* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như: Tình hình dịch bệnh Covid-19; Mỹ quyết định lùi thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh G7; Nga quyết định duyệt binh kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát-xít vào 24/6; Mỹ: Liên tiếp các vụ xả súng gây thương vong tại bang Missouri; Nhật Bản chuẩn bị dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp toàn quốc...

- Tính đến 6h sáng 31/5, tổng số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới là 6.149.391 trường hợp, trong đó có 370.487 trường hợp tử vong, theo Worldometers.Số ca mắc bệnh đã phục hồi là 2.729.846 trường hợp. Dịch bệnh đã ảnh hưởng tới 213 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Tình hình dịch COVID-19 tại các quốc gia và vùng lãnh thổ đã có khác biệt khi nhiều nước bước vào nới lỏng phong tỏa trong khi một số nơi ghi nhận số ca nhiễm tăng vọt. Ổ dịch lớn nhất thế giới, Mỹ, ghi nhận thêm 998 ca mắc và 105.540 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc Covid-19 tại nước này lên 1.815.817trường hợp và tổng số ca tử vong vì dịch bệnh này là 105.540 trường hợp. Brazil là nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi Covid-19 ở Nam Bán cầu, và hiện đã trở thành ổ dịch lớn thứ 2 trên thế giới. Quốc gia Nam Mỹ này ghi nhận thêm 30.102 ca mắc và 890 ca tử vong, nâng tổng số lên 498.440 ca bệnh và 28.834 ca tử vong. Nga ghi nhận thêm 8.952 ca mắc và 181 ca tử vong do Covid-19. Tổng số ca mắc bệnh tại Nga hiện tại là 369.575 trường hợp, trong đó 4.555 trường hợp tử vong.

- Mỹ sẽ lùi thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thủ đô Washington đến cuối tháng 6 do đại dịch COVID-19.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020
Các nhà lãnh đạo nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) cùng đại diện Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh ở Biarritz, Tây Nam Pháp ngày 25/8/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/5, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O'Brien thông báo nước này sẽ lùi thời điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh của Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại thủ đô Washington đến cuối tháng 6 do đại dịch COVID-19. Ban đầu hội nghị G7 được dự kiến tổ chức vào ngày 10/6. G7 tổ chức các hội nghị thượng đỉnh thường niên để thảo luận về hợp tác kinh tế quốc tế.

Định hướng từ G7 ở thời điểm hiện tại được cho là quan trọng hơn bao giờ hết trong bối cảnh các nền kinh tế đều nỗ lực tìm cách xoa dịu những tác động của dịch COVID-19.

- Ngày 26/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ đạo tổ chức lễ duyệt binh kỷ niệm 75 năm ngày Chiến thắng phát-xít vào ngày 24/6 tới tại thủ đô Moskva và một số thành phố.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020
Hình ảnh lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng diễn ra năm 2016. Ảnh: Getty

Truyền thông nhà nước Nga dẫn nguồn tin từ Điện Kremlin cho biết Tổng thống Putin đã chỉ đạo tổ chức Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm nay vào 24/6 tới. Nhà lãnh đạo Nga cũng chỉ đạo quân đội cần phải duy trì ổn định và an toàn ở mức cao nhất, loại bỏ mọi mối đe dọa đối với những người tham dự sự kiện. Mặc dù phải hoãn một số hoạt động truyền thống do dịch COVID-19, ngày 9/5 vừa qua, Nga vẫn tổ chức lễ diễu binh trên không hoành tráng tại Quảng trường Đỏ nhằm kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng phát xít.

Đại dịch COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp tại Liên bang Nga, song Ngày Chiến thắng 9/5 vẫn là sự kiện rất quan trọng đối với nước này và người dân. Sự kiện góp phần nâng cao tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc khi mà nước Nga vĩ đại đang đứng trước thềm một cuộc bỏ phiếu toàn dân để sửa đổi Hiến pháp cũng như đang hướng tới những kỳ tích kinh tế trước thềm các cuộc bầu cử quan trọng gồm bầu cử Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga vào năm 2021 và bầu cử tổng thống Nga năm 2024.

Tổng thống Nga khẳng định Ngày Chiến thắng là ngày lễ trọng đại nhất và người dân Nga sẽ luôn cùng nhau tổ chức cho thật long trọng sự kiện này; bày tỏ tin tưởng khi mọi người sát cánh bên nhau, chiến thắng nhất định sẽ đến. Trong dịp kỷ niệm 75 năm chiến thắng phát xít, hàng loạt các quốc gia trên thế giới cũng đã bày tỏ sự đoàn kết, sẻ chia với nhân dân Nga, với nước Nga, nước kế thừa hợp pháp Liên Xô.

