* Trong tuần qua, nhiều sự kiện thế giới được đăng tải trên Thainguyentv.vn thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận như: LHQ cảnh báo ảnh hưởng của COVID-19 tới an ninh và hòa bình quốc tế; "Bùng nổ" thị trường chợ đen mua bán huyết tương bệnh nhân COVID-19; Số ca mắc COVID-19 tại Brazil vượt ngưỡng 1,5 triệu người; Nổ súng tại trung tâm mua sắm ở Mỹ, ít nhất 4 người nhập viện; Nga xem xét cấp thị thực du lịch thời hạn 5 năm cho du khách; Trung Quốc: Mưa lũ nghiêm trọng ảnh hưởng đến gần 20 triệu người; Nhật Bản thông tin mới về vụ tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm lãnh hải…

- Tổng thư ký Guterres cho rằng khi con người đối mặt với quá nhiều nỗi khổ thì đó chính là nguyên nhân tiềm ẩn gây bất ổn và bạo lực.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Nhân viên mặc quần áo bảo hộ phòng lây nhiễm COVID-19 tại sân bay quốc tế Guarulhos, ngoại ô Sao Paulo, Brazil ngày 25/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN).

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã cảnh báo Hội đồng bảo an Liên hợp quốc về những hệ lụy về nhiều mặt của đại dịch COVID-19 đối với an ninh và hòa bình quốc tế. Tại nhiều nơi, căng thẳng ngày càng gia tăng do những ảnh hưởng về kinh tế - xã hội của cuộc khủng hoảng dịch bệnh gây ra; niềm tin vào cáo cơ quan công quyền ở một số nơi đã giảm sút bởi người dân thấy rõ chính quyền của mình đã không ứng phó với đại dịch hiệu quả hoặc chưa thực sự minh bạch. Trong khi đó, chính đại dịch COVID-19 đang khiến cho các nỗ lực ngoại giao và hòa giải gặp thêm nhiều khó khăn bởi việc di chuyển giữa các nơi bị hạn chế. Tổng Thư ký Guterres cũng bày tỏ quan ngại về việc đại dịch có thể gây ra thêm nhiều thách thức đối với việc đảm bảo quyền con người.

- Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn đang đe dọa toàn cầu, huyết tương của các bệnh nhân mắc dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã nổi lên như một "món hàng sinh lợi" trên thị trường chợ đen ở Iraq.

Iraq hiện là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do dịch COVID-19 tại Trung Đông, bên cạnh Saudi Arabia và Iran. Mối quan ngại đang gia tăng khi các bệnh viện đều quá tải. Hệ thống y tế tê liệt khó có thể điều trị 2.000 ca mắc mới mỗi ngày. Trong bối cảnh đó, phương pháp điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bằng huyết tương của người đã bình phục đang được xem là một giải pháp khả thi.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Lấy huyết tương từ những người mắc COVID-19 đã bình phục. (Nguồn: socialnews.xyz).

Sau khi Bộ Y tế Iraq thông báo nước này đã đạt được kết quả tích cực trong việc điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 bằng cách sử dụng huyết tương, nhiều gia đình bệnh nhân đã đổ xô vào "cuộc chiến" tìm kiếm huyết tương bằng bất cứ giá nào. Bác sỹ Hamid Saadi thuộc Trung tâm truyền máu quốc gia Iraq ở Baghdad cho biết buôn bán huyết tương là một "vấn đề rất nghiêm trọng" và Bộ Y tế đang nỗ lực đẩy lùi tình trạng này. Bên cạnh đó, chuyên gia này cũng cảnh báo về một loạt nguy cơ tiềm tàng của việc buôn bán huyết tương. Ông Saadi kêu gọi bệnh nhân mắc COVID-19 đã hồi phục tình nguyện hiến huyết tương để giúp đỡ những người gặp khó khăn.

- Còn tại Trung Quốc, mưa lũ nghiêm trọng ảnh hưởng đến gần 20 triệu người. Trong số 98.000 đập nước của Trung Quốc hiện nay, một số đập tiềm ẩn nguy hiểm, rủi ro, mặc dù vậy, nhà chức trách Trung Quốc đánh giá tình hình lũ lụt ở nước này về tổng thể hiện vẫn ổn định.

Từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã phải hứng chịu nhiều đợt mưa lũ với lượng mưa nhiều, có nơi cường độ mạnh, một số huyện thị vượt mức kỷ lục trong lịch sử. Trong giai đoạn này, mưa lớn vẫn thường xuyên xảy ra.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Nước sông dâng cao do mưa lũ tại Trùng Khánh, Trung Quốc ngày 1/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN).

Tính đến 3/7, đợt mưa lũ lần này đã làm gần 20 triệu người thuộc 26 tỉnh, thành và khu tự trị ở Trung Quốc bị ảnh hưởng, trong đó có 875.000 người phải di dời khẩn cấp, 235.000 ngôi nhà bị sập hoặc hư hỏng, 1.560.000 hécta hoa màu bị tàn phá. Ước tính, thiệt hại kinh tế trực tiếp do đợt thiên tai này đã lên tới gần 6 tỷ USD. Mặc dù vậy, nhà chức trách Trung Quốc đánh giá tình hình lũ lụt ở nước này về tổng thể hiện vẫn ổn định. Theo lãnh đạo Ban Chỉ huy phòng chống lũ lụt, hạn hán Quốc gia Trung Quốc, trong tháng 7, 8, tình hình mưa lũ ở nước này ở miền Bắc sẽ nhiều hơn miền Nam. Khu vực Đông Bắc, Tây Bắc, thượng lưu và trung lưu sông Hoàng Hà... có khả năng xảy ra ngập úng, lũ lụt tương đối nghiêm trọng. Các tỉnh miền Nam, như Hồ Nam, Quảng Tây, Quý Châu vẫn mưa nhiều, khu vực trung lưu sông Trường Giang vẫn có khả năng xảy ra ngập úng.

* Thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn là Tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19; Việt Nam dự họp trực tuyến của HĐBA về đại dịch và an ninh; ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sĩ nhận chuyển giao chức Chủ tịch Ủy ban ASEAN; Mười hai luật sẽ có hiệu lực thi hành bắt đầu từ ngày 1/7; Thủ tướng chủ trì họp Ban chỉ đạo điều hành giá; Sơ kết công tác bảo đảm ATGT 6 tháng đầu năm 2020…

- Trong bối cảnh hiện nay, các bộ, ngành và địa phương cần tiếp tục điều hành, tận dụng cơ hội phục hồi phát triển kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19 để phấn đấu tăng trưởng 3-4%.

“Một tinh thần là hành động, hành động hơn nữa, chống trì trệ, nâng cao trách nhiệm hơn nữa”, đây là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương diễn ra vào ngày 2/7 vừa qua. Nhắc lại một số kết quả nổi bật, Thủ tướng nêu rõ, tình hình thế giới tiếp tục xấu đi nhanh chóng, phức tạp, khó lường khi dịch bệnh đang hoành hành ở nhiều nước. “Chúng ta phải tiếp tục theo dõi để đề phòng nguy cơ, nhất là nguy cơ dịch bệnh, đồng thời nắm bắt cơ hội để từ đó Chính phủ có đối sách đúng, kịp thời hơn trên tinh thần vừa phòng thủ chống dịch COVID-19, vừa tấn công trên mặt trận kinh tế”, Thủ tướng nói. Vì vậy, Thủ tướng đề nghị Bộ KH&ĐT có kịch bản tăng trưởng quý III và IV cụ thể. Mục tiêu tăng trưởng là phấn đấu ở mức cao nhất, vào khoảng 3-4%.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với địa phương diễn ra ngày 2/7. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN).

Đưa ra một số quan điểm, định hướng chủ đạo trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại. Cần có giải pháp phục hồi phát triển kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, thu nhập. Điều hành chính sách tài khóa, tiền tệ chủ động hơn, linh hoạt, hiệu quả hơn để kích thích tổng cầu, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế phù hợp, đồng thời duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, củng cố niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài. Kiểm soát giá phải thúc đẩy phát triển, kích thích tăng trưởng, kiềm chế lạm phát nhưng không thắt chặt tiền tệ. Tín dụng năm nay phải tăng trưởng ít nhất 10%. Tỷ lệ nợ công có thể tăng thêm 2-3%. Phải có cơ chế, chính sách, giải pháp phù hợp để kích thích mạnh mẽ những động lực chủ yếu tăng trưởng kinh tế bao gồm đầu tư, tiêu dùng.

