* Nhiều sự kiện thế giới trong tuần qua đăng tải trên Thainguyentv.vn được dư luận quan tâm như: Dịch COVID-19 trên thế giới đến 8h ngày 14/6; Tổng thống Trump lùi ngày tổ chức vận động tranh cử ở Oklahoma; Mỹ đề xuất việc tài trợ cho xuất khẩu năng lượng hạt nhân; Nhà lãnh đạo Triều Tiên yêu cầu thúc đẩy ngành công nghiệp hóa chất; Lực lượng an ninh Afghanistan chặn đứng cuộc tấn công của Taliban; Ít nhất 60 người thiệt mạng trong vụ tấn công ở Nigeria; Yêu cầu Trung Quốc phối hợp giải quyết vụ ép tàu cá ở khu vực Hoàng Sa;…

- Tính đến 8 giờ sáng ngày 14/6 (theo giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận hơn 431.728 ca tử vong trong 7.855.431 triệu ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Trung Quốc: Hàng chục ca mới liên quan tới ổ dịch ở Bắc Kinh

Theo số liệu mới nhất do chính quyền thủ đô Bắc Kinh cung cấp, trong ngày 13/6, thành phố này có thêm 36 người được xác định bị nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có một ca bệnh không triệu chứng.

Toàn bộ những trường hợp này đều là những người đang làm ăn và sinh sống tại Bắc Kinh, và đều lây nhiễm bệnh do liên quan đến ổ dịch mới tại khu chợ bán buôn Tân Phát Địa. Trong khi đó, số ca nghi nhiễm không tăng.

Như vậy, tính đến 24 giờ đêm 13/6, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Kinh từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát là 463 người, trong đó 411 người đã được điều trị khỏi và xuất viện, và 9 ca tử vong.

Trên toàn Trung Quốc, trong ngày 13/6 phát hiện tổng cộng 57 ca nhiễm mới, trong đó số ca lây nhiễm nội địa là 38, gồm 36 ca tại Bắc Kinh và 2 ca tại Liêu Ninh. 19 ca còn lại là các trường hợp nhập cảnh, bao gồm 37 ca tại Quảng Đông, 1 ca tại Thượng Hải và 1 ca tại Trùng Khánh.

Tính đến hết ngày 13/6, Trung Quốc có tổng cộng 84.767 ca nhiễm COVID-19, trong đó 4.645 trường hợp tử vong và 79.903 người đã được điều trị khỏi bệnh. Đợt lây nhiễm mới tại Bắc Kinh đang làm gia tăng quan ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại Trung Quốc.

Số người nhiễm mới và tử vong ở Mỹ vẫn tăng mạnh

Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 2.142.205 ca nhiễm và 117.526 ca tử vong, tăng lần lượt 25.283 và 701 ca trong 24 giờ.

Hai trong số các bang đông dân nhất ở Mỹ là Texas và Florida tuần này ghi nhận mức tăng ca nhiễm trong một ngày cao kỷ lục, dấu hiệu đáng lo ngại khi tất cả 50 bang của Mỹ đã nới lỏng phong tỏa ở các cấp độ khác nhau. Xu hướng này giải thích tại sao Mỹ tiếp tục ghi nhận hơn 20.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, dù tình hình dịch đã giảm nhiệt tại một số điểm nóng ban đầu như New York.

WHO xác định Mỹ Latinh là tâm dịch mới toàn cầu

* Brazil có thêm thêm 20.894 ca nhiễm và 890 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 850.796 và 42.791. Giới chuyên gia cho rằng số ca nhiễm thực sự ở Brazil có thể cao hơn nhiều do năng lực xét nghiệm hạn chế.

Peru chưa công bố số liệu mới, số ca nhiễm và tử vong do nCoV vẫn lần lượt là 220.749 và 6.308. Trường học, nhà hàng, quán bar đóng cửa. Chỉ các cửa hàng bán hàng thiết yếu được phép đón khách, ngoài ra tiệm quần áo, tiệm bán đồ gia dụng hay văn phòng phẩm có thể cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi.

