* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua được dư luận quan tâm như: Chỉ huy chủ chốt của Taliban bị tiêu diệt ở Tây Afghanistan; Số ca tử vong vì COVID-19 vượt ngưỡng 11.000, LHQ kêu gọi đoàn kết; Tổng thống Mỹ ban hành đạo luật hỗ trợ 104 tỷ USD chống COVID-19; Liên minh châu Âu nhất trí áp đặt lệnh cấm nhập cảnh 30 ngày; Mỹ thử nghiệm lâm sàng vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2...

- THX đưa tin, người phát ngôn chính quyền tỉnh Herat ở miền Tây Afghanistan Jilani Farhad ngày 21/3 thông báo, chỉ huy chủ chốt của Taliban Mullah Manan cùng 3 phiến quân khác được xác định đã chết ở tỉnh này.

Theo nguồn tin trên, Mullah Manan cùng các tùy tùng đang chuẩn bị tấn công các lực lượng an ninh ở huyện Gulran.

Tuy nhiên, các lực lượng chính phủ đã thực hiện cuộc tấn công phủ đầu vào căn cứ của y vào sáng cùng ngày, tiêu diệt y cùng 3 phần tử vũ trang ngay tại hiện trường.

Hiện Taliban chưa đưa ra bình luận gì về thông tin trên.

- Tính đến ngày 21/3, số người tử vong do mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã vượt ngưỡng 11.000. Cụ thể, đã có 11.383 thiệt mạng vì nhiễm bệnh.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Người dân đeo khẩu trang phòng tránh lây nhiễm COVID-19 tại London, Anh, ngày 16/3/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Khoa học và kỹ thuật (CSSE) thuộc Đại học Johns Hopkins (Mỹ), hầu hết các ca tử vong trên thế giới tập trung ở châu Âu, tiếp đến là châu Á. Italy là nước có số ca tử vong cao nhất thế giới, với 4032 người thiệt mạng.Trước đó một hôm, Liên hợp quốc nhấn mạnh lời kêu gọi đoàn kết toàn cầu vì đại cục, để tránh thảm họa y tế có thể khiến hàng triệu người tử vong.

Liên quan tới tình hình dịch COVID-19, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông không cân nhắc phương án phong tỏa toàn quốc ở thời điểm hiện tại, và ông nghĩ rằng sẽ không cần thiết phải phong tỏa toàn quốc.

Trong khi đó, ngày 20/3, giới chức Iran thông báo ghi nhận thêm 1.237 ca mắc COVID-19 mới và 149 ca tử vong ở nước này. Đây là ngày số ca tử vong tăng cao kỷ lục tại quốc gia Trung Đông này. Sang ngày 21/3, Iran đã có tổng cộng 1.433 người thiệt mạng.

Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành "điểm nóng" dịch bệnh tại Đông Nam Á khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn.

Tổng thống Joko Widodo đã ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Jakarta trong vòng 2 tuần để ngăn chặn dịch bệnh lan rộng.

Việc một sự kiện tôn giáo tập trung hàng nghìn người vẫn tiếp tục được tổ chức bất chấp yêu cầu hạn chế tụ tập đông người của chính phủ đang khiến tình hình trở nên phức tạp.

Đến nay, Indonesia ghi nhận thêm 60 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 32 ca tử vong do virus này, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 369 ca.

Hiện tốc độ lây lan dịch bệnh tại châu Phi vẫn chậm hơn so với các khu vực khác trên thế giới nhưng Liên hợp quốc cảnh báo các quốc gia khu vực này vẫn phải luôn nâng cao cảnh giác do lo ngại một khi dịch bệnh lây lan nhanh, các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém tại khu vực này sẽ không thể chống đỡ.

Các nước châu Phi đang nỗ lực đẩy mạnh các biện pháp phòng dịch.

Chính phủ Zimbabwe đã ra lệnh đóng cửa các trường học nhằm phòng ngừa sự lây lan của virus, cấm các cuộc tụ tập có sự tham gia từ 100 người trở lên trong 60 ngày tới.

Nigeria cũng tuyên bố sẽ đóng cửa trường học, hạn chế các hội nghị khu vực tại thành phố Lagos thuộc bang cùng tên và thủ đô Abuja.

Chính quyền sẽ giới hạn các cuộc tụ tập và sự kiện có sự tham gia của hơn 50 người, đồng thời kêu gọi người dân giữ khoảng cách an toàn khi giao tiếp.

