Sáng nay (8/11), Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi).

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nêu rõ: Dự thảo Luật có bổ sung các nội dung sau: Không thu thuế; khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp; Quản lý hoá đơn, chứng từ; Tuyên truyền, hỗ trợ người nộp thuế. Việc bổ sung quy định về khoanh nợ thuế là cần thiết nhằm phản ánh số nợ thực tế.

doanh nghiep cho giai the duoc khoanh no thue
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng

Về các biện pháp xử lý nợ đọng thuế (khoanh nợ, xóa nợ, miễn tiền thuế, tiền chậm nộp), dự thảo Luật đã bổ sung quy định về khoanh nợ tiền thuế, tiền chậm nộp đối với các đối tượng người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự; người nộp thuế bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp chờ giải thể, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh được khoanh nợ thuế.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh: "Quy định này là phù hợp với thực tế, khi mà nợ trên phạt chậm nộp cao, dẫn đến nợ đọng lớn trong khi nợ này là nợ ảo, không có khả năng thu hồi".

doanh nghiep cho giai the duoc khoanh no thue
Nợ trên phạt chậm nộp thuế cao, dẫn đến nợ đọng lớn. (Ảnh minh họa: KT)

Luật quản lý thuế hiện hành quy định Thủ tướng Chính phủ xoá nợ thuế từ 10 tỷ đồng trở lên; tuy nhiên để cải cách thủ tục hành chính, dự thảo Luật quy định tập trung thẩm quyền xóa nợ cho Bộ trưởng Bộ Tài chính và cơ quan quản lý thuế. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính xóa nợ từ 05 tỷ đồng trở lên; Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan xóa nợ từ 01 tỷ đến dưới 05 tỷ đồng. Bổ sung quy định phân cấp cho Cục trưởng Cục thuế, Cục trưởng Cục Hải quan xóa nợ đối với trường hợp nợ dưới 01 tỷ đồng.

Về áp dụng hoá đơn, chứng từ điện tử, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, dự thảo Luật đã quy định rõ các doanh nghiệp phải sử dụng hoá đơn điện tử trong giao dịch bán hàng hoá, và cung cấp dịch vụ để khắc phục những gian lận trong việc sử dụng hoá đơn giấy, nâng cao tính cạnh trạnh của toàn nền kinh tế, để góp phần ứng dụng quản lý thuế hiện đại, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoá đơn để góp phần xây dựng cơ quan thuế điện tử.

Về quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, theo Bộ trưởng Tài chính, để thúc đẩy giao dịch điện tử trong quản lý thuế, dự thảo Luật đã bổ sung những quy định liên quan đến quản lý thuế đối với hoạt động thương mại theo hướng: Xây dựng cơ sở dữ liệu và triển khai rộng rãi các dịch vụ thuế điện tử như khai thuế điện tử, hoá đơn điện tử, nộp thuế online; bổ sung quy định trách nhiệm của các bộ, ngành, các tổ chức, đơn vị liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, trên cơ sở đó áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp.

Luật Quản lý thuế được Quốc hội thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2007, từ đó đến nay Luật quản lý thuế đã được sửa đổi, bổ sung 3 lần vào các năm 2012, 2014 và năm 2016.

Dự thảo Luật Quản lý thuế (sửa đổi) đang được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ VI bao gồm 17 chương, 152 điều có phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng cơ bản như Luật quản lý thuế hiện hành.

Chính phủ trình Quốc hội quyết định về hiệu lực thi hành của Luật Quản lý thuế (sửa đổi) từ ngày 1/7/2020./.