Trong bối cảnh thương trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, văn hoá được coi là chính sách, là thương hiệu để mỗi doanh nghiệp coi đó là tài sản vô hình. Chính vì thế, doanh nghiệp nào cũng cố gắng xây dựng nét văn hoá riêng, mặc dù có thuận lợi và những khó khăn riêng trong quá trình xây dựng và là cốt lõi của mỗi doanh nghiệp, nhưng trong đó, mỗi doanh nhân phải vừa là người lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp, vừa có đảm trách lớn lao đó là truyền cảm hứng cho người lao động.

Văn hóa gắn liền với đạo đức kinh doanh

PGS. TS. Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP Hà Nội nhìn nhận, trong thời gian qua, đội ngũ doanh nghiệp và doanh nhân đã phát triển hết sức mạnh mẽ. Khi lực lượng doanh nghiệp ngày càng lớn mạnh, văn hoá doanh nghiệp có xu thế trở thành văn hoá của Việt Nam, nhất là trong thời buổi hội nhập kinh tế và Việt Nam đang tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

“Nhiều yếu tố cấu thành văn hoá doanh nghiệp nhưng có hai yếu tố rất quan trọng cần được hình thành và phát triển trong văn hoá doanh nghiệp. Đó là phải phát triển được tư duy “cùng thắng”, không chỉ có tâm thế cạnh tranh trong nước mà phải tạo được cộng đồng doanh nghiệp đoàn kết, nhằm tăng cường sức mạnh cạnh tranh ra khu vực và trên thế giới”, ông Tuấn chỉ rõ.

doanh nghiep phai canh tranh co van hoa
Ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam: Nếu thiếu yếu tố văn hoá, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đứng vững và tồn tại được trong thời buổi hội nhập.

Bên cạnh đó theo ông Tuấn, thử thách lớn nhất với doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chính là sự đương đầu với qúa trình đầu tư, đổi mới khoa học và công nghệ, bởi lẽ đầu tư cho khoa học và công nghệ chính là đầu tư cho nghiên cứu để tạo giá trị nền tảng cốt lõi cho doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên Việt Post Bank, sự phát triển của mỗi doanh nghiệp được chia làm 3 giai đoạn: Duy trì; Đầu tư phát triển và sự trường tồn. Trong đó, văn hoá doanh nghiệp là yếu tố đặc biệt quan trọng nếu muốn phát triển doanh nghiệp bền vững, hiệu quả và trường tồn.

“Văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân gắn liền với đạo đức kinh doanh, nên vai trò của người đứng đầu doanh nghiệp vô cùng quan trong trong việc giữ bản sắc riêng của mỗi doanh nghiệp trong xu thế hiện nay. Mỗi doanh nhân ngoài đạo đức kinh doanh và chuẩn mực chung, cần có nhận nhận thức nhạy bén với hoàn cảnh bên ngoài để đưa ra triết lý kinh doanh riêng. Để tạo nên sức mạnh doanh nghiệp, cần tạo ra chuẩn mực của quản trị của mỗi doanh nhân mà trong đó, Liên Việt Post Bank gói gọn trong ba chữ Kỷ cương; Sáng tạo và nhân bản”, ông Thắng bày tỏ.

Cần bộ quy tắc văn hóa riêng cho doanh nghiệp

Đồng tình với các nhận định trên, ông Nguyễn Kiên Trung, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Cây xanh Hà Nội cho rằng, cần xây dựng bộ quy tắc về văn hoá doanh nghiệp, khi đó văn hoá doanh nghiệp mới được định hình một cách cụ thể và chi tiết, dựa vào đó lãnh đạo các doanh nghiệp có cơ sở để thực hiện.

“Nếu cứ nói văn hóa doanh nghiệp nằm trong văn hóa chung sẽ rất khó thực hiện. Văn hoá doanh nghiệp chỉ là chủ đề trong văn hoá nói chung, cách ứng xử của lãnh đạo với nhân viên, giữa nhân viên với nhân viên chỉ là quy tắc văn hoá ứng xử trong văn hoá doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần tính tới sự cạnh tranh của thị trường, và cạnh tranh như thế nào để có văn hoá cũng là vấn đề các doanh nghiệp cần phải bàn. Tiếp đến là sản phẩm của doanh nghiệp có được xã hội ghi nhận hay không. Khi sản phẩm được ghi nhận sẽ bao gồm cả đạo đức, văn hoá doanh nghiệp nằm trong sản phẩm”, ông Trung nêu rõ.

Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của văn hóa doanh nghiệp, doanh nhân, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam khẳng định: Nếu thiếu yếu tố văn hoá, doanh nghiệp Việt Nam khó có thể đứng vững và tồn tại được trong thời buổi hội nhập. Văn hóa doanh nghiệp không chỉ mang tính hình thức mà nó thấm sâu vào quan hệ doanh nghiệp với bạn hàng, của khách hàng với cơ quan quản lý nhà nước.

“Lối sống và cách ứng xử của doanh nghiệp giữ vai trò hết sức quan trọng. Khi doanh nghiệp đưa chất xám và trí tuệ vào các sản phẩm dịch vụ sẽ làm tăng sức cạnh tranh của sản phẩm. Một doanh nghiệp xuất sắc bao giờ cũng dành tâm huyết để xây dựng thương hiệu, nâng cao tính cạnh tranh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường”, ông Lợi nêu rõ.

Từ thực tế hiện nay, ông Lợi chỉ rõ, khi Chính phủ xác định là chính phủ kiến tạo và quốc gia khởi nghiệp, Việt Nam cần chú trọng xây dựng văn hoá doanh nghiệp và ý thức dân tộc với việc giữ gìn uy tín và uy tín và sự cạnh tranh lành mạnh.

Khi đó, Nhà nước cần có sự điều chỉnh cơ chế chính sách phù hợp về văn bản quy pháp luật đối với văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân. Làm thế nào để tạo môi trường văn hoá doanh nghiệp luôn là câu hỏi khó không dành riêng cho bất kỳ ai mà liên quan tới tất cả các thành phần kinh tế trong xã hội. Trong đó, hãy lấy văn hoá doanh nghiệp, doanh nhân là triết lý kinh doanh, nền tảng để phát triển doanh nghiệp bền vững./.