Tham gia Đoàn giám sát còn có lãnh đạo các ban của HĐND tỉnh, Hội Luật gia, đại diện lãnh đạo các sở Tư pháp, Công Thương, Nông nghiệp & PTNT, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Trung tâm y tế dự phòng, Thanh tra tỉnh…

Tại Công ty cổ phần Chế biến thực phẩm Thái Nguyên, qua kiểm tra, Đoàn giám sát nhận thấy việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý chất lượng vệ sinh, an toàn thực phẩm (VSATTP) tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Thái Nguyên cơ bản đảm bảo quy định. Các văn bản hướng dẫn liên quan đều được Công ty tổ chức họp Ban lãnh đạo và các an toàn viên triển khai đến từng tổ, từng người lao động nắm được các quy định về điều kiện đảm bảo VS ATTP. Hàng năm Công ty đều triển khai khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động; thực hiện nghiêm chỉnh việc xét nghiệm mẫu sản phẩm hàng tháng, quý. Trong quá trình sản xuất, Công ty lập sổ sách kiểm tra sản xuất qua từng công đoạn nhằm loại bỏ sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Trong sản xuất kinh doanh, việc chọn lựa nguyên liệu được Công ty ký cam kết với nhà cung cấp nguyên liệu đảm bảo có nguồn gốc, xuất xứ, không ẩm mốc, mối mọt ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Để không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm bia hơi, Công ty đã đầu tư dây chuyền sản xuất tương đối hiện đại, khép kín từ khâu nguyên liệu đến thành phẩm. Do đó, kết quả xét nghiệm về hoá học và vi sinh các chỉ số đều nằm trong giới hạn cho phép, dụng cụ chứa đựng bia được đóng trong các chai, bok vệ sinh sạch sẽ…

Tuy nhiên, Đoàn giám sát cũng chỉ ra những hạn chế của Công ty: Công tác tuyên truyền nghiên cứu học tập chưa đồng bộ, nguồn nước thải chưa được xử lý theo yêu cầu, công tác tự kiểm tra, thanh tra chưa thường xuyên. Sau khi giám sát, Đoàn đại biểu Quốc hội đề nghị Ban lãnh đạo Công ty có chiến lược phát triển trong thời gian tới để có vốn đầu tư trang thiết bị sản xuất, xử lý nguồn nước thải, tăng cường công tác tự thanh tra, kiểm tra.

Buổi chiều cùng ngày, Đoàn đã thực hiện giám sát tại Sở Công thương. Những năm gần đây, Sở Công Thương luôn xác định công tác kiểm tra đảm bảo VSATTP là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Từ đó đã tuyên truyền phổ biến các chính sách pháp luật về VSATTP đối với các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh ăn uống, bếp ăn tập thể, các trung tâm thương mại, siêu thị. Qua đó đã giúp các doanh nghiệp có thêm nhận thức và tự giác thực hiện VSATTP trong quá trình sản xuất, chế biến và lưu thông hàng hoá trên thị trường. Tuy nhiên, trong công tác quản lý còn những tồn tại: chưa tổ chức tuyên truyền sâu, rộng đến các đối tượng thuộc phạm vi quản lý; tổ chức thanh, kiểm tra chưa hết đối tượng có liên quan; chưa duy trì được sự tự giác chấp hành các quy định của pháp luật đối với cá tổ chức, cá nhân… Nguyên nhân là do, Sở thiếu cán bộ có chuyên môn, các trang thiết bị và phương tiện phục vụ cho công tác. Thêm nữa, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật còn chồng chéo nhiệm vụ giữa các cơ quan… Tại buổi giám sát, Sở Công Thương cũng kiến nghị với Chính phủ, các Bộ liên quan sửa đổi bổ sung một só nội dung tại Nghị định số 79/2008/NĐ-CP ngày 18/7/2008 của Chính phủ quy định hệ thống tổ chức quản lý, thanh tra và kiểm nghiệm về VSATTP để các Sở Công Thương có đủ cơ sở pháp lý thực hiện chức năng được giao. Đồng thời, sửa đổi làm rõ chức năng quản lý Nhà nước về VSATTP của Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp &PTNT…

  • Theo Minh Phương (BTN)