Dự thảo sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô đã qua 4 lần trình Chính phủ nhưng không được phê duyệt. Đến nay, Bộ Giao thông Vận tải (GTCT) vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp, sửa đổi để hoàn thiện.

Phân tích từ giới chuyên gia cho thấy, Dự thảo sửa đổi Nghị định 86 không giải quyết được vấn đề hiện tại của giao thông đường bộ hiện nay, thay vào đó còn tích tụ và làm phức tạp thêm thị trường vận tải. Trong khi nhiều vấn đề cũ chưa giải quyết được, những vấn đề mới phức tạp đã được tạo ra gây nên nhiều mâu thuẫn và xung đột gay gắt.

Ông Tạ Long Hỷ, đại diện Hiệp hội taxi TP HCM cho biết, Dự thảo Nghị định 86 có nhiều quy định khó thực thi, đặc biệt là các quy định tại Điều 13 và Điều 16. Sau nhiều lần lấy ý kiến sửa đổi, nhưng đáng tiếc là những đề xuất về loại hình vận tải taxi truyền thống đã không được thể hiện trong Dự thảo sửa đổi.

dieu kien kinh doanh van tai khong nen ap dat va di nguoc xu the
Đại diện các hãng taxi truyền thống mong muốn việc quản lý hoạt động vận tải taxi sử dụng công nghệ chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng.

Mặc dù ủng hộ quan điểm kinh doanh theo loại hình như Uber, Grab là đơn vị kinh doanh vận tải như taxi và phải chịu sự quản lý như taxi, hợp đồng điện tử chỉ là phương thức giao kết, không phải mô hình kinh doanh, nhưng ông Hỷ cho rằng, Dự thảo Nghị định 86 sửa đổi không nên phát triển thêm loại hình vận tải khác, chỉ nên mở rộng nội hàm taxi, nội hàm hợp đồng, không bổ sung thêm xe điện tử, taxi điện tử hoặc hợp đồng điện tử…

“Nghị định chỉ nên tiếp tục duy trì 2 loại hình là taxi và xe hợp đồng. Cần sửa đổi điều kiện kinh doanh taxi cho phù hợp với thị trường, nhưng cơ bản phải thỏa mãn điều kiện kinh doanh dành cho lĩnh vực taxi”, ông Hỷ đề xuất.

Còn theo đại diện Hiệp hội taxi Hà Nội, việc đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động vận tải đã khiến các doanh nghiệp taxi thuộc Hiệp hội hiện nay cũng phải đưa ứng dụng công nghệ vào hoạt động. Tuy nhiên, Hiệp hội này mong muốn, việc quản lý hoạt động vận tải taxi sử dụng công nghệ chặt chẽ hơn để đảm bảo công bằng giữa loại hình taxi công nghệ với loại hình taxi truyền thống.

“Với những tồn tại từ chương trình thí điểm taxi công nghệ của Bộ GTVT, tại Dự thảo sửa đổi Nghị định lần này, Bộ GVTV vẫn không đưa ra được các giải pháp hiệu quả để khắc phục tồn tại đó”, Đại hiện Hiệp hội taxi Hà Nội chỉ rõ.

Theo PGS. TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cơ quan quản lý cần đổi mới tư duy, quan niệm về mô hình kinh doanh mới. Bởi trong nền kinh tế hiện đại, các doanh nghiệp có xu hướng chuyên môn hóa, họ chỉ tập trung vào một hoặc một số công đoạn trong chuỗi.

Riêng đối với loại hình vận tải hành khách bằng xe taxi, theo PGS.TS. Ngô Trí Long, lợi ích của việc sử dụng công nghệ là tính minh bạch cao, giúp hành khách và người điều khiển phương tiện tiết kiểm trong trao đổi giá, góp phần điều tiết giao thông trong giờ cao điểm với cách tính giá cước cao.

“Kết quả thí điểm theo Quyết định 24/QĐ-BGTVT của Bộ GTVT là minh chứng rõ ràng nhất cho hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ, phần mềm trong hoạt động của các đơn vị vận tải. Kết quả này đã khiến các hợp tác xã vận tải nhỏ lẻ trở thành đối thủ cạnh tranh đáng gờm, buộc các hãng taxi truyền thống phải nhanh chóng cải tiến công nghệ, chất lượng dịch vụ để phục vụ hành khách tốt hơn”, PGS.TS. Ngô Trí Long cho hay.

Nhận thấy ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực vận tải sẽ có nhiều lợi ích, Chủ tịch Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - ông Nguyễn Thanh Hưng cho rằng, Luật Giao thông đường bộ có nói đến dịch vụ vận tải và dịch vụ hỗ trợ vận tải, nhưng Dự thảo sửa đổi Nghị định không hề đề cập nhiều, nhất là các dịch vụ hỗ trợ vận tải làm cho dịch vụ vận tải linh hoạt và hiệu quả hơn.

Cho rằng Dự thảo sửa đổi lần này đã có nhiều điểm mới, như đã bỏ một số quy định, điều kiện kinh doanh vận tải, nhưng theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) điều này vẫn là chưa đủ, khi cơ quan soạn thảo vẫn lấy cách thức cũ áp đặt cho phương thức kinh doanh mới để giải quyết bất cập hiện tại.

Viện trưởng CIEM cho rằng, Uber, Grab chỉ là hiện tượng của một xu thế. Bản chất của loại hình vận tải mới này là nền kinh tế chia sẻ, kinh tế số. Khi tiềm năng của Grab, Uber đang rất lớn, muốn hay không muốn nó vẫn tồn tại.

“Nếu cấm taxi Grab, Uber các công ty công nghệ trong nước cũng không phát triển được. Đừng vì một hiện tượng mà xóa đi hay ngăn cản một xu thế. Muốn cạnh tranh với Uber, Grab, các doanh nghiệp taxi truyền thống phải làm mới, không thể sử dụng cái cũ. Khi sử dụng công cụ truyền thống không cạnh tranh được với xu hướng hiện đại, thị trường sẽ phải có những công ty công nghệ xuất hiện”, TS. Nguyễn Đình Cung nêu quan điểm.

Theo quan điểm của nhiều chuyên gia, trước xu thế cách mạng công nghiệp 4.0 với sự xuất hiện của các loại hình, cách thức kinh doanh mới, cơ quan quản lý nhà nước vừa phải tạo điều kiện để các mô hình kinh doanh mới, các doanh nghiệp công nghệ phát triển. Nhưng cũng cần thúc đẩy chuyển đổi đối với loại hình kinh doanh truyền thống, từ đó sẽ tạo lập được môi trường kinh doanh bình đẳng và cạnh tranh lành mạnh./.