Ethiopia kêu gọi người dân nước này không nên phân biệt đối xử với người nước ngoài trong bối cảnh số ca nhiễm trên thế giới tiếp tục tăng.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo nếu không có sự kiểm soát kịp thời, hàng triệu người có thể tử vong do virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại những nước nghèo.

Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phối hợp toàn cầu ứng phó với "thảm họa y tế," kêu gọi các nước cần ngừng áp dụng chiến lược y tế riêng và khẳng định đoàn kết toàn cầu không chỉ là một đòi hỏi cấp thiết mang tính đạo đức mà còn vì lợi ích của người dân.

- Nhiều khả năng các nhà khoa học Mỹ sẽ lần đầu tiên tiến hành thử nghiệm lâm sàng trên người một loạt vắcxin phòng virus SARS-CoV-2 từ ngày 16/3.

Truyền thông sở tại cho biết thử nghiệm trên do Viện Y tế quốc gia (NIH) tài trợ sẽ diễn ra tại Viện Nghiên cứu y tế Kaiser Permanente Washington ở thành phố Seattle, nơi chịu tác động nặng nhất do dịch COVID-19 tại Mỹ.

45 tình nguyện viên có sức khỏe tốt sẽ được tiêm các mũi vắcxin ngừa virus SARS-CoV-2 do NIH và công ty Moderna Therapeutics nghiên cứu và phát triển.

Các chuyên gia sẽ theo dõi và đánh giá tác dụng phụ tiềm tàng của vắcxin gây ra.

Mặc dù cuộc thử nghiệm đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc tạo vắcxin phòng virus SARS-CoV2, song các quan chức y tế cộng đồng cho biết phải mất khoảng 12-18 tháng để khẳng định có thể sử dụng loại vắcxin này hay không.

Dịch bệnh COVID-19 đang lan nhanh khắp các thành phố và các bang ở Mỹ. Các công ty và các nhà sản xuất dược phẩm Mỹ đang chạy đua nhằm phát triển ra vắcxin phòng virus gây bệnh.

Quốc hội Mỹ và Tổng thống Trump đã ký dự luật trị giá 8,3 tỷ USD nhằm đối phó với dịch COVID-19, trong đó dành 3 tỷ USD để nghiên cứu vắcxin.

Mỹ hiện ghi nhận hơn 3.700 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó có 68 ca tử vong.

Trước tình hình này, nhiều thành phố và các bang của Mỹ đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp cũng như triển khai một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan như khuyến cáo áp dụng các biện pháp vệ sinh, đóng cửa trường học, cấm các hoạt động tụ họp đông người, cho phép nhân viên làm việc tại nhà…

* Những thông tin trong nước được đăng tải trên trang Thainguyentv.vn cũng tạo được sự quan tâm lớn. Trong đó, các nội dung nổi bật như: Bộ Chính trị họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chủ trì họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII; Ngăn chặn đỉnh dịch ở mức độ tối đa, không để lây ra cộng đồng; Cách chức Bí thư TP.HCM nhiệm kỳ 2010-2015 với ông Lê Thanh Hải; Tổ chức Ngày Quốc Tổ Việt Nam toàn cầu Online năm 2020...

- Ngày 20/3, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã họp về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì phiên họp.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận cuộc họp. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Bộ Chính trị đã nghe Ban Cán sự Đảng Chính phủ báo cáo tình hình dịch bệnh, công tác phòng, chống dịch và những kết quả đạt được thời gian qua, dự báo sắp tới và một số kiến nghị, đề xuất.Tham dự phiên họp có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; các Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và đại diện lãnh đạo nhiều ban, bộ, ngành, cơ quan Trung ương.

Đến sáng 20/3, trên thế giới đã ghi nhận hơn 230.000 người nhiễm COVID-19, hơn 9.000 người tử vong tại gần 180 quốc gia và vùng lãnh thổ, tác động sâu rộng tới sự phát triển kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sức khỏe của người dân ở nhiều quốc gia.

Tại Việt Nam, hiện đã có 85 người nhiễm COVID-19, trong đó 16 người đã được chữa khỏi, chưa có người tử vong.

Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu, sản xuất được các bộ kít xét nghiệm SARS-CoV-2, được công nhận và đưa vào sử dụng...Bộ Chính trị ghi nhận đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua. Cụ thể là Việt Nam đã kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, kiểm soát chặt chẽ dòng người vào từ vùng dịch, tổ chức cách ly kịp thời, hiệu quả, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh và đã điều trị thành công cho 16 bệnh nhân.