Bộ Y tế Mexico đã xác nhận 3.494 ca mới mắc COVID-19, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này lên 142.690 người, trong đó có 16.872 ca tử vong (tăng 424 ca trong vòng 24 giờ qua). Thứ trưởng Y tế Hugo Lopez-Gatell nhấn mạnh Mexico vẫn đang ở trong giai đoạn đỉnh dịch và dự báo số ca tử vong do COVID-19 ở nước này có thể lên đến 35.000 người…

* Tại khu vực Trung Mỹ, Panama, Costa Rica, Honduras, Guatemala và El Salvador đã ghi nhận thêm 1.904 ca mắc mới, nâng tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 trong khu vực lên 42.438 người, trong đó có 1.170 ca tử vong. Trong ngày 13/6, Tổng thống Chile Sebastian Pinera đã quyết định thay thế Bộ trưởng Y tế Jaime Manalich, trong bối cảnh nổ ra cuộc tranh cãi ở quốc gia Nam Mỹ này về những số liệu người tử vong do dịch COVID-19 bùng phát.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 tại Mexico City, Mexico, ngày 23/5/2020. (Nguồn: THX/TTXVN)

Hầu hết các nước châu Âu nhận định đã qua đỉnh dịch

Nga thông báo có thêm 114 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong lên 6.829. Số ca nhiễm tăng thêm 8.706, lên 520.129.

Anh có thêm 1.425 ca nhiễm và 181 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 294.357 và 41.662.

Tây Ban Nha ghi nhận thêm 396 ca nhiễm, nâng tổng số lên 290.685, số ca tử vong vẫn là 27.136, không tăng ca mới.

Italy ghi nhận thêm 346 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 236.651 trường hợp. Trong khi đó, số ca tử vong đã tăng lên 34.301 trường hợp (tăng 55 ca).

Bên cạnh đó, 1.780 ca cũng đã hồi phục trong ngày, nâng tổng số ca hồi phục lên 174.865 ca. Số ca phải điều trị tích cực tiếp tục giảm xuống mức 220 ca (giảm 7 ca).

Tổng số ca phải nhập viện tại Italy hiện còn 3.747 ca trong tổng số ca bệnh hiện tại 27.485 người.

Đức báo cáo thêm 172 ca nhiễm và 4 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 187.423 và 8.867.

Trung Đông thêm hàng nghìn ca mắc

Iran ghi nhận thêm 2.410 ca nhiễm, nâng tổng số lên 184.995, trong đó 8.730 người chết, tăng 71 trường hợp so với hôm qua. Arab Saudi ghi nhận thêm 3.366 ca nhiễm và 39 ca tử vong, nâng tổng số lên lần lượt 123.308 và 932.

Bộ Y tế Ai Cập thông báo đã ghi nhận thêm 1.677 ca mắc COVID-19 mới, đưa tổng số trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 ở quốc gia Bắc Phi này lên 42.980 người.

Đây là mức gia tăng số ca bệnh mới cao nhất trong 1 ngày kể từ khi Ai Cập phát hiện trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 hôm 14/2.

- Theo Reuters, ngày 12/6, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết ông sẽ lùi thời điểm tổ chức vận động tranh cử ở Oklahoma dự kiến vào ngày 19/6 - (ngày Juneteenth) ngày tự do của người Mỹ gốc Phi, sang ngày 20/6 vì tôn trọng ngày kỷ niệm chấm dứt chế độ nô lệ ở Texas.

Trên tài khoản Twitter khi viết về chiến dịch vận động tranh cử tổng thống ở Tulsa thuộc bang Oklahoma, ông Trump nhấn mạnh: "Nhiều người bạn Mỹ gốc Phi của tôi và những người ủng hộ đã đề xuất rằng chúng tôi xem xét thay đổi ngày tổ chức vận động tranh cử nhằm bày tỏ sự tôn trọng ngày lễ Juneteenth."

Ông Trump sau đó tuyên bố hoãn kế hoạch tổ chức sự kiện để thể hiện sự tôn trọng ngày 19/6. Trước đó, Tổng thống Trump ngày 10/6 cho biết sẽ tái khởi động các cuộc vận động tranh cử tại 4 bang gồm Oklahoma, Florida, Arizona và Bắc Carolina. Đây là động thái mới nhất cho thấy ông Trump đang nỗ lực tăng cường nền tảng chính trị trước thềm bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11.

Kết quả các cuộc thăm dò trước bầu cử gần đây cho thấy tỷ lệ người dân ủng hộ công việc của Tổng thống Trump đã giảm xuống do các biện pháp ngăn chặn sự lây lan của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 mà chính quyền Mỹ đưa ra không có hiệu quả và các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc diễn ra mới đây ở Mỹ.

