Vấn đề quản lý chi phí của ngành xây dựng hiện nay đang tồn tại những bất cập, phóng viên VOV.VN có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) về những vấn đề liên quan đến định mức và giá xây dựng đang được Bộ Xây dựng sửa đổi.

PV: Có ý kiến cho rằng, quản lý chi phí của ngành xây dựng vẫn còn những bất cập, chưa thể theo kịp được yêu cầu thực tế. Quan điểm của ông về nhận định này như thế nào?

Ông Phạm Văn Khánh: Ngành Xây dựng trong những năm qua đã có những bước tiến tốt. Tuy nhiên, lĩnh vực kinh tế xây dựng trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị còn 1 số tồn tại chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường đầy đủ và hội nhập quốc tế.

Ví dụ hệ thống định mức hiện nay đang phải đổi mới, trước kia chúng ta xây dựng theo phương pháp phù hợp với cơ chế bao cấp, số lượng định mức cũng chưa đáp ứng được hoặc đáp ứng chưa đầy đủ. Rồi là hệ thống giá chưa hoàn toàn phù hợp với cơ chế thị trường.

dinh muc xay dung neu tinh dung du se giam that thoat dau tu cong
Ông Phạm Văn Khánh, Cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng)

Ví dụ, giá nhân công chia 2 nhóm, trong khi đó thị trường có trên 50 loại công việc có giá nhân công khác nhau. Giá vật liệu cũng vậy, chúng ta cũng mới quan tâm đến chất lượng, chứ chưa quan tâm đến giá theo số lượng theo điều kiện cung cấp. Và như thế, chúng ta cần phải hoàn thiện để đảm bảo tính đúng, tính đủ và đảm bảo phù hợp với cơ chế thị trường.

Hệ thống định mức còn thiếu về số lượng, chất lượng, một số định mức còn tồn tại gây ra nhiều bất cập. Cho nên sắp tới chúng ta sẽ đổi mới bằng cách xây dựng, đi điều tra trên thị trường, sau đó tổng hợp và phân tích để đưa ra mức đúng, phù hợp, đáp ứng kịp thời thị trường.

PV: Thưa ông, các doanh nghiệp xây dựng gặp rất nhiều vướng mắc vì sự chồng chéo của hệ thống định mức, giá có những định mức theo Bộ Xây dựng một kiểu, theo Bộ Công thương lại kiểu khác. Sự chồng chéo trong các Bộ, sắp tới đây có hướng giải quyết thế nào?

Ông Phạm Văn Khánh: Bởi vì cách làm và cơ chế của chúng ta trước đây hoàn toàn ngược với cơ chế làm sắp tới và kinh nghiệm của các nước. Định mức và giá của chúng ta trước kia làm ngược, chúng ta chờ ý kiến của bên dưới đi lên, sau đó chúng ta xử lý.

Bài học rất lớn của Nhật Bản và kinh nghiệm của các nước. Khi nhà nước xây dựng hệ thống cơ chế công cụ quản lý cho những công nghệ đã có thì để lập dự toán, làm giá gói thầu, đấu thầu và cũng có cơ chế sẽ ưu tiên những nhà thầu nào có công nghệ mới, cải cách mang lại hiệu quả hơn cho dự án khi xét thầu và “automatic” nếu hiệu quả hơn. Các cơ chế mới sắp tới và trong Nghị định thay thế Nghị định 32 sắp tới sẽ “automatic” được áp dụng, chỉ chuyển kết quả và cơ quan quản lý nhà nước sẽ xem xét lại kết quả đấy qua thực tế để ban hành, áp dụng.

PV: Định mức và giá xây dựng lạc hậu còn là “kẽ hở” để một số doanh nghiệp cố tình bỏ giá thấu thấp cạnh tranh không lành mạnh về giá, điểm này cần được khắc phục ra sao thưa ông?

Ông Phạm Văn Khánh: Cách tính giá phải đi kèm với cơ chế quản lý, phải đồng bộ vì chúng ta đang xây dựng một hệ thống định mức và giá phù hợp với thị trường. Chúng ta phải xây dựng được cơ chế không bị động. Cơ chế sắp tới yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước sau một thời gian, ví dụ sau một năm phải xem xét lại đơn giá nhân công, sau hai năm rà soát lại toàn bộ hệ thống định mức, hàng năm khi có công nghệ mới phải chủ động để xây dựng định mức và giá. Tất cả những chủ động đấy là cơ sở để xác định dự toán, làm căn cứ cho giá gói thầu. Và khi xét thầu những nhà thầu nào với giá đó nhưng làm tốt hơn, nhanh hơn thì sẽ trúng thầu; ai có công nghệ mới, giảm giá thành thì sẽ trúng thầu.

dinh muc xay dung neu tinh dung du se giam that thoat dau tu cong
Định mức và giá xây dựng hiện tại đang lạc hậu so với yêu cầu thực tế. (Ảnh: Báo Xây dựng)

PV: Xin ông cho biết về định mức và giá xây dựng theo tiêu chuẩn mới sẽ tác động như thế nào hiệu quả đầu tư công, chống thất thoát lãng phí?

Ông Phạm Văn Khánh: Việc đổi mới cơ chế chính sách trong đầu tư xây dựng và phát triển đô thị có tác động rất mạnh đến việc nâng cao hiệu quả đầu tư các dự án, đặc biệt là các dự án công, đồng thời góp phần chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.

Trước hết, khắc phục những tồn tại của quản lý theo cơ chế cũ, công cụ quản lý cũ chưa đảm bảo hoàn toàn việc tính đúng, tính đủ. Mà đối với việc đầu tư xây dựng dự án thì việc tính đúng tính đủ và tạo ra thị trường xây dựng minh bạch cạnh tranh là vô cùng quan trọng với dự án công. Nếu thừa chi phí nó cũng dẫn đến lãng phí, ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng của dự án và ảnh hưởng đến hiệu quả của dự án đầu tư.

Định mức và giá xây dựng mới sẽ đảm bảo tính đúng tính đủ tốt nhất của các dự án đầu tư công. Bao gồm các dự án sử dụng vốn Nhà nước, các dự án sử dụng vốn ngân sách, và các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Phương pháp như lập định mức, lập mức giá theo cơ chế thị trường, mà cơ chế thị trường thì mọi thông tin phải xuất phát từ thị trường. Chúng ta điều tra thị trường, chúng ta xử lý số liệu ra kết quả khách quan, phản ánh đúng năng suất, hiệu quả thực tế để thực hiện các công việc xây dựng.

Đơn giá cũng phải đi điều tra thị trường, phải quan tâm ngoài yếu tố về chủng loại, về kỹ thuật, về chất lượng, thì còn phải quan tâm đến các yếu tố thương mại, vì nó ảnh hưởng rất nhiều đến dự án. Ví dụ, mua xi măng, mua thép, mua 1 tấn khác 100 tấn và mua 1 xí bệt khác với 100 xí bệt, giá hoàn toàn khác nhau. Đơn giá nhân công thì chúng ta cũng điều tra thị trường như hiện nay đang làm. Mỗi công việc chúng ta đi điều tra thị trường, xử lý số liệu theo phương pháp thị trường.

Vì vậy, việc xây dựng lại định mức và giá xây dựng sẽ khắc phục được những bất cập hiện nay. Khi chúng ta đủ chi phí (đúng, đủ) thì dự án sẽ thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng, đảm bảo môi trường và các yêu cầu khác về quản lý và sẽ không thất thoát, lãng phí.

PV: Xin cảm ơn ông!./.