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng, chống tham nhũng; Đợt 1 kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV thành công tốt đẹp; Bộ trưởng Công an nói về vụ việc Công ty Tenma hối lộ 25 triệu yên​; Giá xăng tăng thêm gần 900 đồng/lít; Đình bản 1 tháng Báo điện tử Phụ nữ thành phố Hồ Chí Minh; Trong tuần, Việt Nam ghi nhận thêm 3 ca mắc Covid-19...

- Ngày 26/5, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì cuộc họp của Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) cho ý kiến đối với một số vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo từ sau Phiên họp thứ 17 đến nay và một số nội dung quan trọng khác.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Tại cuộc họp, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu rõ: Trong quá trình đấu tranh phòng, chống tham nhũng, phải khẳng định nguyên tắc là nghiêm khắc, khẩn trương nhưng cũng rất thận trọng, trách nhiệm, có lý, có tình, đầy sức thuyết phục, mang tính cảnh tỉnh, cảnh báo và giáo dục. Ngăn ngừa không để lọt vào Trung ương, Bộ Chính trị những phần tử không đủ tiêu chuẩn, nhưng cũng đừng nghe dư luận mà bỏ sót những người thực sự có tài, thực sự có đức, người khiêm tốn thường không hay nói ra, nhưng đó là những người đáng quan tâm, cái trống đánh kêu to nhưng chưa chắc đã phải là cật.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh phòng, chống tham nhũng vẫn phải làm rất mạnh mẽ, quyết liệt, nhân dân đang rất đồng tình. Sự phối hợp giữa các cơ quan vừa qua rất tốt, sắp tới phải làm tiếp, phục vụ cho công tác nhân sự Đại hội. Những khâu khó như giám định, phải có cách làm, xét xử phải căn cứ vào hoàn cảnh lịch sử cụ thể, có yếu tố tăng nặng, có yếu tố giảm nhẹ, quan điểm xử lý phải nhất quán, phải rất công tâm, công bằng. Tinh thần là giáo dục, răn đe, cảnh tỉnh, không chỉ cốt xử nhiều, xử nặng mới là tốt; cần rút kinh nghiệm, cầu thị lắng nghe, đoàn kết thống nhất, đặt lợi ích chung lên trên hết…

- Với sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng của các cơ quan của Quốc hội, đợt 1 kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 20 đến 28/5/2020 đã thành công, hiệu quả. Việc áp dụng hình thức họp trực tuyến đã thể hiện sự linh hoạt, tận dụng tối đa lợi thế công nghệ hiện đại và là thời cơ để đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội trong tương lai gần.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020
Hội trường phiên khai mạc.

Ngay sau phiên khai mạc ngày 20/5, kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XIV đã đi ngay vào chương trình nghị sự với nội dung về việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA); phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa một bên là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và một bên là Liên minh châu Âu và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EVIPA); phê chuẩn gia nhập Công ước số 105 của Tổ chức Lao động quốc tế về xóa bỏ lao động cưỡng bức. Đây đều là những hiệp định, công ước quan trọng, xuất phát từ chính lợi ích phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và cam kết mở rộng hợp tác quốc tế của Đảng, Nhà nước ta.

Đặc biệt, tại kỳ họp này, Quốc hội đã dành sự quan tâm thỏa đáng đến quyền, lợi ích của thế hệ tương lai đất nước với nội dung giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em; thảo luận về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi). Quốc hội cũng thảo luận về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 và dự án Luật Biên phòng Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, hầu hết các phiên thảo luận của Quốc hội tại đợt 1, kỳ họp thứ chín đã diễn ra sôi nổi, có chất lượng cao. Mặc dù là kỳ họp trực tuyến nhưng các đại biểu đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, đồng thời phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân cả nước.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng cho biết, có đến 73% đại biểu đề nghị duy trì cách thức tổ chức một kỳ họp chia thành hai đợt. Đồng thời, hơn 94% các đại biểu đánh giá tốt công tác tổ chức; cách thức đăng ký phát biểu; hệ thống đường truyền âm thanh, tín hiệu; công tác hỗ trợ cho đại biểu trong tham gia họp trực tuyến...