- Bộ Ngoại giao Việt Nam đã trao đổi với phía Trung Quốc nhằm khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phối hợp giải quyết vụ việc tàu Việt Nam bị áp sát khiến ngư dân rơi xuống biển.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Tàu cá QNg 96416 TS bị tàu sắt nước ngoài số hiệu 4006 cùng 01 xuồng máy truy đuổi, khống chế, cập mạn. (Ảnh: Đài PT&TH Quảng Ngãi)

Thông tin ban đầu liên quan đến vụ việc tàu cá QNg 96416 TS từ các cơ quan chức năng cho biết: Ngày 10/06/2020, trong khi đang di chuyển cách đảo Lin-côn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam khoảng 07 hải lý về phía Nam, tàu cá QNg 96416 TS bị một tàu sắt mang số hiệu 4006 và một ca nô của Trung Quốc áp sát gây ra sóng lớn, khiến 16 ngư dân cùng nhiều vật dụng trên tàu cá Việt Nam rơi xuống biển; tàu bị nước tràn vào, có nguy cơ chìm.

Một số người từ tàu Trung Quốc đã lên tàu cá Việt Nam bơm nước ra ngoài và đưa các ngư dân trở lại tàu. Trước khi rời đi, phía Trung Quốc dùng vũ lực ép thuyền trưởng tàu cá điểm chỉ vào một số giấy tờ bằng tiếng nước ngoài, lấy đi số lượng lớn hải sản, ngư cụ và trang thiết bị của tàu QNg 96416 TS.

Ngay trong ngày 10/6/2020, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh đã trao đổi với phía Trung Quốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, yêu cầu phía Trung Quốc điều tra, xác minh thông tin vụ việc và thông báo kết quả cho các cơ quan chức năng của Việt Nam để tiếp tục phối hợp giải quyết.

Ngày 12/06/2020, tàu cá QNg 96416TS và toàn bộ ngư dân trên tàu đã về tới cửa Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi an toàn. Các ngư dân hiện đang cách ly tại Trung tâm y tế Bình Sơn, Quảng Ngãi, theo quy định phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện các cơ quan chức năng của Việt Nam đang tích cực thu thập và xác minh thông tin, làm rõ vụ việc và sẽ tiếp tục có các biện pháp giao thiệp với phía Trung Quốc, kiên quyết bảo vệ chủ quyền cũng như quyền và lợi ích hợp pháp của ngư dân Việt Nam.

* Một số thông tin trong nước nổi bật được đăng tải trong tuần trên trang Thainguyentv.vn: Quốc hội thảo luận về kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước; Phê chuẩn EVFTA, EVIPA: Bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập; Phê chuẩn Công ước số 105: Việt Nam cam kết xóa bỏ lao động cưỡng bức; Vang xa, vươn xa, Việt Nam; 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Báo chí cần thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới; Thủ tướng gửi thư chúc mừng nhân Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam; 59 ngày không COVID-19, bệnh nhân 91 đã ăn được qua đường tiêu hóa; Tăng lần thứ 3 liên tiếp, xăng RON95-III vượt 14.000 đồng mỗi lít;…

- Trong chương trình của Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, sáng 8/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Thương mại Tự do giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA) và Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVIPA).

Các cử tri - đại điện doanh nghiệp và chuyên gia - đánh giá đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình hội nhập thị trường toàn cầu của Việt Nam.

Ông Phạm Bình An, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA và EVIPA trong thời điểm hiện nay ngoài việc khẳng định cam kết của Việt Nam trong quá trình hội nhập, mở cửa thị trường còn là cú hích tạo thêm động lực để nền kinh tế phục hồi sau giai đoạn khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Khác với các hiệp định thương mại tự do khác, EVFTA là hiệp định thương mại song phương giữa một bên là Việt Nam, một nền kinh tế có quy mô khá nhỏ, đang phát triển với bên còn lại là liên minh gồm 27 quốc gia có lịch sử phát triển lâu đời. Do đó, Việt Nam cũng được những ưu ái nhất định như EU cam kết cắt giảm thuế quan sâu hơn, lộ trình cắt giảm nhanh hơn để tạo điều kiện cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận sâu hơn vào thị trường của khối nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu Việt Nam cải cách thể chế, tạo điều kiện và đảm bảo các quyền lợi cho nhà đầu tư EU làm ăn, kinh doanh tại Việt Nam.