Tiếp tục kích cầu du lịch nội địa. Tiếp tục quảng bá Việt Nam là điểm đến an toàn, hấp dẫn của toàn cầu. Giảm giá dịch vụ du lịch nhưng không giảm chất lượng. Chú trọng các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng đề nghị các ngành, hệ thống tài chính quốc gia từ Trung ương đến địa phương có thể bơm thêm tiền cho an sinh xã hội, không để ai quá khổ, quá khó khăn. Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ sẽ xem xét tình hình thế giới để mở cửa thế nào, mở cửa đến đâu để đảm bảo an toàn cho đất nước”.

- Trong bối cảnh nhiều quốc gia đã tiến hành thử nghiệm vắc xin phòng COVID-19 trên chuột, gà trước khi thử nghiệm trên người. Tại Việt Nam, dự án nghiên cứu phát triển vắc xin COVID-19 của các nhà khoa học Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang có "triển vọng rất tích cực".

Tại cuộc họp của Bộ Y tế bàn về các phương pháp xét nghiệm và sản xuất vắc xin phòng COVID-19 đang thực hiện tại Việt Nam và các quốc gia trên thế giới diễn ra mới đây, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, việc chủ động vắc xin là một yếu tố quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Việt Nam cần tận dụng mọi cơ hội nghiên cứu, sản xuất vắc-xin phòng COVID-19.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Việt Nam nghiên cứu vắc xin phòng COVID-19. (Ảnh: TTXVN).

Tiến sĩ Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty một thành viên Vaccine và Sinh phẩm số 1 cho biết, hiện vắc xin đang trong giai đoạn thử nghiệm trên chuột. Khi so sánh với những con chuột được tiêm virus hoang dại đã bất hoạt, những con chuột được tiêm vắc xin dự tuyển cho đáp ứng kháng thể cao. Ngoài ra, công nghệ mà Vabiotech sử dụng trong sản xuất vắc xin phòng chống dịch bệnh là công nghệ vector virus thay vì các công nghệ vắc xin bất hoạt hay sống giảm độc lực như truyền thống. Đây là công nghệ mới, đa năng, cho hiệu suất sản xuất cao, không phụ thuộc vào việc nuôi cấy toàn thể tác nhân gây bệnh, phù hợp đối với các vắc xin đại dịch.

Ở giai đoạn tiếp theo, vắc xin dự tuyển sẽ được phát triển thành vắc xin hoàn chỉnh, ổn định và đủ tiêu chuẩn để sử dụng cho người. Nhóm nghiên cứu cũng sẽ xây dựng quy trình sản xuất thương mại để có thể đáp ứng quy mô sản xuất lên tới hàng triệu, thậm chí là hàng chục triệu liều.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Thực hiện hiệu quả công tác tổ chức xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giải pháp phát triển KT-XH 6 tháng cuối năm 2020; Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ 23, khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020; Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Đại học Thái Nguyên; Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và Tổ hợp Samsung tại Thái Nguyên; Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên làm việc với Tập đoàn T&T; Thái Nguyên: Công bố số liệu kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2020; Sơ kết công tác tuyên giáo và Tổng kết Giải thưởng về chủ đề 'Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh'; Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 'Năm Dân vận khéo' 2020…

- Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nền kinh tế toàn cầu sụt giảm trên quy mô lớn nhất trong 150 năm qua. Là một nước hội nhập quốc tế sâu rộng, kinh tế Việt Nam cũng chịu nhiều tác động, tốc độ tăng trưởng GDP chỉ đạt 1,81%.

Đây là mức tăng trưởng thấp nhất trong 10 năm qua đối với nước ta, nhưng so với khu vực và thế giới thì lại là một trong số ít quốc gia có mức tăng trưởng dương. Việt Nam cũng là một trong những nước đầu tiên thoát ra khỏi dịch bệnh, thiết lập trạng thái bình thường mới; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Điểm cầu Thái Nguyên tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm 2020.

