doan cong tac cua quoc hoi giam sat viec thuc hien chinh sach phap luat bao ve moi truong tai thai nguyen
Toàn cảnh buổi giám sát. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Theo Quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Thái Nguyên có 6 KCN nhưng hiện nay mới có 4 KCN đi vào hoạt động gồm: KCN Yên Bình, Sông Công I, Điềm Thụy, Lệ Trạch. 121/188 dự án đầu tư tại các KCN đã đi vào hoạt động và có những đóng góp quan trọng góp phần đưa Thái Nguyên trở thành địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá cao so với các tỉnh, thành trong cả nước những năm gần đây.

Xác định phát triển nhanh, bền vững là mục tiêu hàng đầu trong quá trình phát triển và không đánh đổi môi trường để phát triển, những năm qua, trên cơ sở các chủ trương, chính sách, pháp luật bảo vệ môi trường của Đảng và Nhà nước, Thái Nguyên đã ban hành các kế hoạch cụ thể để thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại các KCN, khu chế xuất, khu sản xuất có nguy cơ ô nhiễm cao và tổ chức thực hiện một cách đồng bộ; với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hạ tầng bảo vệ môi trường các KCN dần đi vào nền nếp, góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và cho thấy hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường tại Thái Nguyên đang dần được nâng cao.

Trên địa bàn tỉnh có 26 cơ sở sản xuất thép, hóa chất và giấy – đây là những cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, nên công tác bảo vệ môi trường, đặc biệt là việc xử lý nước thải trong sản xuất luôn được tỉnh chú trọng. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã thực hiện 53 cuộc kiểm tra đối với các đơn vị, doanh nghiệp trong KCN và các cơ sở sản xuất có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao. Trên cơ sở đó, đã xử lý vi phạm 19 cơ sở với tổng số tiền phạt hơn 2 tỷ đồng…

Tại buổi làm việc, tỉnh Thái Nguyên đã kiến nghị với đoàn giám sát một số vấn đề như: điều chỉnh Luật Bảo vệ môi trường theo hướng giảm thiểu danh mục các đối tượng dự án phải thực hiện đánh giá tác động môi trường các dự án đầu tư vào KCN, thay bằng các yêu cầu bảo vệ môi trường cụ thể đối với từng loại hình dự án; bổ sung cán bộ làm công tác quản lý môi trường các cấp…

Qua kiểm tra thực tế tại một số cơ sở, đơn vị trên địa bàn và làm việc với tỉnh, các thành viên Đoàn giám sát đã trao đổi, chỉ rõ một số tồn tại trong quá trình thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường của Thái Nguyên như: một số dự án đã hoạt động song chưa hoàn thành thủ tục hồ sơ về môi trường; việc chậm hoàn thiện lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại một số cơ sở hay việc nhiều cơ sở sản xuất thép chưa thu gom, xử lý triệt để bụi khí và khí thải…Các vấn đề Đoàn giám sát đặc biệt quan tâm như việc xử lý môi trường tại Công ty Cổ phần Gang thép Thái Nguyên hay việc xử lý chất thải rắn tại các KCN đã được đại diện các sở, ngành của tỉnh giải trình, làm rõ.

Đồng chí Trưởng đoàn giám sát đánh giá cao những nỗ lực và kết quả Thái Nguyên đạt được trong thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường. Đồng thời đề nghị tỉnh cần có quy định chung về bảo vệ môi trường tại các KCN; có quy chế phối hợp giữa chủ doanh nghiệp và Ban Quản lý các KCN tỉnh về các vấn đề môi trường; tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các chính sách, pháp luật về môi trường để siết chặt quản lý và quyết liệt hơn trong việc xử lý các vấn đề môi trường…Đối với các kiến nghị của tỉnh, Đoàn sẽ tổng hợp để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền.

Thay mặt lãnh đạo tỉnh, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cảm ơn sự quan tâm và những đóng góp, chia sẻ của Đoàn công tác. Tỉnh sẽ tiếp thu và lấy đó làm cơ sở để tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách và kế hoạch của tỉnh nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả thực hiện các chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường tại Thái Nguyên./.