"Cho đến nay, EVFTA là hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam được đối tác cam kết cắt giảm thuế quan sâu nhất với hơn 86% dòng thuế được cắt giảm ngay, sau 7 năm thì 99,7 % dòng thuế sẽ được xóa bỏ. Như vậy, hàng rào thuế quan không còn nhưng không có nghĩa là hàng hóa Việt Nam tự do vào EU bởi các rào cản phi thuế quan mới thực sự là thách thức đối với doanh nghiệp, sản phẩm Việt Nam," ông Phạm Bình An nhấn mạnh.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Các đại biểu Quốc hội vỗ tay sau khi thông qua Nghị quyết phê chuẩn EVFTA. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Cụ thể, hàng hóa muốn xuất khẩu vào EU và được hưởng ưu đãi thuế quan phải đáp ứng tiêu chí về nguồn gốc xuất xứ nội khối, nghĩa là nguyên phụ liệu sản xuất ra sản phẩm phải có nguồn gốc từ Việt Nam, EU hoặc các quốc gia khác đã có hiệp định thương mại tự do với EU. Trong khi đó, phần lớn nguyên phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất xuất khẩu vào EU hiện nay của Việt Nam đều được nhập khẩu từ Trung Quốc và các nước khác trong khu vực Đông Nam Á…

- Sáng 13/6, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, Báo Nhân dân, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức Hội nghị gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu nhân kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020).

Hội nghị nhằm tuyên dương, khen thưởng 187 người làm báo tiêu biểu đại diện cho hơn 41.000 người làm báo cả nước. Đây là những cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên tiêu biểu đang công tác tại các cơ quan báo chí; là những người làm báo có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, nội quy, quy chế của cơ quan báo chí nơi công tác; hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, bảo vệ công lý và lẽ phải; có thành tích nổi bật, đóng góp xuất sắc trong hoạt động báo chí; có uy tín, được cơ quan, đồng nghiệp tín nhiệm, đánh giá cao…

Hội nghị cũng là dịp để những người làm báo cả nước giao lưu, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao vai trò, trách nhiệm, tiếp tục thực hiện tốt hơn nhiệm vụ công tác trong thời gian tới.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Các nhà báo tiêu biểu nhận Bằng khen của Ban Tuyên giáo Trung ương. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Thư chúc mừng gửi tới hội nghị. Nội dung thư như sau:

Nhân dịp kỷ niệm 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), thay mặt Chính phủ, tôi xin gửi tới các đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu nói riêng và toàn thể cán bộ, hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, những người làm báo cả nước nói chung những tình cảm gắn bó thân thiết và những lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Trong gần một thế kỷ qua, kể từ ngày báo Thanh niên - tờ báo khởi đầu của nền báo chí cách mạng Việt Nam, do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, xuất bản số báo đầu tiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, lực lượng báo chí cách mạng nước ta không ngừng lớn mạnh, khẳng định được vai trò quan trọng và có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc trước đây và công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Trong những năm qua, báo chí đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình, cách làm hay và tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè năm châu, bốn biển.

Các nhà báo của chúng ta luôn đi đầu trên mặt trận đấu tranh bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, là diễn đàn để đông đảo quần chúng nhân dân đóng góp ý kiến cũng như thực hiện quyền giám sát công tác điều hành của chính quyền các cấp từ Trung ương tới địa phương.

Nhiều phóng viên đã không quản gian khổ, hy sinh, sẵn sàng "vào sinh, ra tử" trong "mưa bom, bão đạn" của chiến tranh hoặc đối mặt với những "hiểm nguy," kịp thời có mặt tại những "điểm nóng," "ổ dịch bệnh nguy hiểm" để hoàn thành sứ mệnh cao cả của người làm báo; trong đó, có những gương mặt hôm nay là đại biểu tham dự Hội nghị gặp mặt, tuyên dương người làm báo tiêu biểu do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, tổ chức.

Nhân dịp này, tôi nhiệt liệt biểu dương và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ người làm báo trong cả nước trong những năm qua; xin chúc mừng bảy nhà báo lão thành cùng gần 200 người làm báo tiêu biểu, đại diện cho hơn 41.000 người làm báo trên cả nước ta được tôn vinh tại Hội nghị này.

Trong thời gian tới, tôi kêu gọi báo chí cách mạng Việt Nam cần bám sát quan điểm chính trị, sự lãnh đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, diễn biến tình hình trong nước và quốc tế để phản ánh một cách đầy đủ, chính xác, kịp thời về đời sống xã hội của đất nước, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân.

Báo chí và các nhà báo phải thể hiện được chính nghĩa, phản ánh được "dòng chảy chính" của xã hội, của đất nước, phải "phò chính, diệt tà." Mỗi bài viết, bản tin, hình ảnh đều phải lan tỏa những giá trị tốt đẹp và năng lượng tích cực, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh.

