Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu thống nhất cao sự cần thiết, mục đích, quan điểm xây dựng dự án Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, coi đây là hành lang pháp lý quan trọng tạo điều kiện thuận lợi cho Nhà nước huy động nguồn lực xã hội đầu tư vào các lĩnh vực trọng yếu, đòi hỏi nguồn vốn lớn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên bình diện cả nước và ở mỗi địa phương. Tuy nhiên, đi sâu, phân tích kỹ nội dung điều khoản quy định tại dự thảo dự án luật các đại biểu cho rằng ban soạn thảo cần xem xét một số nội dung cụ thể như: mối quan hệ của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư với một số luật khác có liên quan để bảo đảm tính chỉnh thể, thống nhất của hệ thống pháp luật tránh chồng chéo và mâu thuẫn trong điều chỉnh các quan hệ pháp luật; các đại biểu cũng góp ý một số vấn đề về phạm vi áp dụng; về Hội đồng thẩm định dự án, trình tự thực hiện dự án, các loại hợp đồng PPP, cơ chế quản lý và sử dụng vốn Nhà nước trong dự án PPP, hoạt động của doanh nghiệp dự án, quyết toán vốn đầu tư xây dựng dự án PPP và các cơ chế bảo đảm của Chính phủ…

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đánh giá cao các đại biểu đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào dự án luật, đồng thời tiếp thu, tổng hợp các ý kiến báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 diễn ra trong thời gian tới.

* Cùng ngày, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp. Đồng chí Hoàng Văn Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Lâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh, đại diện các sở, ban, ngành có liên quan.

Tại hội nghị, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến xoay quanh 02 dự thảo luật, đối với dự án Luật Hòa giải, xuất phát từ thực tiễn đời sống xã hội, pháp luật hiện hành chưa có quy định về cơ chế hòa giải, đối thoại đối với những vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án mà cá nhân, cơ quan, tổ chức đã có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu Tòa án giải quyết, trước khi Tòa án thụ lý theo quy định của pháp luật tố tụng. Với phạm vi này, dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án với 4 chương và 30 điều đang được xây dựng nhằm tạo cơ chế pháp lý mới về hòa giải, đối thoại, không trùng lặp, không mâu thuẫn, không thay thế các cơ chế pháp lý về hòa giải, đối thoại hiện có. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ vấn đề hình thức tổ chức, xác định rõ cơ quan chủ quản đối với hòa giải viên trong hệ thống chính trị, vấn đề lệ phí hòa giải, lệ phí đối thoại tại Tòa án; tiêu chuẩn hòa giải viên, đối thoại viên; vấn đề bảo mật thông tin; việc công nhận hòa giải thành, đối thoại thành theo quy định của Luật này…

Đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp, các đại biểu đề nghị xem xét, sửa đổi, bổ sung một số quy định về căn cứ trưng cầu giám định; cách thức trưng cầu thực hiện giám định trong trường hợp vụ việc giám định liên quan đa ngành, đa lĩnh vực; trách nhiệm của cơ quan trưng cầu giám định, cơ quan thực hiện giám định; thẩm quyền trưng cầu và thực hiện giám định; thời hạn giám định…

Các ý kiến của đại biểu được Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên tiếp thu, ghi nhận và tổng hợp để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Kỳ họp của Quốc hội sắp tới./.