Những ngày nắng nóng vừa qua, gia đình bà Nguyễn Thị Khánh ở phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên phải tận dụng mọi thiết bị làm mát để chống chọi với nhiệt độ lên đến gần 40 độ ngoài trời. Để sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, nhiều thiết bị điện không cần thiết cũng được gia đình tắt, tạm thời không sử dụng trong thời gian cao điểm. Mặc dù vậy, do nhu cầu sử dụng điện tăng cao nên tiền điện theo đó cũng tăng lên. Bà Khánh chia sẻ: “Nắng, nóng thì phải sử dụng điện. Tuy nhiên, không chỉ gia đình tôi và các gia đình khác đều có ý thức tiết kiệm điện. Nói chung, trong tháng 6 này, gia đình tôi sử dụng rất nhiều điện so với những tháng khác”.

dien nang luong mat troi giai phap tiet kiem hieu qua da ps
Những ngày nắng nóng, gia đình bà Nguyễn Thị Khánh ở phường Phan Đình Phùng, thành phố Thái Nguyên phải tận dụng mọi thiết bị làm mát.

Theo dự báo, tình hình nắng nóng sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, nên có khả năng hệ thống điện quốc gia sẽ gặp khó khăn trong việc cung cấp điện. Trước thực tế đó, ngoài việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả thì giải pháp tự cung cấp năng lượng điện nhờ vào nguồn năng lượng mặt trời đang là xu hướng phát triển của nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có Thái Nguyên.

Để tiết kiệm điện năng tại các tòa nhà cao tầng, vừa khai thác được nguồn năng lượng tái tạo, đầu năm 2020, Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Nhà Xanh đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp một phần điện năng cho các hộ dân sinh sống tại khu chung cư Tiến Bộ. Với công suất 105 kWh, tổng chi phí lắp đặt gần 1 tỷ đồng, thời gian sử dụng hệ thống gần 20 năm, đây được coi là giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả trong bối cảnh nguồn điện năng quốc gia ngày càng cạn kiệt. Ông Đỗ Xuân Thắng, Phó Giám đốc Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Nhà Xanh cho biết: “Cái được nhiều nhất là bên đầu tư đã giảm được tương đối tiền điện phải trả cho điện lực, vì nguồn năng lượng này đã bù cho được khoảng 30-45%”.

dien nang luong mat troi giai phap tiet kiem hieu qua da ps
Công ty CP Đầu tư và dịch vụ Nhà Xanh đã lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời nhằm phục vụ nhu cầu cung cấp một phần điện năng cho các hộ dân.

Theo thống kê của Công ty Điện lực Thái Nguyên, bắt đầu từ năm 2017, một số hộ dân ở Thái Nguyên đã bắt đầu lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời. Tính đến nay, 9/9 huyện, thành phố, thị xã của tỉnh đã có điện năng lượng mặt trời với 110 khách hàng, tổng công suất là trên 950 kWp. Theo nhiều khách hàng đang sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời, nguồn năng lượng không chỉ tiết kiệm chi phí tiền điện mà còn có thể bán phần điện dư không sử dụng cho ngành điện. Tuy nhiên, việc phát triển nhanh các nguồn năng lượng tái tạo trong thời gian qua cũng đang đối mặt với một số bất cập và thách thức như: Chi phí đầu tư còn cao; số giờ vận hành nguồn điện còn thấp; các khó khăn trong điều khiển, điều độ hệ thống điện tăng lên… Trao đổi về vấn đề này ông Ninh Vân Phong, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Thái Nguyên cho biết: “Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời ở tỉnh Thái Nguyên đến thời điểm này đã mang lại ý nghĩa rất lớn và quan trọng với ngành điện, đó là đã giảm áp lực sử dụng điện vào khung giờ 11 giờ đến 14 giờ hàng ngày, tương ứng với giảm 0,14%. Chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Công thương về công tác quy hoạch nguồn điện và phối hợp với khách hàng lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời”.

dien nang luong mat troi giai phap tiet kiem hieu qua da ps
Bắt đầu từ năm 2017 một số hộ dân ở Thái Nguyên bắt đầu lắp đặt và sử dụng hệ thống điện năng lượng mặt trời.

Để thúc đẩy phát triển điện năng lượng mặt trời tại Việt Nam giai đoạn 2019-2025, Bộ Công thương đã ban hành Quyết định 2023, đồng thời tiếp tục hoàn thiện chính sách về điện mặt trời, xây dựng bộ tiêu chí về tiêu chuẩn, kiểm định và thử nghiệm dành cho hệ thống điện mặt trời, cũng như triển khai các chương trình hỗ trợ tài chính và tổ chức hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về điện mặt trời. Tuy nhiên, để điện mặt trời thực sự phát triển, thì các địa phương trong cả nước, trong đó có Thái Nguyên, cần có những giải pháp hữu hiệu, huy động nhiều nguồn đầu tư, tạo động lực quan trọng để điện mặt trời phát triển bền vững, hỗ trợ vào nguồn năng lượng quốc gia, phục vụ sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước./.