Sau khi nghe báo cáo của Ban Cán sự Đảng Chính phủ, ý kiến của các Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu kết luận, hoan nghênh, đánh giá cao những kết quả đạt được trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua, thể hiện tính ưu việt, bản chất tốt đẹp của chế độ.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo rất kịp thời, nhạy bén, quyết liệt, cả hệ thống chính trị và toàn dân cùng vào cuộc, đạt được những kết quả tích cực, được thế giới đánh giá cao, nhân dân tin tưởng, ủng hộ và tích cực tham gia.

Ban Bí thư, Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời có nhiều văn bản chỉ đạo ngay từ khi dịch bệnh bắt đầu được phát hiện và khi có diễn biến mới.

Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống dịch COVID-19 tập trung theo dõi, làm việc thường xuyên, chỉ đạo sát sao công tác phòng, chống dịch.

Các cấp, các ngành, các địa phương đã nhanh chóng triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp, bám sát tình hình, xây dựng các phương án, kịch bản, có nhiều cách làm hiệu quả để kiểm soát dịch bệnh.

Đội ngũ cán bộ y tế, cán bộ, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, đã nỗ lực rất cao, triển khai quyết liệt công tác phòng, chống dịch, với mục tiêu cao nhất là vì sức khỏe nhân dân.

Công tác thông tin tuyên truyền được thực hiện tốt, cung cấp thông tin kịp thời, đầy đủ, minh bạch về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch, hướng dẫn nhân dân chăm sóc sức khỏe, nâng cao ý thức, trách nhiệm tham gia phòng, chống dịch. Các đối tượng phát tán thông tin sai sự thật được xử lý kịp thời, nghiêm minh...

Tuy nhiên, dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, khó lường, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống của nhân dân, tác động rất lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý: “Tuyệt đối không được chủ quan, thỏa mãn.” Trước mắt cần cố gắng khoanh lại, không để dịch bệnh lây lan rộng, không để bị động bất ngờ, chuẩn bị khả năng xấu nhất để có phương án tốt nhất.

Với tinh thần tất cả cùng vào cuộc, “chống dịch như chống giặc,” tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được vừa qua, làm quyết liệt nhưng cũng không hốt hoảng sợ hãi đến mức không dám làm gì. Bên cạnh việc chống dịch, còn nhiều công việc khác cần tập trung triển khai thực hiện.

Phân tích những ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, an ninh-quốc phòng, đối ngoại, du lịch, rồi tâm lý xã hội, đời sống nhân dân...

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh năm 2020 này, đất nước có nhiều sự kiện quan trọng, năm Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN; Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021; năm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, hướng tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng...

Bởi vậy, cần tính toán phương án, có giải pháp cho lâu dài, tiếp tục phát huy hơn nữa sức mạnh của cả hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân tộc, trên dưới một lòng, mỗi người dân là một chiến sỹ trên mặt trận chống dịch, kịp thời ngăn chặn, hạn chế tối đa nguồn lây nhiễm, ưu tiên tạo mọi điều kiện, nguồn lực để dập dịch theo đúng tinh thần “chống dịch như chống giặc.”

Đồng thời, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội đảng bộ các cấp; chuẩn bị tốt cho việc tổ chức các hoạt động trong khuôn khổ Năm Chủ tịch ASEAN 2020.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thống nhất với nhiều ý kiến phát biểu tại cuộc họp: Cùng với chống dịch, cần chủ động, tích cực xây dựng và triển khai thực hiện thật tốt các chính sách, biện pháp nhằm hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra; có kế hoạch phục hồi sản xuất, kinh doanh, phát triển du lịch, bảo đảm đời sống sinh hoạt bình thường của nhân dân, nhất là vùng có dịch.

Bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 cũng là thời cơ để tái cơ cấu kinh tế, tái cơ cấu sản xuất kinh doanh. Trước mắt, cần thúc đẩy đầu tư công trên cơ sở nguồn lực đã được bố trí để kích cầu, đồng thời bảo đảm nguồn lực dự phòng; tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, sản xuất lương thực, thực phẩm, bảo đảm an ninh lương thực, an sinh xã hội, chú trọng thị trường nội địa, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ...