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mặc dù là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức họp trực tuyến nhưng công việc diễn ra suôn sẻ. Đây là nét đổi mới, thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động của Quốc hội, song vẫn bảo đảm duy trì không khí dân chủ, công khai của kỳ họp theo đúng quy định của pháp luật và cũng là tiền đề để Quốc hội có thể cải tiến phương thức hoạt động, tiến tới rút ngắn thời gian nghị sự trong những kỳ họp sau...

- Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết phía Việt Nam đang phối hợp với Nhật Bản để điều tra nghi vấn Công ty Tenma Việt Nam đưa hối lộ 25 triệu yên cho cán bộ, công chức thuế và hải quan.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020

Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trả lời phỏng vấn báo chí

(Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Bên hành lang Quốc hội chiều 26/5, trao đổi về việc báo chí phản ánh vụ hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam (công ty con của Tenma Nhật Bản tại Bắc Ninh), Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết phía Việt Nam đang phối hợp với Nhật Bản để điều tra nghi vấn công ty Nhật đưa hối lộ cho cán bộ, công chức thuế, hải quan. Vụ việc hiện đang được các cơ quan thanh tra thuế, tài chính kiểm tra, rà soát lại, xem xét mức độ để tiến hành các biện pháp khác. Cũng theo Bộ trưởng Bộ Công an, trước mắt phía Việt Nam đang trao đổi thông tin với Nhật Bản, vì thông tin trên xuất phát từ Nhật.

Cũng liên quan đến vụ việc, Bộ Tài chính đã có thông báo ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng về thanh tra, kiểm tra, xác minh thông tin về vụ việc hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam. Trên một số phương tiện thông tin báo chí và mạng xã hội phản ánh về việc hối lộ liên quan đến Công ty Tenma Việt Nam nên Bộ trưởng Bộ Tài chính yêu cầu Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Hải quan khẩn trương báo cáo lãnh đạo Bộ nội dung dư luận nêu về những nghi vấn hối lộ trước ngày 26/5.

Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Tài chính giao Thanh tra Bộ thành lập ngay đoàn trong ngày 25/5 để thanh tra Cục Thuế tỉnh Bắc Ninh, Cục Hải quan Bắc Ninh và các tổ chức, cá nhân có liên quan nội dung thông tin báo chí nêu về những nghi vấn hối lộ và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, một số hãng thông tấn, báo của Nhật Bản như Asahi, Kyodo, Nikkei... đã đưa tin Công ty trách nhiệm hữu hạn Tenma Việt Nam đã khai báo 2 lần hối lộ tổng cộng 25 triệu yen cho một số cán bộ, công chức Việt Nam để trốn một số khoản thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Hội nghị bàn giao công tác Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015-2020; Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy tháng 5/2020​; Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với các Ban Xây dựng đảng và Văn phòng Tỉnh ủy​; Hoàn thành chi trả đợt 1 cho người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid xong trước ngày 30/5​; Xử lý hành vi dùng chân điều khiển xe máy...

- Ngày 27/5, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên đã tổ chức Hội nghị bàn giao công tác Bí thư Tỉnh ủy giữa đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2015 - 2020) và đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015 - 2020.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tân Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015- 2020 phát biểu tại Hội nghị.

Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe tóm tắt Báo cáo việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh ủy, những kết quả nổi bật trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 của Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên và một số tồn tại, đề xuất, kiến nghị của các cơ quan, đơn vị, địa phương; nghe dự thảo Biên bản bàn giao công tác Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên giữa đồng chí Trần Quốc Tỏ và đồng chí Nguyễn Thanh Hải.

Phát biểu nhận công tác, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, tân Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên nhiệm kỳ 2015 - 2020 trân trọng cảm ơn đồng chí Trần Quốc Tỏ cùng tập thể lãnh đạo tỉnh thời gian qua đã đoàn kết, tâm huyết, nỗ lực, cống hiến góp phần đưa tỉnh Thái Nguyên ngày càng phát triển, tạo sự chuyển biến tích cực, định vị được mình trên bản đồ toàn quốc. Đây sẽ là tiền đề để thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Đồng chí mong muốn thời gian tới, trên cương vị công tác của mình, đồng chí Trần Quốc Tỏ tiếp tục quan tâm, giúp đỡ, tạo điều kiện để Thái Nguyên ngày càng phát triển về mọi mặt, xứng đáng là trung tâm vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Bày tỏ xúc động khi nhận nhiệm vụ Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, là vinh dự lớn, nhưng cũng hết sức nặng nề, đồng chí Nguyễn Thanh Hải hứa sẽ tiếp tục nỗ lực, trách nhiêm xây dựng mối đoàn kết trong tập thể lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo xây dựng Thái Nguyên ngày càng phát triển vững mạnh, hoàn thành trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Dưới sự chứng kiến của các đại biểu, tại hội nghị, đồng chí Trần Quốc Tỏ và đồng chí Nguyễn Thanh Hải đã ký biên bản bàn giao công tác Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên, nhiệm kỳ 2015 - 2020.

