Vang mãi truyền thống Anh hùng

Tình cờ trong một lần công tác đầu tháng 11/2017, tôi may mắn được gặp Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện – Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn - Tổng cục Chính trị. Người có 35 năm liên tục công tác trong Quân chủng Phòng không – không quân và anh cũng là người Chủ biên tập truyện ký “Điện Biên Phủ trên không – Bản hùng ca bất tử”. Tác phẩm của anh được Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm 40 năm chiến thắng “Hà Nội Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2012) tặng giải A về sáng tác văn học. Anh tâm sự: “Vậy mà thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ, chúng ta chuẩn bị kỷ niệm 45 năm chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không (12/1972-12/2017). Nghĩ lại những năm tháng chiến tranh ác liệt của Đế quốc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc với âm mưu và dã tâm của chúng là đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Để thực hiện âm mưu của chúng, từ năm 1972 Ních-xơn đã ra lệnh cho Kít-xinh-giơ rằng: “Chúng ta ném bom dữ dội miền Bắc nhưng sẽ không cho chúng biết trước”, rồi ông ta tuyên bố “Đưa B-52 ném bom Hà Nội, Hải Phòng, dùng sức mạnh hủy diệt của B-52 làm áp lực để buộc Hà Nội phải quỳ gối".

dien bien phu tren khong vang mai ban hung ca bat tu
Tác giả Trịnh Ngọc Sơn (Áo đen) cùng Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện (Người ngồi thứ 4 từ phải sang).

Trong 12 ngày đêm Mỹ đã sử dụng hàng trăm chiếc B-52 và hàng ngàn chiếc máy bay chiến thuật, ném hơn 100 nghìn tấn bom xuống Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên và một số địa phương trên miền Bắc nước ta. “Cơn điên” của Ních-xơn đã hủy diệt nhiều khu phố, làng mạc, kho tàng, bến cảng, trường học, bệnh viện, nhà máy xí nghiệp, chùa chiền, phá sập 5480 ngôi nhà, giết chết 2368 dân thường và làm bị thương 1355 người khác.

Ý chí “quyết chiến” của quân dân ta và thất bại của Đế quốc Mỹ trên bầu trời miền Bắc

Trên khắp các trận địa phòng không, lưới lửa đã sẵn sàng. Các đơn vị chủ lực và bộ đội địa phương ngày đêm trên bệ pháo, trong giây phút có thể nổ súng tiêu diệt máy bay Mỹ ngay từ loạt đạn đầu. Các loại hỏa lực từ 12,7 ly, 14,5 ly, pháo cao xạ 37,57 100 ly đã được xác định phần tử và phân công trực chiến, tác chiến để đánh máy bay giặc cả tầm thấp lẫn tầm cao.

Bộ đội không quân của ta sẵn sàng cất cánh chiến đấu, bắn rơi hàng trăm máy bay của địch. Sự xuất hiện của không quân Việt Nam trên bầu trời đã làm cho kẻ thù run sợ và tan tác mỗi khi bay vào không phận miền Bắc. Có lẽ sự bất ngờ lớn nhất của Mỹ trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại đối với miền Bắc nước ta là lực lượng không quân trẻ tuổi của Việt Nam đã phát triển rất nhanh chóng và có cách đánh độc đáo, táo bạo, thiện chiến.

Trong 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của không quân – Hải quân Mỹ, lực lượng không quân Việt Nam đã bắn rơi hàng trăm máy bay gồm hàng chục kiểu loại khác nhau. Một điều đặc biệt nữa là trí sáng tạo của bộ đội Quân chủng Phòng không không quân của ta là đã nghiên cứu và phá thành công “chiến tranh điện tử” của Đế quốc Mỹ, đã coi chiến tranh điện tử là con đường sống còn của không lực Hoa Kỳ. Lầu Năm Góc khẳng định khi tuyên bố “Bằng kỹ thuật điện tử, không lực Hoa Kỳ có thể bịt mắt toàn bộ hệ thống ra-đa của Bắc Việt; có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống phòng không của đối phương.

Nhưng người Mỹ đã thất bại cay đắng. Mỹ dựa vào máy móc tân kỳ để gây nhiễu, còn chúng ta tìm mọi cách để “vạch nhiễu tìm thù”, “tìm thù trong nhiễu”, và chúng ta đã chiến thắng. Trải qua 12 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường. Với ý chí quyết chiến quyết thắng, quân và dân miền Bắc đã bắn rơi 81 máy bay các loại của Mỹ , trong đó có 34 chiếc máy bay B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), 5 chiếc F111 và 42 máy bay chiến thuật các loại, tiêu diệt và bắt sống nhiều giặc lái. Chiến thắng Hà Nội – Điện Biên Phủ trên không đã buộc Mỹ phải chấp nhận ký hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.