- Chiều 20/3, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị đồng ý cơ bản với đề xuất của Chính phủ về việc tạm ngừng cấp visa vào Việt Nam trên phạm vi toàn cầu để ngăn ngừa có hiệu quả nguồn lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào Việt Nam.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong phát biểu kết luận Thủ tướng cũng đề cập đến những hạn chế, tồn tại cần khắc phục trong công tác phòng, chống COVID-19 như còn khả năng lây nhiễm ra cộng đồng, có khả năng dịch tiếp tục bùng phát. Nhắc đến giai đoạn "thời gian vàng" trong ngăn chặn dịch COVID-19 chỉ còn 1 tuần nữa, Thủ tướng yêu cầu quán triệt quan điểm: “Không được chủ quan, thỏa mãn non” trong phòng, chống dịch COVID-19.Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thông báo, trong cuộc họp sáng nay, Bộ Chính trị ghi nhận, biểu dương sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19; đánh giá thắng lợi này thể hiện sự ưu việt của chế độ, của hệ thống chính trị Việt Nam.Chiều 20/3, chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô cấp cấp do chủng mới virus Corona (COVID-19), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Bộ Chính trị đồng ý cơ bản với đề xuất của Chính phủ về việc tạm ngừng cấp visa vào Việt Nam trên phạm vi toàn cầu để ngăn ngừa có hiệu quả nguồn lây nhiễm COVID-19 từ bên ngoài vào Việt Nam.

Thủ tướng đề nghị cần tích cực vận động để toàn xã hội thay đổi thói quen; tăng cường giao dịch trực tuyến trong công việc, giao dịch qua điện thoại; hạn chế giao tiếp để tránh lây nhiễm.

Thủ tướng đề nghị hạn chế tụ tập đông người, nếu số lượng từ 50 người trở lên thì phải đeo khẩu trang. Tại những vùng có dịch phải đeo khẩu trang 100%.

Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát, tăng cường dạy học trực tuyến; khuyến cáo mọi người dân không tham gia các hình thức giải trí như massage, karaoke - những hình thức này cần tạm dừng, thậm chí đóng cửa, Thủ tướng chỉ đạo.

Nhằm mục tiêu đảm bảo an toàn, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị chức năng phải “giải quyết như thời chiến và chịu trách nhiệm” để hoàn thành nhiệm vụ. Việc họp hành cần tiết giảm; tăng cường phân cấp thẩm quyền trong các cấp, các ngành trong quản lý, điều hành.

Nhận xét kết quả công tác tổ chức cách ly người từ nước ngoài vào Việt Nam để phòng chống lây nhiễm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ghi nhận và đánh giá cao hình ảnh xúc động của các chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam tận tình, chu đáo phục vụ, chăm sóc người được cách ly. Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các cấp phải bình tĩnh, kiên quyết trong xử lý các tình huống phát sinh một cách nhanh chóng, sát thực tiễn. Quân đội là cơ quan điều hành các cơ sở cách ly tập trung theo chủ trương từ trước đến nay.Thủ tướng chỉ đạo truyền thông mạnh mẽ thành công trong phòng, chống dịch bệnh, tránh tư tưởng bi quan, tăng cường niềm tin trong toàn xã hội. Cùng với đó là nhân rộng các mô hình tốt, tình nhân ái; các tấm gương của đội ngũ nhân viên y tế, các nhà khoa học trong phòng, chống dịch bệnh; chống kỳ thị, giảm sợ hãi trong xã hội thông qua các chiến lược truyền thông. Cùng với đó là chủ động thông tin các ca nhiễm, tử vong do COVID-19 để người dân không hoang mang.

Thủ tướng đề nghị cả hệ thống chính trị tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ hơn trong phòng chống dịch COVID-19 theo phương châm: “Đi từng ngõ, gõ từng nhà;” nắm bắt sâu sát tình hình các ca nhiễm, những người đã đi trên các phương tiện có nguy cơ lây nhiễm cao, thống kê tình hình diễn biến trên địa bàn để chủ động có biện pháp khi cần thiết. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trên ứng dụng di động trong phòng, chống dịch bệnh.

Về những mục tiêu cụ thể trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ yêu cầu: Ngăn chặn đỉnh dịch ở mức độ tối đa; không để lây ra cộng đồng.

