Đánh giá về mức độ sẵn sàng tiếp cận và tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CMCN4) của các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải chia sẻ kết quả khảo sát của Bộ Công Thương cho thấy, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp Việt Nam đang đứng ngoài cuộc CMCN4.

Với 6 nhóm nội dung đánh giá gồm: Chiến lược và tổ chức, Nhà máy thông minh, Vận hành thông minh, Dịch vụ dựa trên nền tảng dữ liệu, Sản phẩm thông minh và Người lao động, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận ở mức thấp đối với tất cả các nội dung này, đặc biệt 2 nội dung về Chiến lược và tổ chức, Sản phẩm thông minh.

doanh nghiep nha nuoc san sang voi cach mang 40 hon doanh nghiep fdi
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: MOIT)

Đặc biệt, mức độ sẵn sàng cũng khác nhau giữa các doanh nghiệp theo quy mô và loại hình doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp lớn đang thể hiện mức độ sẵn sàng cao hơn so với nhóm doanh nghiệp còn lại. Nhóm doanh nghiệp nhà nước có mức độ sẵn sàng cao hơn nhóm doanh nghiệp FDI.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Bộ Công Thương cũng cho thấy, các công nghệ tiên tiến vẫn còn ít được áp dụng tại các doanh nghiệp, chiếm khoảng 15%, trong đó, tỉ lệ ứng dụng có xu hướng tăng theo quy mô doanh nghiệp và vượt trội ở các ngành cơ khí, thiết bị điện, và sản phẩm điện tử.

Để ngành Công Thương có thể chủ động tham gia vào cuộc CMCN4, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành Công Thương đang nhanh chóng xây dựng một chiến lược tiếp cận bài bản, hệ thống với những giải pháp cụ thể, có tính đột phá.

Đặc biệt, ngành sẽ sớm định hình lại các trọng tâm ưu tiên và động lực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá, đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử cũng như các mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ số và tích cực hỗ trợ doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam tiếp cận với cuộc CMCN4.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia, tiềm năng ứng dụng các công nghệ của CMCN4 trong lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam là rất lớn, nhưng đó là sự kế thừa từ nền tảng sản xuất, các kỹ năng quản trị công nghiệp đã được xây dựng từ các cuộc cách mạng trước đó.

Do đó, để tiếp cận và tham gia CMCN4, Việt Nam cần nhấn mạnh tầm quan trọng của con người, cần có sự thay đổi về tư duy và kỹ năng để phù hợp với thời đại mới. Sự thay đổi này sẽ là vô cùng cần thiết trong các doanh nghiệp, và các cơ sở giáo dục đào tạo.

Trong đó, việc đổi mới thiết bị tại các doanh nghiệp và đổi mới trang thiết bị, chương trình đào tạo tại các cơ sở đào tạo cần được xác định là một trong những ưu tiên hàng đầu để giúp các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nắm bắt các cơ hội từ cuộc CMCN4./.