Đối với Thái Nguyên, trong 6 tháng đầu năm, mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19 song với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, tỉnh đã triển khai nhiều biện pháp ứng phó với dịch COVID-19, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm ổn định đời sống người dân. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trên địa bàn ước đạt 2,63%. Với phương châm “4 tại chỗ”, thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và dự toán ngân sách năm 2020; đồng thời rà soát bổ sung các giải pháp phù hợp để thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, vừa chống dịch hiệu quả.

Trong 6 tháng cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để vực dậy nền kinh tế, đặc biệt là khu vực dịch vụ, du lịch; đảm bảo song song mục tiêu kép phòng chống dịch và phát triển kinh tế.

- Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 23, khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã thảo luận và quyết định 8 nội dung quan trọng, gồm 4 nội dung do Ban cán sự Đảng UBND tỉnh trình và 4 nội dung liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng như việc thực hiện các Đề án, Kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các văn kiện Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 23, khóa XIX, nhiệm kỳ 2015-2020 diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.

Mặc dù chịu tác động bởi dịch COVID-19, song với sự lãnh đạo tập trung của các cấp ủy đảng, triển khai điều hành quyết liệt của chính quyền các cấp, sự vào cuộc với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, 6 tháng đầu năm 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 2,63%. Việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ của Chính phủ và của tỉnh đến các nhóm đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 trên địa bàn đã góp phần ổn định đời sống của người dân. Công tác quốc phòng an ninh được quan tâm, tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội được giữ vững.

Với không khí dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm cao, đã có trên 50 lượt ý kiến phát biểu thảo luận đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2020 và cả giai đoạn 2015-2020 cũng như chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2020-2025.

Đồng chí Bí thư tỉnh ủy đề nghị các Ban cán sự đảng, Đảng đoàn; các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; cấp ủy các cấp; các cơ quan, đơn vị, địa phương; các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, bám sát tình hình thực tế và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém để có thể hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

- Ngày 3/7, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã làm việc với một số đơn vị, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong tỉnh, trong nước và quốc tế: Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên và Tổ hợp Samsung Việt Nam tại Thái Nguyên; Công ty cổ phần Tập đoàn T&T.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Quản lý các khu công nghiệp Thái Nguyên.

Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho thành lập 6 KCN tập trung với tổng diện tích 1.420 ha, trong đó 4 KCN đã đi vào hoạt động, 1 KCN đang triển khai xây dựng hạ tầng. Các KCN có 160 doanh nghiệp hoạt động, với gần 240 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực, giải quyết việc làm cho trên 90.000 lao động, với thu nhập bình quân đạt 7,5 triệu đồng/tháng, đóng góp quan trọng vào chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế, đẩy nhanh chuyển dịch kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy ghi nhận, đánh giá cao những kết quả nổi bật của Ban Quản lý các KCN tỉnh thời gian qua, đồng thời đề nghị trong thời gian tới, Ban Quản lý quan tâm lựa chọn các nhà đầu tư có chất lượng, uy tín, thân thiện với môi trường; chú trọng tạo điều kiện thuận lợi về cơ sở hạ tầng, đảm bảo an ninh trật tự để thu hút các nhà đầu tư; quan tâm đến việc kiện toàn tổ chức bộ máy; luôn đoàn kết, trách nhiệm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy động viên công nhân và người lao động của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Thái Nguyên.

Công ty TNHH Samsung Electronics Thái Nguyên là nhà máy lớn nhất trong số 7 nhà máy của Tập đoàn Sam Sung trên thế giới, với tổng vốn đầu tư 5 tỷ đô la Mỹ, đang tạo việc làm cho trên 50.000 lao động, với mức thu nhập bình quân đạt 8,5 triệu đồng/người/tháng. Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch bệnh Covid 19, song được sự quan tâm, hỗ trợ của chính quyền tỉnh, Sam Sung Thái Nguyên vẫn đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy khẳng định mối quan hệ tốt đẹp cũng như những đóng góp quan trọng của Tổ hợp Samsung đối với tỉnh Thái Nguyên thời gian qua. Đồng thời chia sẻ với những khó khăn của Samsung hiện nay và cam kết sẽ tiếp tục là cầu nối, đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi tốt nhất theo quy định của Nhà nước để Samsung hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả trên địa bàn tỉnh.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Toàn cảnh buổi làm việc giữa lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên với lãnh đạo Công ty CP Tập đoàn T&T

