Thành phố Đà Nẵng không có nhiều di sản văn hóa như các địa phương khác. Thế nhưng, mấy năm trở lại đây, thành phố này đã phát huy nét độc đáo của các di sản văn hóa lịch sử làm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, níu chân du khách. Di sản văn hóa ở Đà Nẵng đang trở thành tài nguyên du lịch hấp dẫn tạo nền tảng cho phát triển du lịch bền vững.

Đà Nẵng mang trong mình nhiều câu chuyện về lịch sử và văn hóa thú vị. Di tích lịch sử Thành Điện Hải là đồn lũy quan trọng góp phần đánh bại cuộc tấn công của thực dân Pháp vào Đà Nẵng những năm 1858 - 1860. Di tích Hải Vân Quan là một công trình quân sự do triều đình nhà Nguyễn xây dựng trên đỉnh đèo Hải Vân vào năm 1862 để bảo vệ kinh thành Huế và giám sát các hoạt động ở cửa biển Đà Nẵng. Di tích Nghĩa trũng Khuê Trung ghi dấu ấn lịch sử những ngày đầu đấu tranh chống thực dân Pháp… Đây là những chứng tích có ý nghĩa lịch sử, tạo điều kiện cho du lịch Đà Nẵng phát triển.

di san van hoa o da nang tai nguyen du lich hap dan
Danh thắng Ngũ Hành Sơn vừa được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt

Anh Koen Seys, du khách đến từ nước Bỉ cho biết: "Việt Nam thực sự là điểm thu hút du khách, có nhiều địa điểm bảo tồn di tích lịch sử rất tốt. Tôi đặc biệt ấn tượng với Đà Nẵng, ở đây có cảnh quan núi đồi hùng vĩ, nhiều địa danh lịch sử ấn tượng. Đúng là địa điểm du lịch tuyệt vời".

Một trong những điểm tham quan du lịch tâm linh thu hút du khách đến Đà Nẵng là di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn. Đến với Ngũ Hành Sơn là về nơi cửa Phật, sống trong không gian huyền ảo của tiếng chuông chùa, chốn thanh tịnh nơi chùa chiền, hang động.

Nơi đây, có một hệ thống hang động thạch nhũ mát lạnh, thật huyền bí, kỳ diệu. Nếu như trước đây, danh thắng Ngũ Hành Sơn chỉ đón khách trong mùa lễ hội thì vài năm trở lại đây, khách thập phương tìm đến quanh năm. Để thu hút du khách, danh thắng này đã được đầu tư, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch gắn với khu dịch vụ đầy đủ tiện nghi. Hiện nay, trung bình mỗi ngày danh thắng Ngũ Hành Sơn đón 1.500 đến 2.000 khách.

Ông Nguyễn Văn Hiền, Trưởng Ban Quản lý khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho biết, lượng khách đến tham quan ngày càng đông, hàng năm, tiền vé thu được từ khu danh thắng này hơn 65 tỷ đồng: "Du khách đến Ngũ Hành Sơn ngày một đông hơn. Thường thường du khách là những bậc trung niên, lớn tuổi người ta rất ý thức được di tích lịch sử Ngũ Hành Sơn muốn đến khám phá, tìm hiểu. Cho nên họ đến thăm quan với 2 mục đích rõ ràng. Mục đích thứ nhất là đến chiêm ngưỡng di tích cấp quốc gia, thứ hai là người ta hướng về tâm linh, thiện tâm".

di san van hoa o da nang tai nguyen du lich hap dan
Hải Vân Quan đang là điểm đến thu hút khách du lịch nước ngoài.

Cùng với danh thắng Ngũ Hành Sơn thì Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Đà Nẵng cũng thu hút một lượng du khách khá đông. Đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm, du khách có cơ hội tìm hiểu và khám phá nghệ thuật điêu khắc của Vương quốc Chăm Pa. Bảo tàng Đà Nẵng là nơi gìn giữ hệ thống những cổ vật chứa đựng trong đó những câu chuyện về lịch sử, con người Đà Nẵng. Trung bình mỗi ngày, Bảo tàng Đà Nẵng đón từ 600 đến 800 khách tham quan, lúc cao điểm lên tới 1.000 khách/ngày.