Trong bối cảnh truyền thông xã hội phát triển như vũ bão hiện nay, làm báo mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng vô vàn thử thách, gian nan. Hơn lúc nào hết, đội ngũ người làm báo cần luôn trau dồi bản lĩnh, tính chuyên nghiệp, đạo đức nghề nghiệp, giữ vững giá trị cốt lõi và khẳng định sứ mệnh vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.

Tôi xin chúc Hội nghị gặp mặt, tuyên dương Người làm báo tiêu biểu của chúng ta thành công tốt đẹp.

* Trong tuần, trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên có nhiều tin tức đáng chú ý: Đại hội Đảng bộ các cấp: Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025; Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai; Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy thăm, động viên Hộ gia đình làm kinh tế giỏi; Phiên họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025; Thái Nguyên: Triển khai nhiệm vụ nâng cao Chỉ số PCI năm 2020; Phiên họp thứ 47 Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh; Góp ý dự thảo các Đề án trình Bộ Chính trị; Thúc đẩy phát triển sản xuất chè bền vững; Thái Nguyên là 1 trong 42 địa phương tham gia Hành trình Đỏ năm 2020; Thái Nguyên thiệt hại gần 4 tỷ đồng do mưa bão; Nắng nóng gay gắt ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học;…

- Trong hai ngày 12 và 13/6, Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025.

Dự Đại hội có Thiếu tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, nguyên Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh khoá XIX; Trung tướng Dương Đình Thông, Bí thư Đảng ủy, Chính ủy Quân khu 1; Đại diện Ủy ban Kiểm Tra Trung ương, Văn phòng Trung ương Đảng; Đại diện Đảng ủy Quân sự các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Cao Bằng và Lạng Sơn. Đại biểu tỉnh Thái Nguyên có Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; đại diện các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và 99 đại biểu chính thức của Đại hội, đại diện cho hơn 400 Đảng viên thuộc 5 Đảng bộ trực thuộc Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh phát biểu tại Đại hội.

Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy giữ chức Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, bầu 2 đồng chí giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh, gồm: Đại tá Nguyễn Văn Đồng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Đại tá Ngô Hồng Thái, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Đồng chí Ngô Hồng Thái được Ban Chấp hành giao giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy Quân sự tỉnh khóa XX. Cũng trong hội nghị, Ban Chấp hành Đảng bộ Quân sự tỉnh đã tiến hành bầu 5 đồng chí vào Ban Thường vụ Đảng ủy Quân sự tỉnh, bầu đồng chí Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra và 5 đồng chí vào Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự tỉnh khóa XX.

Trong chương trình ngày làm việc thứ hai của Phiên chính thức, Đại hội cũng đã thảo luận, đóng góp ý kiến vào Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Dự thảo văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Theo đó, các ý kiến cơ bản nhất trí và đánh giá cao chất lượng của các dự thảo văn kiện lần này và công tác chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng của các cơ quan, ban, ngành liên quan; đồng thời đóng góp một số ý kiến làm rõ kết quả công tác quân sự quốc phòng địa phương trong nhiệm kỳ 2015 - 2020 và đề xuất các giải pháp liên quan.

Đại hội cũng đã bầu Đoàn đại biểu của Đảng bộ Quân sự tỉnh dự Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025, gồm 8 đại biểu chính thức, trong đó có 1 đại biểu đương nhiên là đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và 1 đại biểu dự khuyết. Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ Quân sự tỉnh khóa XX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Đoàn Đại biểu dự Đại hội Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh khóa XX phát biểu nhận nhiệm vụ, đồng thời bày tỏ cảm ơn sự tín nhiệm của toàn thể Đại hội.

Thành công từ Đại hội Đại biểu Đảng bộ Quân sự tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX sẽ là cơ sở quan trọng để các Đảng bộ trực thuộc tỉnh và Đảng bộ Quân sự các địa phương trên địa bàn Quân khu 1 rút kinh nghiệm trong chỉ đạo tổ chức Đại hội tiếp theo bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

- Trước đó, ngày 10/6, đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy đã có buổi làm việc với Ban Thường vụ Huyện ủy Võ Nhai. Dự buổi làm việc có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh.