Sau hội nghị xúc tiến đầu tư năm 2018, Công ty CP Tập đoàn T&T đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với tỉnh Thái Nguyên triển khai đầu tư 5 dự án với tổng mức đầu tư trên 46.000 tỷ đồng. Trong đó nổi bật là dự án khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, thể thao, đô thị sinh thái Đông Tam Đảo và tuyến đường kết nối với cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên với tổng mức đầu tư gần 43 nghìn tỷ đồng; diện tích trên 5.600 ha, phạm vi trải rộng trên 5 xã, phường của thị xã Phổ Yên. Ngoài các dự án đã ký biên bản ghi nhớ, Tập đoàn cũng đề xuất tỉnh triển khai thêm 3 dự án khu đô thị trên địa bàn thành phố Thái Nguyên. Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu, đầu tư vào tỉnh, các dự án đang gặp phải một số khó khăn như: Vấn đề quy hoạch, hình thức đầu tư, việc bố trí quỹ đất đối ứng dự án. Vì vậy, Tập đoàn đề nghị tỉnh tiếp tục chỉ đạo các ngành, đơn vị, địa phương liên quan cùng nghiên cứu, tạo điều kiện để Tập đoàn triển khai các dự án nhanh nhất. Đối với những khó khăn, vướng mắc trong việc hỗ trợ phát triển đội bóng đá nữ Thái Nguyên, Tập đoàn đề xuất tỉnh tiếp tục quan tâm nâng cấp, hoàn thiện cơ sở vật chất, điều kiện tập luyện cho các vận động viên, cũng như phối hợp cùng Tập đoàn trong việc đào tạo, phát triển đội bóng trong thời gian tới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao sự quan tâm, tìm kiếm cơ hội đầu tư của Công ty CP Tập đoàn T&T đối với tỉnh Thái Nguyên. Đồng thời khẳng định, Thái Nguyên sẽ luôn thực hiện đúng các cam kết với nhà đầu tư và mong muốn nhà đầu tư cũng hiện thực hóa các cam kết với tỉnh. Đồng chí cũng yêu cầu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan tiếp tục phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để nhà đầu tư triển khai các bước tiếp theo trong quá trình hợp tác.

- Trong tuần, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Nguyên tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tuyên giáo 6 tháng đầu năm 2020, tổng kết Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", giai đoạn 2016-2020.

Trong 6 tháng đầu năm, ngành Tuyên giáo tỉnh Thái Nguyên tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức thực hiện, phối hợp với các ngành, đơn vị, địa phương trong điều hành, tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác. Trong đó, công tác thông tin, tuyên truyền được thực hiện toàn diện, đồng bộ, hiệu quả trên các lĩnh vực, đặc biệt là nội dung tuyên truyền phục vụ Đại hội đảng bộ các cấp; công tác đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cũng như nghiên cứu, biên soạn lịch sử được chú trọng thực hiện và có nhiều đổi mới. Về tổ chức bộ máy của Ban tuyên giáo các cấp trên địa bàn, sau khi sáp nhập đã cơ bản ổn định, tiếp tục được củng cố, kiện toàn.

Đối với Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", sau 5 năm triển khai, qua 2 đợt tổ chức xét khen thưởng, Ban tổ chức đã nhận được trên 150 tác phẩm; trao giải cho gần 60 tác phẩm xuất sắc, lựa chọn 41 tác phẩm gửi tham dự Giải thưởng Trung ương và đạt kết quả cao.

diem su kien tu ngay 2962020 den ngay 572020
Đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao Chứng nhận cho các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải A. (Ảnh: Báo Thái Nguyên).

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ thời gian tới, đồng chí Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy yêu cầu ngành Tuyên giáo của tỉnh quan tâm đổi mới, nâng cao việc học tập và triển khai Nghị quyết; chú trọng nắm bắt và định hướng dư luận xã hội; quan tâm công tác tuyên truyền về Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX; tăng cường tuyên truyền phát huy sức mạnh của hệ thống chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới; các cơ quan báo chí, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm tuyên truyền, thực hiện và đăng tải nhiều tác phẩm về chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách HCM", qua đó góp phần lan tỏa sâu rộng việc học tập và làm theo Bác trong các tầng lớp nhân dân./.