Chiến thắng vang dội của quân và dân Thái Nguyên

Trong cuốn sách của Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện kể lại chiến công của quân và dân Thái Nguyên, góp phần làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ trên không, đặc biệt là Trung đoàn pháo cao xạ 256 QKI (tiền thân của Lữ đoàn 297 Quân khu II hiện nay). Khi nói tới Bác Nguyễn Công Tuấn, số nhà 400, đường Thái Nguyên, Hà Nội là tôi nhớ ngay. Cách đây 5 năm, cánh phóng viên truyền hình chúng tôi đã đến thăm và phỏng vấn ông để xây dựng phim tài liệu nhân dịp 40 năm Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không" (12/1972-12/2012).

Trở lại thăm bác Tuấn tại số nhà 400, năm nay đã 79 tuổi, ông tiếp tôi như người thân đi xa lâu ngày trở về. Khi nghe tôi đặt vấn đề mời Ông tham gia hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 45 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”, thì ông phấn chấn hẳn lên. Hỏi về đời sống hiện nay, ông chia sẻ: "Từ khi tỉnh chuyển bến xe mới về đây, sau khi giải phóng hành lang đường, gia đình không phải di dời. Nhà năm cạnh ngã ba có người đến thuê làm đại lý bán Trà Thái Nguyên mỗi tháng họ trả mấy triệu nên đời sống của chúng tôi cũng đỡ vất vả hơn".

Trong câu chuyện với ông, tôi đưa cuốn sách: Điện Biên Phủ trên không – Bản hùng ca bất tử” do Thiếu tướng Nguyễn Phương Diện là Chủ biên, trong đó có tác phẩm “Hạ pháo đài bay trên thành phố Thép”. Tác phẩm viết về Đại đội pháo phòng không do ông làm Đại đội trưởng trong 12 ngày đêm chiến đấu, đã bắn rơi 2 máy bay B-52 của Đế quốc Mỹ.

Ông dốc bầu tâm sự kể cho tôi thêm hiểu về sự khốc liệt của chiến tranh trong 12 ngày đêm giặc Mỹ điên cuồng dốc lực bằng không quân đánh vào các khu vực trọng điểm của ta, như Khu Gang Thép, Ga Lưu Xá, Nhà máy điện Cao Ngạn, các sở chỉ huy và trận địa phòng không của tỉnh Thái Nguyên. Bom chồng bom, mặt đất bị cày xới tưởng như không có sinh vật nào tồn tại được. Chỉ có ý chí quyết chiến quyết thắng và sáng tạo trong chiến thuật: các loại vũ khí tầm thấp như 12,7 ly, 14,5 ly, pháo cao xạ 37,57 dùng để tiêu diệt các máy bay chiến thuật và hộ tống đối với B-52.

Còn các trận địa pháo 100 ly chỉ để “giành tặng” cho máy bay chiến lược B-52. Ông hào hứng kể lại chiến công của Đại đội 5 do ông làm Đại đội trưởng trong 2 đêm 24 và 26/12/1972 đã bắn rơi 2 máy bay chiến lược B-52, đây là những chiến công tưởng chừng như trong mơ của bộ đội ta. Giữa mưa bom của hàng chục máy bay chiến thuật trực tiếp đánh vào các mục tiêu và trận địa phòng không của ta và gây nhiễu để máy bay B-52 vào rải thảm, nhưng chúng đã bị lưới lửa từ các trận địa pháo 100 ly của ta tiêu diệt. Im lặng nhấp một ngụm trà nóng, giọng đượm buồn ông kể: “Cũng chỉ một đêm Noen 24/12 địch đã giết hại 66 thanh niên xung phong và dân thường. Riêng Ga Lưu Xá, Thái Nguyên máy bay Mỹ đã ném bom làm hy sinh 61 thanh niên xung phong đang làm nhiệm vụ tại ga. Căm thù tội ác của địch để trả thù cho những người đã ngã xuống, anh em mình càng đánh càng hăng, cùng với pháo 100 ly ở các trận địa pháo 37,57 ly đồng loạt tạo thành lưới lửa tiêu diệt nhiều máy bay chiến thuật khác như F111, F4 trên bầu trời Thái Nguyên".

Chiến tranh đã lùi xa, lật lại từng trang sử vẻ vang của quân và dân ta mới thấy lịch sử bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta thật vĩ đại. Xin tri ân những Cựu Chiến binh đã một thời hy sinh xương máu cho Tổ quốc hòa bình hạnh phúc. Thế hệ hôm nay nguyện bước tiếp truyền thống của lớp cha anh đi trước viết tiếp trang sử vẻ vang trên chặng đường mới!.