Thủ tướng chỉ đạo hạn chế tối đa mọi đối tượng vào Việt Nam kể cả bằng đường hàng không, đường bộ, đường biển. Dừng cấp visa cho mọi đối tượng vào Việt Nam từ 0h ngày 21/3. Bộ Ngoại giao, các Đại sứ quán tăng cường vận động người Việt Nam ở nước ngoài ở lại nước sở tại để được hưởng chế độ chăm sóc y tế. Trong trường hợp bà con vẫn muốn về nước thì phải được tập hợp, tổ chức vào thời điểm thích hợp. Khuyến khích các hãng hàng không bay đến Việt Nam để chở người Việt Nam về nước.

Thủ tướng nêu rõ: Tất cả những người vào Việt Nam phải cách ly 100%; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, trốn cách ly.

Ngành y tế và các cơ quan chức năng chủ động phát hiện sớm các ca mắc COVID-19 để có biện pháp xử lý kịp thời tránh lây lan; chủ động đề xuất phối hợp với các địa phương, lực lượng Quân đội, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường cơ sở tổ chức cách ly.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến một yêu cầu quan trọng đối với ngành y tế trong việc phát hiện sớm, xử lý điều trị tích cực trong điều trị các ca bệnh, hạn chế tử vong. Thủ tướng cũng đồng ý với đề xuất huy động mọi phương tiện, nguồn lực, đặc biệt là con người để phục vụ đợt cao điểm phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Chỉ đạo Bộ Công Thương đảm bảo sẵn sàng tổ chức sản xuất phục vụ trong nước và yêu cầu xuất khẩu của các nước có nhu cầu, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam có điều kiện thuận lợi để đáp ứng đầy đủ lương thực, thực phẩm, các mặt hàng thiết yếu, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong thời gian phòng, chống dịch COVID-19; nghiêm cấm việc thổi giá, gom hàng để trục lợi.

- Ngày 20/3/2020, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chủ trì Hội nghị Bộ Chính trị và Hội nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 và ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Hoàng Quân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Ông Lê Thanh Hải bị cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 (Ảnh tư liệu)

Căn cứ Quy định số 07-QĐi/TW, ngày 28/8/2018 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật tổ chức đảng vi phạm, Ban Bí thư quyết định kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 bằng hình thức Khiển trách.Sau khi xem xét đề nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nhận thấy Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010-2015 đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc của Thành ủy; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm kéo dài trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng bộ và chính quyền Thành phố, gây bức xúc trong xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

Ông Lê Thanh Hải trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ và Thường trực Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015 đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Cá nhân ông đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, Quy chế làm việc của Thành ủy, trực tiếp kết luận về nhiều vấn đề thuộc thẩm quyền của Ban Thường vụ Thành ủy. Với cương vị là Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự đảng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố, ông Lê Thanh Hải chịu trách nhiệm chính về các vi phạm của Ủy ban Nhân dân Thành phố; trực tiếp ký một số văn bản không đúng với chủ trương của Hội đồng nhân dân Thành phố và quy định của Luật Ngân sách năm 2002, Luật Xây dựng năm 2003.

Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với Thành phố Hồ Chí Minh; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Thanh Hải bằng hình thức Cách chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ông Lê Hoàng Quân, chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015, và chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban cán sự đảng và của Ủy ban nhân dân Thành phố nhiệm kỳ 2011-2016 trong triển khai, tổ chức thực hiện Dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Ông đã kết luận, chỉ đạo, cho chủ trương và ký một số văn bản không đúng quy định.

Ông Lê Hoàng Quân đã buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để Ủy ban nhân dân Thành phố xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm.

Quá trình kiểm điểm, ông Lê Hoàng Quân đã cầu thị, nghiêm túc, tự giác nhận trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm và tự nhận hình thức kỷ luật. Xét nội dung, tính chất, mức độ, hậu quả vi phạm và quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của đồng chí đối với Thành phố Hồ Chí Minh; căn cứ Quy định số 102-QĐ/TW, ngày 15/11/2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật ông Lê Hoàng Quân bằng hình thức Cảnh cáo.

* Trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có một số tin tức đáng chú ý như: Tổng kết 10 năm Đề án “An ninh lương thực quốc gia năm 2020”; Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên; Hội nghị trực tuyến toàn quốc: Phát động toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn; Phiên họp thứ 45 của Thường trực HĐND tỉnh Thái Nguyên Khóa XIII; Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nỗ lực trong xét nghiệm SARS-CoV-2; Đồng Hỷ: Công bố Quyết định thanh tra đền Đá Thiên...

