Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định số 19/2016 đang được Bộ Công Thương xây dựng và lấy ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp. Sau 6 năm, với 3 lần sửa đổi, nhiều ý kiến cho rằng Nghị định này càng làm cho chính sách quản lý thêm chồng chéo, khiến doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn.

Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí thay thế Nghị định 19 đã được Bộ Công Thương sửa đổi những bất cập như: Sẽ bãi bỏ điều kiện đối với thương nhân đầu mối phải sở hữu bồn chứa khí và sở hữu chai chứa LPG (khí dầu mỏ hóa lỏng); về điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu phải sở hữu cầu cảng, sở hữu trạm nạp, sở hữu trạm cấp phí; về thiết lập hệ thống phân phối; quy định an toàn trong hoạt động kinh doanh khí…

doanh nghiep kinh doanh khi gap kho vi nghi dinh 19
Quy định kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình cùng bồn chứa 300 mét khối đang làm khó nhiều doanh nghiệp. (Ảnh minh họa: KT)

Tuy nhiên, các doanh nghiệp kinh doanh gas cho rằng, dự thảo sửa đổi theo hướng như trên sẽ gây thiệt thòi cho cơ sở đã đầu tư bài bản trước đó. Bởi, nhiều tổ chức, cá nhân không có vốn đã lợi dụng kẽ hở luật pháp để thu giữ trái phép vỏ bình gas của các doanh nghiệp kinh doanh, chiết nạp khí gas trái phép rồi bán ra thị trường mà không hề qua thẩm tra an toàn, chất lượng.

Ông Nguyễn Minh Châu, Tổng Giám đốc Công ty CP Dầu khí Epic Nghệ An cho biết, doanh nghiệp không được cạnh tranh bình đẳng với những doanh nghiệp kinh doanh không đầu tư gì.

“Nếu buông lỏng quản lý những doanh nghiệp kinh doanh ít được đầu tư sẽ gây nguy hiểm cho thị trường. Vỏ bình gas không được kiểm định, kiểm tra hở van, hở cổ sẽ dẫn đến hậu quả cuối cùng là người tiêu dùng gánh chịu, chưa kể để xảy ra tình trạng loạn giá thị trường”, ông Châu cho biết.

Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ kiến nghị sớm bỏ điều kiện kinh doanh vì không thể đáp ứng được các điều kiện về đầu tư vỏ bình, kho chứa và đã bị phá sản sau khi Nghị định 19 về kinh doanh khí được ban hành.

Theo quy định, các doanh nghiệp kinh doanh gas phải có 100.000 vỏ bình, cùng bồn chứa 300 mét khối. Để đáp ứng yêu cầu đó, nhiều doanh nghiệp đã phải vay ngân hàng, cầm cố tài sản. Nếu chỉ tính riêng vỏ bình, mỗi doanh nghiệp sẽ cần ít nhất 25 tỷ để đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh theo Nghị định 19.

Hiện nay cả nước có khoảng 200 trạm chiết gas. Trong đó, 120 trạm thuộc các doanh nghiệp đầu mối lớn. Còn khoảng 70 - 80 trạm thuộc các doanh nghiệp địa phương. Thực tế, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, bình quân sản lượng tiêu thụ khoảng 150 - 250 tấn khí /tháng. Với mức sản lượng như vậy thì thị phần của các hãng lớn như Petrolimex, Petrovietnam chiếm từ 35 - 45%, lượng còn lại là doanh nghiệp địa phương với sản lượng đạt từ 80 - 130 tấn/tháng.

Tuy nhiên, theo cách tính mà Bộ Công Thương đưa ra, mỗi tỉnh vùng sâu, vùng xa phải tiêu thụ khoảng 300 tấn/tháng. Do vậy, các doanh nghiệp phải đầu tư thừa khả năng tiêu thụ của thị trường, hơn một nửa giá trị thật của nhu cầu.

Ông Hà Thanh Tùng, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại và Dịch vụ Đông Tùng (Hà Giang) kiến nghị, ở vùng miền núi, dân số quy mô nhỏ, quy mô về lưu lượng cũng chỉ hơn 100 tấn gas. Nếu theo quy định doanh nghiệp phải có 100.000 vỏ bình gas sẽ là điều không thể đối với doanh nghiệp, hoặc cố đầu tư nhưng không hiệu quả sẽ dẫn đến phá sản.

“Về nguyên tắc, kho chứa của các đơn vị có thể đi thuê hoặc sở hữu, do đó doanh nghiệp có thể được sử dụng hợp pháp kho chứa khí đáp ứng đầy đủ điều kiện về an toàn phòng cháy và chữa cháy theo quy định”, ông Tùng kiến nghị.

Trong 6 năm, từ 2009 đến nay, chính sách quản lý kinh doanh khí đã thay đổi 3 lần vì nhiều quy định bất hợp lý. Trong đó có đến 15 quy chuẩn, tiêu chuẩn về an toàn cháy nổ, dẫn tới hiện tượng chồng chéo trong quản lý của các cơ quan Nhà nước và xuất hiện tình trạng gian lận thương mại, chiếm dụng tài sản của các doanh nghiệp khí.

Ông Trần Trọng Hữu, Tổng Thư ký Hiệp hội Gas Việt Nam phân tích, cần phải tách bạch từng loại hình kinh doanh gas. Kinh doanh bán buôn là nhập khẩu hoặc từ những nơi sản xuất bán cho các đơn vị kinh doanh. Kinh doanh nạp gas rời là sử dụng xe bồn bán cho các nhà máy sản xuất để làm nguyên liệu cho quá trình sản xuất thì khác.

“Đặc biệt hoạt động kinh doanh bán lẻ phát sinh rất nhiều vấn đề. Việc cung cấp gas cho người tiêu dùng được chứa trong các loại bình chứa tiềm ẩn vi phạm trong hoạt động kinh doanh, gian lận thương mại, chiếm dụng tài sản của các doanh nghiệp lẫn nhau,…. xảy ra chủ yếu ở đây”, ông Hữu chỉ rõ.

Phần lớn doanh nghiệp đều mong muốn Nghị định lần này sẽ tạo môi trường bình đẳng, minh bạch đối với mọi thành phần kinh doanh, đi kèm với đó là việc tháo bỏ những rào cản, giấy phép không cần thiết như hiện nay./.