TP HCM hiện có gần 300.000 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chiếm phần lớn, đầu tư vốn chiếm 67% nền kinh tế và đóng góp khoảng 60% GDP của thành phố.

Công ty TNHH Lập Phúc (ở Quận 7) sản xuất về cơ khí khuôn mẫu chính xác. Trước đây, doanh nghiệp tư nhân này là một xưởng cơ khí nhỏ, sau đó được sự hỗ trợ nguồn vốn kích cầu của thành phố mở rộng sản xuất. Công ty đã nghiên cứu, cải tiến sản xuất, nhập dây chuyền sản xuất tự động của châu Âu đáp ứng các yêu cầu khắt khe của nhiều công ty, tập đoàn lớn trên thế giới.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty TNHH Lập Phúc cho biết, ước mơ của doanh nghiệp làm những thiết bị y tế khớp khủy, vít bắt xương gãy, khớp gối, những dụng cụ này Việt Nam vẫn phải nhập khẩu với giá thành rất đắt. Trong khi, trình độ máy móc của Việt Nam có thể làm được với giá thành rẻ. Muốn làm được cần tòa nhà cao để đảm bảo vệ sinh tuyệt đối nên rất cần được hỗ trợ về nhà xưởng.

doanh nghiep tu nhan can chinh sach ho tro thuc chat
Các DNTN rất cần các chủ trương chính sách hỗ trợ đi vào thực chất.

Hiện nay, ở TP HCM, nhiều DNTN liên tục đầu tư cải tiến, đổi mới sản phẩm và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất để nâng cao sức cạnh tranh. Đồng thời, DNTN cũng có nhiều đóng góp tích cực vào phát kinh tế, an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động và đóng góp rất lớn cho ngân sách thành phố.

Vừa qua, thành phố cũng vinh danh 100 doanh nghiệp tiêu biểu, trong đó có 40 doanh nghiệp có doanh thu trên 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là DNTN, đây là những doanh nghiệp đóng góp rất lớn cho ngân sách Nhà nước.

Nói về sự đóng góp của DNTN, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trong sự phát triển kinh tế tư nhân, hầu hết doanh nghiệp nhỏ và vừa cơ cấu có khả năng phát triển bền vững và bao trùm. DNTN len lỏi phát triển tại hầu hết các khu vực, vùng, cả ở các lĩnh vực mà người dân tự tạo việc làm của mình nên khu vực kinh tế này rất năng động.

TP HCM luôn xem DNTN là động lực quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội. Thực hiện Nghị quyết trung ương 5, khóa XII về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, TP HCM đã có nhiều chủ trương, nghị quyết tạo điều kiện cho kinh tế tư nhân phát triển như Nghị quyết 16 về nguồn vốn kích cầu công nghiệp, công nghiệp hỗ trợ, Quyết định 50 hỗ trợ vốn vay các kích cầu các lĩnh khoa học công nghệ, nông nghiệp…

Mỗi doanh nghiệp được vay nguồn vốn kích cầu tối đa 200 tỷ và được hỗ trợ lãi suất vay trong 7 năm. Qua đó, nhiều doanh nghiệp tư nhân được hỗ trợ vốn mở rộng nhà xưởng, đầu tư công nghệ mới, cải tiến sản xuất, giảm giá thành sản phẩm... Bên cạnh đó, thành phố cũng có nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa về mặt bằng sản xuất, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu …

Ông Phạm Thành Kiên, Giám đốc Sở Công thương TP HCM cho biết, Sở tập trung hỗ trợ mặt bằng cho lĩnh vực sản xuất công nghiệp, mặt bằng giá thuê rẻ ở các khu công nghiệp và có sực hỗ trợ đầu tư, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Sở hỗ trợ kết nối cung cầu, xây dựng thương hiệu và TP HCM tổ chức chương trình kết nối cung cầu thường xuyên và đạt kết quả tốt.

Hiện nay, thành phố TP HCM đã có nhiều chủ trương, Nghị quyết về đẩy mạnh cải cách thủ tục thành chính, hỗ trợ, tạo điều kiện cho lợi cho DNTN phát triển. Điều mà DNTN thành phố rất cần hiện nay là các chủ trương chính sách đó đi vào thực chất hơn.

Đội ngũ cán bộ thực thi nhiệm vụ chuyển biến mạnh mẽ hơn trong ý thức phục vụ doanh nghiệp vì sự phát triển kinh tế của thành phố. Nhiều doanh nghiệp cho rằng, dù chính sách có tốt đến đâu, nhưng người thực thi, nhất là người trực tiếp làm thủ tục chưa làm hết trách nhiệm và tận tâm thì rất khó.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM kiến nghị, thành phố tiếp tục bỏ các giấy phép con, thủ tục không cần thiết cũng như những chi phí không chính thức.

“Việt Nam ứng dụng công nghiệp 4.0 vào các lĩnh vực để tương tác với chính quyền, hướng tới môi trường minh bạch, khách quan đó là điều mà doanh nghiệp rất mong muốn”, ông Dũng cho biết.

DNTN không chỉ đóng góp rất lớn cho tăng trưởng kinh tế của TP HCM mà đây còn là khu vực kinh tế rất năng động. Tuy nhiên, trong kinh tế hội nhập hiện nay, các doanh nghiệp này đang bị sức ép rất lớn trong cạnh tranh, không chỉ ở thị trường xuất khẩu mà ngay trên sân nhà, nhất là cạnh tranh với các doanh nghiệp FDI có tiềm lực lớn.

Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho DNTN phát triển, rất cần có cơ chế chính sách thông thoáng, ổn định, an toàn, minh bạch, bình đẳng và chi phí thấp cho doanh nghiệp. Đồng thời, TP HCM phải tạo sự chuyển biến mạnh mẽ ở đội ngũ cán bộ thực thi công vụ trong cải cách thủ tục hành chính, chứ không phải chỉ là bề nổi, tránh tình trạng “trên nóng dưới lạnh”./.