Ông Huỳnh Đình Phước Thiện, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng khẳng định, việc xây dựng thương hiệu du lịch từ di sản văn hóa đã tạo nên sự khác biệt hấp dẫn cho du lịch tại thành phố Đà Nẵng: "Chúng tôi cũng sẽ tạo ra những sản phẩm mới, kết nối các di sản cấp thành phố, cấp quốc gia trở thành một tour du lịch để phục vụ du khách muốn tìm hiểu hiểu, nghiên cứu hành trình Di sản Đà Nẵng. Đưa Di sản đến với công chúng, với du khách, đặc biệt mình phải hướng đến cộng đồng, chung tay trong việc gìn giữ và phát huy giá trị của di sản đó".

Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 18 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 51 di tích xếp hạng cấp thành phố, 4 di sản phi vật thể trong danh mục Di sản quốc gia. Trong đó, các công trình văn hóa - lịch sử là Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Khu Căn cứ Cách mạng K20 và Khu danh thắng Ngũ Hành Sơn đang được khai thác phục vụ khách du lịch. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia văn hóa, các di sản văn hóa phi vật thể của Đà Nẵng vô cùng đặc sắc. Những hình thái diễn xướng Bài chòi, Tuồng, lễ cầu ngư, Lễ hội Quán thế âm Bồ tát, lễ hội Mục đồng,… đều có nhiều sắc thái văn hóa đa dạng.

Ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao thành phố Đà Nẵng cho biết, để phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ phát triển du lịch, cùng với việc đầu tư tu bổ, tôn tạo các di tích, thành phố Đà Nẵng đã chú trọng xây dựng, bảo tồn các di sản văn hóa bằng việc quảng bá điểm đến với nhiều hình thức phong phú:

"Tôi nghĩ rằng, cách tốt nhất di sản văn hóa trước hết là phải được bảo tồn, gìn giữ nhưng phải hướng đến phục vụ du lịch, để góp phần thực hiện mục đích chung là phát triển bền vững. Ở thành phố Đà Nẵng, chúng tôi đang trùng tu, tôn tạo di tích thành Điện Hải. Lãnh đạo thành phố cũng có chủ trương xây dựng quảng trường xung quanh thành Điện Hải. Tôi tin rằng, với chủ trương đó, thành Điện Hải sẽ là một trong những điểm đến hấp dẫn cho du khách 4 phương đến thăm quan thành phố Đà Nẵng", ông Huỳnh Văn Hùng cho biết.

Hiện tại, thành phố Đà Nẵng đưa vào khai thác một số tuyến du lịch với điểm đến là các di sản văn hóa có sức hút đối với du khách như: Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn - Hội An; Đà Nẵng - Ngũ Hành Sơn - Bán đảo Sơn Trà; Hành trình Di sản miền Trung: Đà Nẵng - Huế - Hội An - Quảng Bình.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch thành phố Đà Nẵng cho biết, phát triển du lịch thành phố hướng tới 2 mục tiêu là du lịch trải nghiệm, khám phá di sản và du lịch Hội nghị, Hội thảo kết hợp nghỉ dưỡng mang tầm cỡ quốc tế: "Trong năm 2018, Sở Du lịch Đà Nẵng với vai trò là trưởng nhóm trong liên kết 3 địa phương thì chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Quảng Nam, Thừa Thiên - Huế triển khai các sản phẩm liên vùng, phối hợp với nhau trong công tác quảng bá xúc tiến. Quảng Nam và Thừa Thiên - Huế là hai địa phương Di sản văn hóa thế giới trong khu vực. Sự phối hợp tạo thành sức mạnh, chuỗi sản phẩm du lịch, góp phần kéo dài thời gian lưu trú của du khách tại Đà Nẵng cũng như miền Trung".

Đà Nẵng không có nhiều di sản văn hóa nhưng chính quyền thành phố này đang làm tốt và phát huy vai trò của di sản văn hóa với phát triển du lịch. Du lịch gắn với di sản văn hóa đang ngày càng phát triển, luôn có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước./.