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự đoàn kết, thống nhất của tập thể Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Võ Nhai, sự điều hành quyết liệt của chính quyền cùng sự đồng thuận của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn, kinh tế - xã hội của địa phương có tốc độ tăng trưởng khá, 13/14 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết đề ra, an sinh xã hội được đảm bảo, công tác quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững, tạo nền tảng cho sự phát triển trong những năm tiếp theo. Tuy nhiên, do khó khăn về địa hình, nên hiện nay, kết cấu hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Võ Nhai chưa đồng bộ, nhất là đối với 6 xã phía bắc của huyện; việc thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp trên địa bàn còn hạn chế; chất lượng giáo dục, y tế tuy đạt nhưng còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh; công tác giảm nghèo còn chưa thật sự bền vững. Đối với kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội 5 tháng đầu năm 2020, mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tuy nhiên cơ bản các chỉ tiêu phát triển chủ yếu vẫn đảm bảo tiến độ thực hiện...

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao những nỗ lực của Đảng bộ huyện trong nhiệm kỳ qua; đồng thời nhấn mạnh, Võ Nhai là huyện vùng cao của tỉnh, có vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, quân sự, nơi sớm có tổ chức Đảng ra đời, trên địa bàn có nhiều di tích lịch sử, cách mạng, danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Đây vừa là tiềm năng, lợi thế, nhưng còn nhiều khó khăn của địa bàn vùng cao. Bởi vậy, đồng chí đề nghị Đảng bộ huyện cần nắm bắt thời cơ, có tư duy đổi mới, phát huy những tiềm năng, thế mạnh của địa phương; đồng thời huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài; tổ chức thực hiện đạt hiệu quả để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân, phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời và giải quyết có hiệu quả các vấn đề tiềm ẩn về an ninh trật tự và hoạt động của các “tà đạo”, “đạo lạ”, các hủ tục, mê tín dị đoan, qua đó đảm bảo tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy phát biểu tại buổi làm việc

Trước mắt, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để khắc phục khó khăn sau ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị năm 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ đạo các chi, đảng bộ trực thuộc còn lại tổ chức thành công Đại hội nhiệm kỳ 2020 - 2025 tiến tới Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ 22 theo đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đối với các ý kiến, kiến nghị của địa phương, giao Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và cá cơ quan chuyên môn tham mưu giải quyết hoặc chủ động xem xét giải quyết theo thẩm quyền

- Cũng trong ngày 10/6, Ban Chỉ đạo PCI tỉnh Thái Nguyên tổ chức Hội nghị Đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI năm 2019; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 và khen thưởng các tổ chức, cá nhân có nhiều đóng góp trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Dự hội nghị có ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; đồng chí Lê Quang Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo PCI cấp tỉnh.

Báo cáo kết quả PCI năm 2019 đưa ra tại hội nghị đã nêu rõ, với tổng điểm 67,71 điểm, đây là điểm số cao nhất từ trước đến nay, Thái Nguyên nằm trong nhóm các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt của cả nước và dẫn đầu nhóm các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc. Trong thời gian vừa qua, những nỗ lực cải cách với nhiều giải pháp đồng bộ của hệ thống chính trị đã lan tỏa, tạo ra không khí phấn khởi trong sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Báo cáo cũng chỉ ra những điểm còn hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực đất đai; việc thực hiện thủ tục hành chính chưa thực sự hiệu quả; cơ chế phối hợp giữa các cấp, ngành trong việc giải quyết những khó khăn, vướng mắc đối với một số dự án còn nhiều bất cập.

diem su kien tu ngay 0862020 den ngay 1462020
Toàn cảnh hội nghị

Đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI đánh giá cao những nỗ lực của Thái Nguyên trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Đó là chìa khóa để tái khởi động và đưa kinh tế khởi sắc, tiếp cận được những thị trường mới, đặc biệt là sự dịch chuyển các dòng vốn FDI trong bối cảnh hiện nay, tạo sự liên kết bền vững với các doanh nghiệp nội địa.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Vũ Hồng Bắc ghi nhận những ý kiến đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp, đồng chí cũng nhấn mạnh, Thái Nguyên đặc biệt coi trọng việc tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường sự kết nối, chú trọng việc tạo sự liên kết của doanh nghiệp địa phương với các tập đoàn, công ty có vốn đầu tư nước ngoài đóng trên địa bàn tỉnh, qua đó tiếp tục mở đường cho những nỗ lực cải cách, góp phần đưa địa phương trở thành cực tăng trưởng mạnh của vùng thủ đô.

Cũng tại hội nghị, 13 tập thể đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh về những đóng góp trong công tác cải thiện chỉ số PCI; 23 tập thể, cá nhân được nhận Giấy khen về thực hiện tốt các chính sách, pháp luật về thuế./.