Trong bài "Vay nặng lãi ở Tây Nguyên: Giăng lưới cho vay, tận thu hộ nghèo", chúng tôi đã đề cập mặt trái của hoạt động “tín dụng ngầm” ở vùng nông thôn Tây Nguyên, với thực trạng nhiều nông dân ngập trong nợ nần, nỗ lực thoát nghèo bị chặn đứng. Các hoạt động cho vay lãi cao đang giăng lưới tận thu lợi nhuận từ những gia đình khó khăn, khiến các vấn đề xã hội ở vùng nông thôn Tây Nguyên thêm khó giải quyết.

Theo Ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh Tây Nguyên, năm 2017 là năm hoạt động tín dụng ở khu vực có mức tăng trưởng rất cao. Ở Đắk Lắk, tỉnh đông dân nhất Tây Nguyên, dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đạt gần 80.500 tỷ đồng, tăng 20,15% so với cuối năm 2016. Lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn dành được sự quan tâm đặc biệt, được cho vay tới hơn 40.000 tỷ đồng, tăng hơn 34% so với năm 2016.

dep vay nang lai o tay nguyen phai thong tac von tu ngan hang
Vay lãi cao ở Tây Nguyên: gian nan đường tới ngân hàng (Ảnh minh họa: KT)

Ông Bùi Đức Huy, Phó giám đốc Agribank Đắk Lắk khẳng định, ngân hàng không thiếu tiền cho nông dân vay. Các chi nhánh, phòng giao dịch của ngân hàng này đã mở ở khắp các xã vùng sâu. Thủ tục cho vay, từ khi có Nghị định 55/2015 của Chính phủ cũng rất đơn giản, nhanh chóng… Chính vì vậy, ông Huy lạc quan rằng, việc cho nông dân vay vốn bây giờ đã trở nên hoàn hảo.

“Các thủ tục cho vay bây giờ của Agribank cũng như các ngân hàng thương mại khác rất đơn giản. Đặc biệt, nông dân có đủ điều kiện, chúng tôi giải quyết rất nhanh, trong 1 đến 2 ngày là xong. Tôi nghĩ là với những nguồn vốn này thì việc người dân tiếp cận đã là hoàn hảo rồi. Vấn đề chỉ là họ sử dụng như thế nào, chứ tiếp cận thì rất dễ. Tất cả các xã vùng sâu vùng xa, chúng tôi đều có”, ông Bùi Đức Huy khẳng định.

Không chỉ tự đánh giá hoàn hảo về thủ tục cho vay của đơn vị, ông Bùi Đức Huy cũng khẳng định, ngân hàng đã rất linh hoạt, thông thoáng trong việc giãn nợ, khoanh nợ cho người dân khi gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Đáng tiếc, hiện thực ở cơ sở không tốt đẹp như vậy. Rất nhiều khách hàng đã bị làm khó bởi đủ loại lý do. Có khách hàng bị ngân hàng liệt vào sổ đen “nợ xấu” nên không cho vay. Nhiều người khác lại gặp khó bởi thủ tục hành chính phiền hà.

Chị Lê Thị Vân, ở xã Ea Pal, Huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, dù có tài sản thế chấp trị giá cả tỷ đồng, nhưng trong suốt gần 1 năm trời, luôn bị các ngân hàng từ chối cho vay, bởi trước đó, vì chạy chữa cho chồng bị ung thư, chị mắc một lần quá hạn.

“Em làm ăn cũng được. Nhưng vì hoàn cảnh ông xã bị ung thư nên rất tốn kém, em phải vay ngân hàng 200.000.000 đồng. Chồng em ngã xuống thì ngân hàng có gọi điện đến bảo: “Cô thu xếp trả đi, trả rồi chúng tôi lại cho vay”. Em suy nghĩ mãi rồi vay ngoài để đáo hạn. Nửa tháng sau, làm xong bìa đỏ, đến ngân hàng thì ngân hàng không cho vay. Họ nói là chậm trễ, nợ xấu, không trả được. Mà họ thấy em một thân một mình, chắc có lẽ thế nên không trả được”, chị Lê Thị Vân kể lại.

Còn anh Dương Minh, ở xã Ea Đar, huyện Ea Kar, lại bị “hành” bởi những thủ tục mà anh không tưởng tượng được: “Ra ngân hàng thì ngân hàng yêu cầu phải có chứng minh quan hệ vợ chồng. Họ đưa cho mẫu để lên thị trấn ký. Lên thị trấn thì họ nói là ngại không ký. Đưa Chủ tịch thì Chủ tịch đẩy sang Phó Chủ tịch. Mà sao ngân hàng lại đòi chứng minh quan hệ vợ chồng, trong khi công an đã xác nhận trong sổ hộ khẩu?”

Trong số những nguyên nhân dẫn tới việc nông dân vùng khó khăn của Tây Nguyên không tiếp cận được vốn ngân hàng, tình trạng trì trệ trong việc cấp quyền sử dụng đất, được cho là nguyên nhân hàng đầu.

Đắk Lắk, tỉnh được coi là có tiến độ cấp chứng nhận quyền sử đất thuộc diện nhanh ở khu vực, cũng còn tới gần trăm nghìn héc ta chưa được cấp theo kế hoạch. Cùng với đó là 160.000 ha ở vùng sâu không nằm trong kế hoạch quyền sử dụng của tỉnh.

Đăk Nông, Lâm Đồng, tỉnh nào cũng có vài chục nghìn hecta chậm được cấp, và rất nhiều diện tích ở vùng sâu, vùng xa sẽ chỉ được cấp khi có sự thay đổi về chính sách. Hầu như tới xã vùng khó khăn nào ở Đắk Lắk, Lâm Đồng, Đăk Nông, cũng thấy người dân ta thán việc không được cấp “sổ đỏ” nên phải vay ngoài lãi cao.

Vùng tối tín dụng, với hàng chục, thậm chí hàng trăm ngàn hộ chưa thuận lợi vay vốn ngân hàng, phải vay ngoài lãi suất cao, suốt năm tháng ngập trong nợ nần, là một nỗi đau của Tây Nguyên trù phú, là hiện thực không được phép tồn tại khi Đảng, Nhà nước ta đang hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Về mặt chính sách, Nghị định 55/2015 đã tạo những điều kiện rất thuận lợi để vốn ngân hàng đến được với nông dân. Nhưng Nghị định này chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi các ngân hàng, các cơ quan liên quan, phát huy được tinh thần trách nhiệm, minh bạch, khách quan. Khi ấy, ngân hàng cũng có lợi vì thêm được nhiều khách hàng, người dân thì có vốn để sản xuất, còn tín dụng đen, cho vay lãi cao ở Tây Nguyên sẽ bị đẩy lùi./.