh cao, đổi mới sáng tạo và khoa học công nghệ. Ở cấp độ quy mô doanh nghiệp, chúng ta phải thay đổi tư duy để tham gia vào quá trình chuyển đổi số, số hóa và kinh doanh trên nền tảng số"./.