doan giam sat cua quoc hoi lam viec tai tinh thai nguyen
Toàn cảnh buổi giám sát

Trước khi diễn ra buổi làm việc, Đoàn giám sát của Quốc hội đã đến dâng hương, tưởng niệm 60 anh hùng liệt sỹ thanh niên xung phong Đại đội 915, Đội 91 Bắc Thái tại Nhà tưởng niệm thanh niên xung phong Đại đội 915, phường Gia Sàng, TP Thái Nguyên và thăm quan Khu di tích lịch sử Quốc gia, Địa điểm lưu niệm các thanh niên xung phong Đại đội 915.

Tại buổi làm việc với tỉnh Thái Nguyên, Đoàn giám sát đã nghe báo cáo kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, giai đoạn 2014 - 2018 của tỉnh Thái Nguyên và có nhiều ý kiến liên quan đến nội dung này. Nội dung các ý kiến đều nhận định tỉnh Thái Nguyên đã chủ động, tích cực và có nhiều cách làm sáng tạo, bài bản trong thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC, trong đó lấy phòng là chính. Các kết quả nổi bật của tỉnh là thực hiện tốt công tác tuyên truyền, triển khai các văn bản, giáo dục pháp luật về PCCC; tích cực xây dựng lực lượng dân phòng thực hiện nhiệm vụ PCCC và cứu hộ cứu nạn tại tất cả các xã, phường, thị trấn với trên 3.000 đội dân phòng và gần 37.000 thành viên; có nhiều mô hình điểm, điển hình tiên tiến về PCCC; chú trọng trang bị phương tiện và tổ chức huấn luyện định kỳ cho lực lượng PCCC cơ sở. Bên cạnh đó, duy trì tốt công tác tiếp nhận và xử lý thông tin báo cháy, cứu nạn, cứu hộ; thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về PCCC; công tác chữa cháy và cứu hộ cứu nạn trong các vụ cháy, nổ,...

Tuy nhiên, trong giai đoạn 2014 - 2018, tỉnh Thái Nguyên còn để xảy ra 520 vụ cháy, làm 8 người chết, 28 người bị thương, thiệt hại tài sản trên 105 tỷ đồng; gần 32ha rừng bị cháy; phát hiện xử lý trên 480 trường hợp vi phạm quy định an toàn PCCC, với số tiền xử phạt trên 766 triệu đồng; các điều kiện đảm bảo an toàn PCCC như giao thông, nguồn nước, phương tiện,...ở nhiều cơ sở, khu dân cư vẫn còn hạn chế,...

Trên cơ sở thực tế này, các thành viên trong Đoàn giám sát và đại diện tỉnh Thái Nguyên đã trao đổi, làm rõ nguyên nhân những tồn tại, hạn chế và một số nội dung liên quan đến việc xây dựng, ban hành các văn bản về công tác PCCC; hiệu quả hoạt động lực lượng dân phòng ở cơ sở; mối quan hệ giữa Công an và các đơn vị quân đội trong PCCC,...Bên cạnh đó, đại diện tỉnh Thái Nguyên cũng đề xuất, kiến nghị một số nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách, về biên chế, phương tiện, thiết bị và kinh phí cho lực lượng PCCC...

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đã ghi nhận, đánh giá cao những kết quả của tỉnh Thái Nguyên trong thực hiện các chính sách, pháp luật về PCCC; đồng thời đề nghị tỉnh tiếp tục quán triệt, thực hiện các văn bản, hướng dẫn về PCCC; các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, cơ quan, đơn vị và toàn dân phải xác định PCCC là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, giáo dục pháp luật về PCCC và cứu nạn cứu hộ trong toàn dân. Bên cạnh đó, nhân rộng các mô hình PCCC; quan tâm xây dựng lực lượng PCCC và cứu nạn cứu hộ chính quy, tinh nhuệ, trang bị hiện đại; thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng cháy tại cơ sở, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm...

Cũng trong chương trình công tác, Đoàn giám sát của Quốc hội đã có buổi làm việc với Công ty TNHH Samsung Electronic Việt Nam Thái Nguyên về thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy thời gian qua và theo dõi buổi diễn tập PCCC tại đơn vị. Qua báo cáo những kết quả đạt được, đại diện Công ty đã nêu một số khó khăn, vướng mắc và đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể với Đoàn giám sát để thực hiện hiệu quả công tác PCCC trong thời gian tới./.