- Ngày 17/3, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc phát động toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn. Dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; đại diện các cơ quan, ban, ngành Trung ương. Dự tại điểm cầu Thái Nguyên có đồng chí Trịnh Việt Hùng,Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid- 19 tỉnh Thái Nguyên; đồng chí Phạm Thái Hanh, Uỷ viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên; đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, ngân hàng trên địa bàn.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Toàn cảnh điểm cầu tại Thái Nguyên

Phát biểu tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Đảng và Nhà nước ta luôn coi sức khỏe nhân dân là mục tiêu hàng đầu. Đồng thời ghi nhận và biểu dương nỗ lực, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, tham gia tích cực của toàn thể nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Để tiếp tục cùng Đảng và Nhà nước tập trung phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an sinh xã hội, an toàn đời sống và sức khỏe của nhân dân, đồng chí mong rằng sau Lễ phát động, các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài nước với tình cảm và trách nhiệm của mình hãy cùng chung tay, góp sức tích cực tham gia ủng hộ các nguồn lực để phòng chống dịch COVID-19. Hưởng ứng lời kêu gọi ngay tại lễ phát động, Thủ tướng Chính phủ cùng với lãnh đạo MTTQ Việt Nam và các bộ ngành đã trực tiếp tham gia ủng hộ. Cũng tại buổi lễ, 14 ngân hàng thương mại lớn trong cả nước và 21 doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã ủng hộ tổng số tiền trên 230 tỷ đồng.Thời gian qua, với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả của cả hệ thống chính trị và sự nỗ lực, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, công tác phòng, chống và kiểm soát dịch COVID-19 ở Việt Nam đạt được những kết quả khả quan, được nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, ngày càng lan rộng và bùng phát tại nhiều quốc gia, ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu và đang tác động đến nhiều mặt đời sống nhân dân và kinh tế xã hội của đất nước. Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến chống dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nhân dân nhiều tỉnh cũng đang chịu thiệt hại nặng do hạn hán, xâm nhập mặn cần được hỗ trợ.

Tại Thái Nguyên, cho đến thời điểm hiện tại cùng với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân, trên địa bàn tỉnh chưa ghi nhận ca bệnh nào dương tính với COVID-19. Tỉnh sẽ có kế hoạch tổ chức phát động toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 và hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi hạn hán, xâm nhập mặn trong thời gian tới.

- Ngày 18/3, Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Đoàn công tác của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã thăm và làm việc tại tỉnh Thái Nguyên. Tiếp và làm việc với Đoàn có đồng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Bùi Xuân Hòa - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng các Ban Đảng Tỉnh ủy; Lãnh đạo Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh. Dự buổi làm việc còn có đại diện Ban Tổ chức Trung ương, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc.

Theo đó, nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết, trên tinh thần đổi mới phương thức lãnh đạo, sáng tạo trong điều hành, tăng cường hoạt động đối ngoại, phát huy tinh thần đoàn kết, đồng thuận và trí tuệ tập thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh đã thống nhất xây dựng và tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện 8 chương trình, 16 đề án, quy hoạch và 20 công trình trọng điểm trên các lĩnh vực, có vai trò định hướng xuyên suốt cả nhiệm kỳ. Đến nay, cơ bản các chỉ tiêu đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức; trong đó 13/19 chỉ tiêu mang tính bứt phá và nằm trong tốp đầu của vùng Trung du Miền núi Phía Bắc cũng như của cả nước.Thay mặt lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, đồng Trần Quốc Tỏ - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đã báo cáo khái quát với Đoàn công tác về đặc điểm, tình hình, một số kết quả nổi bật sau gần 1 nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2015-2020, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025 và công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19.

Trong công tác chuẩn bị và tổ chức Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025, đến nay, cơ bản đã hoàn thành công tác tổ chức Đại hội Chi bộ cơ sở, nhiệm kỳ 2020-2023; dự kiến hoàn thành Đại hội đại biểu chi, đảng bộ cơ sở trong tháng 6/2020; Đại hội đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương hoàn thành trong tháng 8/2020. Đối với Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, dự kiến sẽ diễn ra trong tháng 10/2020.

