“Thuế phí đang là rào cản lớn nhất, hạ thấp cơ hội và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp”. Đây là nhận định được đưa ra tại tọa đàm "Giảm gánh nặng chi phí, thúc đẩy doanh nghiệp tư nhân phát triển" mới đây do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức.

Theo nghiên cứu “Khảo sát về môi trường kinh doanh” của Ngân hàng Thế giới năm 2017, chi phí kinh doanh của Việt Nam về cơ bản vẫn cao so với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp Việt Nam phải chịu chi phí nộp thuế ở mức gần 32% so với lợi nhuận; cao hơn 2 lần so với Singapore.

doanh nghiep tu nhan muon giam ganh nang chi phi
Chi phí chính thức và phi chính thức tăng cao khiến doanh nghiệp khó phát triển. (Ảnh minh họa: KT)

Ngoài ra, chi phí về tuân thủ chứng từ xuất khẩu của các doanh nghiệp Việt Nam cũng ở mức cao nất, gấp gần 4 lần so với Singapore, hơn 3 lần so với Philippines. Còn theo khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), hơn 60% số doanh nghiệp được điều tra đã xác nhận có phải trả chi phí phi chính thức.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, việc đánh giá chi phí chính thức dưới dạng các con số trực quan như thuế, phí, lệ phí… chỉ là một phần.

Chi phí thời gian và cơ hội là những chi phí chính thức khó hình dung, lớn hơn nhiều so với các con số chi phí trên giấy tờ. Những rào cản từ vấn đề này đặt ra gánh nặng lớn cho chi phí đầu vào của doanh nghiệp. Các giải pháp gần đây của Chính phủ đều tập trung để cắt giảm các chi phí, kể cả chi phí bằng con số như phí, lệ phí, thuế, và cắt giảm cả thời gian cũng như chi phí để thực hiện các thủ tục hành chính, ví dụ như Nghị quyết 19, Nghị quyết 35 của Chính phủ.

“Rõ ràng Chính phủ đã nhận diện được những vấn đề và đã có giải pháp để thực hiện nhưng trên thực tế, tác động của các giải pháp này chưa nhiều và chưa đạt được kì vọng cũng như mong muốn của cộng đồng doanh nghiệp”, ông Hiếu nhận định.

Về các điều kiện kinh doanh mới được Chính phủ bàn luận gần đây theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ông Đặng Huy Đông, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các bộ, cơ quan quản lý đang rà soát, phát hiện những gì bất hợp lý trong quy định về điều kiện kinh doanh, nhằm loại bỏ “giấy phép con”, nhưng tốc độ còn chậm. Bên cạnh đó, vẫn còn tâm lý tạo thuận lợi cho bên quản lý và đẩy khó khăn cho bên thực hiện của cơ quan, cá nhân người làm công tác rà soát.

Theo Thứ trưởng Đặng Huy Đông, cần tăng cường hoạt động đối thoại, phản biện chính sách từ phía doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu độc lập với cơ quan hoạch định chính sách để bảo đảm tính logic và sự cần thiết trước khi ban hành quy định, thủ tục hành chính đối với doanh nghiệp; tránh tâm lý né tránh hoặc tùy tiện, chủ quan trong nghiên cứu, ban hành chính sách.

“Chúng tôi cho rằng phải giảm thiểu sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người trong các hoạt động hành chính thông qua xây dựng Chính phủ điện tử, cung cấp dịch vụ công thông qua trực tuyến. Còn đối với chi phí chính thức thì có rất nhiều dư địa để các cơ quan quản lý nhà nước có thể giảm bớt như là logistic, vận tải, điện năng…”, Thứ trưởng Đặng Huy Đông nhấn mạnh và cho rằng, cả chi phí chính thức và phi chính thức đều cần phải làm thật mạnh mẽ, quyết liệt, phải có sự đối thoại giữa các cơ quan nhà nước với nhau vì lợi ích chung của đất nước, không phải lợi ích cục bộ của ngành mình./.