- Cùng ngày 27/5, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên BCH Trung Ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 62, khóa XIX, tháng 5/2020 đã diễn ra với nhiều nội dung quan trọng.

diem su kien tu ngay 2552020 den ngay 3152020
Hội nghị thảo luận, cho ý kiến vào 14 nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên

Hội nghị lần này tiến hành thảo luận, cho ý kiến vào 14 nội dung quan trọng về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung vào công tác phòng chống dịch COVID-19 và tác động của dịch bệnh đối với nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội; việc thành lập cụm công nghiệp Nam Hòa, huyện Đồng Hỷ và điều chỉnh “Dự án Nhà máy xử lý chất thải công nghiệp và y tế” tại xã Minh Đức, thị xã Phổ Yên; công tác chuẩn bị kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021;...

Kết luận hội nghị, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, trong tháng 6 và thời gian tiếp theo, các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể cần tiếp tục gắn công tác lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Đại hội Đảng các cấp với việc triển khai các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống đại dịch Covid-19; tiến hành duyệt công tác chuẩn bị tổ chức Đại hội các đảng bộ trực thuộc Tỉnh ủy. Tiếp tục kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế các cơ quan trong hệ thống chính trị theo nghị quyết số 18 của Trung ương và Đề án số 09, kế hoạch số 79 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Tích cực chuẩn bị tổ chức thành công Kỳ họp thứ 11, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021 và việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.

Tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của cả hệ thống chính trị, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong giám sát việc triển khai các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng. Thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh, ổn định việc làm, nhất là đối với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19; nỗ lực phấn đấu hoàn thành đạt mức cao nhất đối với các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 đã đề ra;...

- Với sự chủ động, linh hoạt, tỉnh Thái Nguyên đã cơ bản hoàn thành việc chi trả cho nhóm đối tượng được ưu tiên trong đợt 1, theo kế hoạch hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 42 và Quyết định số 15 của Chính Phủ. Đây là thông tin được đưa ra tại hội nghị đánh giá tiến độ diễn ra ngày 26/5, dưới sự chủ trì của Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên.

Tính đến ngày 25/5, tỉnh Thái Nguyên đã chi trả số tiền trên 160 tỷ đồng cho hơn 165 nghìn người thuộc nhóm đối tượng được ưu tiên chi trả trong đợt 1, gồm: người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; đạt 98,98% kế hoạch chi trả. 05 địa phương là: TP Thái Nguyên, TP Sông Công, Thị xã Phổ Yên, huyện Đại Từ và Phú Bình đã chi trả xong; còn 04 địa phương, gồm: huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai chưa chi trả xong, do còn gần 1.700 người chưa nhận tiền hỗ trợ. Đây là nhóm đối tượng bị trùng chính sách hoặc vì nhiều lý do không có mặt tại địa phương trong thời gian thực hiện chi trả.

Theo kế hoạch, ngay sau khi, hoàn thành chi trả đợt 1, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục triển khai chi trả hỗ trợ đợt tiếp theo, gồm 05 nhóm đối tượng: Tính đến thời điểm này, qua thống kê có trên 7.300 người lao động thuộc diện được hưởng hỗ trợ; trên 300 hộ kinh doanh đề nghị được hỗ trợ theo quy định.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh tiếp tục khẳng định ý nghĩa nhân văn của một chính sách lớn, hợp lòng dân. Với ý nghĩa đó, ngay trong giai đoạn đầu triển khai gói hỗ trợ, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động ứng 100% ngân sách để đảm bảo hỗ trợ đến tay nhân dân trong thời gian sớm nhất. Đồng chí đề nghị, ngành chuyên môn và các đơn vị, địa phương nhanh chóng rà soát, để tiến hành chi trả nốt cho số lượng còn lại, đảm bảo xong trước ngày 30/5. Ngay sau khi hoàn thành chi trả đợt 1, toàn tỉnh sẽ bắt tay ngay vào chi trả đợt 2 cho các nhóm đối tượng theo quy định. Trên cơ sở đã thống kê, rà soát, thẩm định các ngành, địa phương tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tiến hành chi trả đảm bảo công khai, minh bạch, phát huy ý nghĩa của chính sách đối với công tác an sinh xã hội trên địa bàn./.