Đối với hoạt động của hệ thống Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên, đã phối hợp tuyên truyền, vận động các tầng lớp Nhân dân, các dân tộc, tôn giáo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, tạo sự đoàn kết, thống nhất trong các tầng lớp nhân dân, ra sức thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015-2020. Tính riêng, “Tuần cao điểm Tết vì người nghèo năm 2020”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp đã huy động được gần 35 tỷ đồng để trao tặng trên 24.800 suất quà; hỗ trợ làm mới trên 400 nhà đại đoàn kết; tặng 220 xe đạp, trên 6,500 tấn gạo và nhiều phần quà ý nghĩa khác cho các gia đình chính sách, học sinh nghèo vượt khó trên địa bàn tỉnh. Phát huy vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân, trước những diễn biến phức tạp của Dịch bệnh Covid - 19, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn cũng đã tập trung triển khai nhiều giải pháp, phối hợp với các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động để người dân nâng cao nhận thức, ý thức và trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, hưởng ứng lời kêu gọi Toàn dân tham gia phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các cơ quan, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã quyên góp được hơn 15 tỷ đồng để ủng hộ tỉnh Thái Nguyên phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh. Đến nay, tỉnh Thái Nguyên chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với Covid - 19.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Trần Thanh Mẫn - Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ghi nhận và biểu dương những kết quả trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XIX, công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp, nhiệm kỳ 2020-2025; cũng như những đóng góp tích cực của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp và các tổ chức thành viên trên địa bàn vào thành tích chung của Đảng bộ tỉnh. Đồng chí mong muốn, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trên địa bàn tiếp tục làm tốt công tác giám sát, phản biện xã hội, nâng cao vai trò, vị trí, uy tín của mình thông qua các hoạt động hướng về cơ sở được tổ chức bài bản, thiết thực, chất lượng, hiệu quả; tiếp tục sâu sát cơ sở để nắm bắt tâm tư nguyện vọng nhân dân, không để bị động bất ngờ. Phát động nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua trọng tâm, trọng điểm, thiết thực mang lại lợi ích cho người dân. Đánh giá cao công tác phòng, chống dịch bệnh Covid -19 của tỉnh Thái Nguyên thời gian qua, đồng chí nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch bệnh Covid -19 đang diễn biến hết sức phức tạp và khó lường, việc tham gia hỗ trợ, đồng hành của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên sẽ là nguồn động viên, khích lệ kịp thời, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh.

Đối với các đề xuất, kiến nghị của của tỉnh Thái Nguyên sẽ được Đoàn tiếp thu, tổng hợp báo cáo Trung ương sớm có hướng dẫn, giải quyết.

- Ngày 17/3, đồng chí Bùi Xuân Hoà - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên đã chủ trì phiên họp thứ 45 của Thường trực HĐND tỉnh để cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng. Dự phiên họp có đồng chí Nguyễn Khắc Lâm - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, đồng chí Hà Thị Bích Hồng - Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh.

diem su kien tu ngay 1632020 den ngay 2232020
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, đồng chí Bùi Xuân Hoà - Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên yêu cầu cơ quan chuyên môn tiếp thu các ý kiến, thực hiện quy trình dừng, không tổ chức kế hoạch khảo sát và Phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh trong tháng 4 theo quy định. Việc tổ chức các phiên giải trình, chất vấn tại Phiên họp thường kỳ của Thường trực HĐND tỉnh sẽ được xem xét, cho ý kiến căn cứ tình hình thực tế của địa phương.Tại phiên họp, các đại biểu đã thảo luận, cho ý kiến vào Kế hoạch tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã lần thứ 7; Đề nghị của Đoàn Khảo sát kết quả thực hiện nghị quyết số 83 ngày 26/8/2015 của HĐND tỉnh khoá XII về kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội giai đoạn 2016-2020 về việc tạm dừng chương trình khảo sát và Báo cáo về việc chuyển sinh hoạt cho đại biểu HĐND tỉnh, chỉ định Tổ trưởng Tổ đại biểu HĐND tỉnh đơn vị thành phố Thái Nguyên. Theo đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ và các văn bản của Trung ương, của tỉnh về việc tăng cường các giải pháp phòng chống dịch bệnh Covid - 19 trong tình hình mới, các ý kiến đều nhất trí điều chỉnh thời gian tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các huyện, thành phố, thị xã lần thứ VII vào thời điểm thích hợp và tạm dừng tổ chức kế hoạch khảo sát, cũng như phiên giải trình của Thường trực HĐND tỉnh trong tháng 4/2020./.