40 năm trước, ngày 2/9/1969, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn quyết liệt, Bác Hồ đã ra đi để gặp cụ Các Mác, cụ Lê nin. Đó là nỗi mất mát lớn lao không gì bù đắp được. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho Đảng ta, đất nước và dân tộc Việt Nam ta bản Di chúc thiêng liêng. Những lời cuối cùng trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu ghi rõ:

Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.

Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế.

Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới..

Vượt lên nỗi đau thương, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã đoàn kết thành một khối thống nhất nỗ lực phấn đấu để tiến hành công cuộc xây dựng miền Bắc XHCN, chi viện sức người, sức của cho chiến trường miền Nam, đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào, thống nhất Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước như mong muốn của Người.

Bản Di chúc - một văn kiện mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc và giá trị lịch sử vĩ đại

Khi bước sang tuổi 75, nghĩa là ở tuổi của lớp người xưa nay hiếm, ngày 10/5/1965, Hồ Chủ tịch đặt bút viết bản Di chúc. Trong 3 năm sau đó, cứ từ mồng 10/5 đến 20/5, hàng ngày Người chọn giờ đẹp nhất (tức là 9 giờ sáng) để chỉnh sửa bản Di chúc - tài liệu đặc biệt bí mật, như cách nói của Người.

Trong bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh tới truyền thống đoàn kết của Đảng, về thực hành dân chủ rộng rãi trong Đảng, về việc giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, về sự đoàn kết của Đảng với phong trào cộng sản thế giới. Người chú trọng vai trò của thế hệ trẻ, lớp người kế tục sự nghiệp của dân tộc và việc cần thiết bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau.

Nghiên cứu bản Di chúc chúng ta thấy, Bác đề cập trong đó rất nhiều vấn đề. Nhưng, vấn đề đạo đức và lòng trung thành của người cán bộ được Bác quan tâm nhiều và đề cập trong mọi khía cạnh. Qua đó cho ta thấy Bác xác định mục tiêu tối cao và là đích để chúng ta hướng tới đó là phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, đặt quyền lợi của nhân dân, của Tổ quốc lên trên, còn quyền lợi của mình sẽ nằm trong quyền lợi của nhân dân, của dân tộc. Một khi quyền lợi của toàn thể dân tộc, của nhân dân có, thì sẽ có quyền lợi của cá nhân và gia đình mình cũng có. Người cán bộ là phải đề cao đức tính hy sinh của mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thể hiện một tầm nhìn xa trông rộng, tầm chiến lược to lớn và có ý nghĩa thời đại sâu sắc. Tinh thần của Di chúc xuyên suốt 40 năm và còn đi theo chúng ta nhiều năm nữa. Đó là mục tiêu phấn đấu để xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh, sánh vai với các nước khác trên thế giới. Và công việc đó là công việc của toàn dân tộc, nhiều thế hệ người Việt Nam mới có thể làm được. Đó chính là tầm nhìn xuyên thế kỷ và ý nghĩa thời đại của bản Di chúc.

Học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ là nhiệm vụ của toàn mọi người dân Việt Nam

Ngay sau khi nhận được tin dữ - cái tang lớn của cả dân tộc - Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu không còn nữa, ngày 04/9/1969, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Lai Châu, tiền thân của Đảng bộ hai tỉnh Điện Biên và Lai Châu đã có Điện gửi Trung ương Đảng, Quốc hội, ủy ban MTTQ Việt Nam thể hiện quyết tâm cùng toàn Đảng, toàn dân ta biến đau thương thành hành động cách mạng, nhằm thực hiện thắng lợi Di chúc của Người. Bức quyết tâm thư có đoạn:

Từ nay trở đi phải tăng cường đoàn kết nội bộ hơn nữa. Càng khó khăn càng phải xiết chặt đoàn kết vì lợi ích cách mạng trên tình thương yêu đồng chí, đồng bào, quét sạch mọi biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân.

Phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc.

Với lòng kính yêu, thương tiếc Hồ Chủ tịch vô hạn, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu nguyện học tập và làm theo Di chúc của Người...".

40 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, quân và nhân dân các dân tộc tỉnh Điện Biên luôn lấy những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong Di chúc làm kim chỉ nam để cùng toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta nỗ lực đạt nhiều thành tựu to lớn trong bảo vệ và xây dựng đất nước.

Trong hai năm gần đây, hưởng ứng Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", toàn Đảng bộ đã dấy lên phong trào học tập và đặc biệt là làm theo tấm gương đạo đức của Người. Những việc làm đó góp sức làm cho Điện Biên ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với niềm tin yêu của Bác Hồ và đồng chí, đồng bào trong cả nước dành cho Điện Biên. Trong quá trình triển khai, thực hiện Cuộc vận động, toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân đều xác định rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương rất trong sáng về đạo đức. Người là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng, đạo đức của dân tộc. Cho nên chúng ta phải tiếp tục nhận thức sâu sắc hơn và thường xuyên học tập, quán triệt tư tưởng đạo đức của Bác, đặc biệt làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

  • Theo báo Điện Biên Phủ