de thi mon ngu van cham den chieu sau cam xuc cua hoc sinh

Niềm vui của thí sinh khi làm được bài

Cô giáo Nguyễn Thị Hương Thủy, giáo viên Trường THPT Chu Văn An, Hà Nội: “Đề thi kích thích sự sáng tạo của học sinh”

Đề thi nằm trong chương trình THPT, vừa sức với học sinh, tạo cảm hứng cho học sinh, có được sự phân hóa với các đối tượng học sinh, phù hợp với kỳ thi.

Ở phần đọc hiểu, đề đã đưa ra trích đoạn có tính thời sự, bám sát được vấn đề nóng hổi với đời sống, với học sinh, đó là lòng trắc ẩn. Vấn đề này không mới, quen thuộc nhưng trích đoạn này hay vì bắt được vào những ví dụ nhỏ, đời thường nhưng không tầm thường, từ đó học sinh nhận ra được lòng tốt và nhân lên trong đời sống những điều tốt đẹp. Phần này rất tường minh, huy động được nhiều kỹ năng của và nằm trong phần học chương trình phổ thông.

Ở phần nghị luận xã hội, đề có nẩy ra ý là ý nghĩa của sự thấu cảm, đề tài khá thú vị, thông qua đây học sinh có thể đối thoại với chính mình, cuộc sống, từ đó nhân lên nỗ lực để sống thiện hơn, biết sẻ chia hơn trong cuộc sống.

Ở phần nghị luận văn học, nếu như đọc hiểu nói về thấu cảm thì bài thơ Đất nước là sự thấu cảm thiêng liêng cao cả, thấu cảm về tình yêu đất nước. Đây là thành công của đề bài, đó là mạch ngầm của đề, trong cuộc sống để làm tốt trách nhiệm, thì cần có sự thấu cảm từ những điều nhỏ nhất, cuộc đời này không chỉ tạo nên từ cái bên ngoài mà con từ cách sống, cách nghĩ.

Cách hỏi cũng có sự phân loại, tất cả học sinh có thể trình bày được ý kiến của mình, đồng thời bàn luận quan điểm của mình về đất nước. Vận dụng kĩ năng thêm để bàn luận đáp ứng được yêu cầu đề bài.

Theo tôi không có đề dễ hay khó mà chỉ có đề vừa sức, có đề kích thích sự sáng tạo của học sinh, tạo được độ hứng thú cho học sinh thì đề thi Ngữ Văn năm nay đã làm được điều đó. Với đề bài này thì học sinh sẽ có tâm lí tương đối thoải mái để bước vào môn thi sau.

de thi mon ngu van cham den chieu sau cam xuc cua hoc sinh

Đề thi Ngữ Văn THPT 2017

Cô Nguyễn Thị Vân Hạnh, tổ trưởng tổ Ngữ văn, trường THPT Dân tộc nội trú số 2 tỉnh Nghệ An: “Các kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa”

Trước hết, đây là một đề thi đáp ứng được 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề theo đúng cấu trúc của đề thi mình họa trước đó của Bộ công bố. Các kiến thức nằm trong chương trình sách giáo khoa.

Bên cạnh đó, cái hay của đề là phân hóa được học sinh. Trong đó, câu 4 yêu cầu thí sinh đưa ra ý kiến lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm chính là câu vận dụng cao của phần đọc hiểu. Các em phải thể hiện được chính kiến, quan điểm cá nhân và lập luận chặt chẽ, logic để bảo vệ quan điểm có của mình trước người đọc.

Còn câu làm văn nêu cảm nhận của thí sinh về đoạn trích Đất nước (nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm) và bình luân quan điểm về đất nước của tác giả là câu vừa để thí sinh thể hiện khả năng cảm thụ văn chương, vừa đề cập đến vấn đề thời sự hiện nay. Theo đó, đất nước nhân dân là tư tưởng từ rất lâu đời của cha ông ta ngày xưa, nhưng đến nay vẫn còn nguyên giá trị.

Tóm lại, đây là đề vừa sức, những em học trung bình cũng có cái đề viết và với những em học lực khá, giỏi cũng có đất để đào sâu, thể hiện năng lực văn chương và khả năng viết lách của mình.

Cô giáo Hà Thủy, Tổ phó tổ Ngữ Văn, Trường THPT Anhxtanh, Hà Nội: “Cách hỏi của đề trực tiếp nên dễ hơn cho học sinh”

4 câu hỏi nhỏ trong phần Đọc hiểu được chia theo 4 mức độ: nhận biết, thông hiểu, vận dụng thấp và vận dụng cao. Với ý 1 và ý 2, học sinh dễ dàng lấy được trọn vẹn điểm; ý 3 ở mức độ trung bình; ý 4 hơi khó nhưng học sinh trung bình khá vẫn có thể làm được.

Nhìn chung so với phần đọc hiểu ở ba đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, theo tôi, đề thi lần này không có sự khác biệt về nội dung và cách hỏi.

Câu nghị luận xã hội của phần làm văn chính là sự nối tiếp của phần đọc hiểu, đề cập tới ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống. Tôi cho rằng, vấn đề này không khó viết với các em học sinh. Bởi lẽ, đây cũng là một trong vấn đề quen thuộc đã được ôn luyện nhiều.

Câu 2 nghị luận văn học về một đoạn thơ trong đoạn trích “Đất Nước”. Đoạn thơ được hỏi đôi khi cũng sẽ chưa được chú ý phân tích kĩ trong các sách tham khảo bằng các đoạn thơ khác. Tuy nhiên, cách hỏi của đề thi lần này rất trực tiếp, dễ hơn, không đòi hỏi sự tư duy, sáng tạo của học sinh so với các đề thi minh họa trước đó. Nhìn chung, đây là đề thi cơ bản, không có câu hỏi khó và điểm thi sẽ cao hơn mọi năm.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Tổ trưởng Tổ Văn Trường THPT Cao Bá Quát (Gia Lâm, Hà Nội): “Vấn đề nghị luận mang tính thời sự đầy ý nghĩa”

Tôi cho rằng đây là đề thi hay. Phần đọc hiểu tập trung vào các kĩ năng cơ bản mà học sinh cần nắm, cách hỏi rõ ràng, không gây khó cho học sinh.

Câu nghị luận xã hội chạm đến vấn đề nhạy cảm và rất nhân văn với học sinh sắp rời ghế nhà trường để chịu trách nhiệm trước mọi suy nghĩ, hành vi của mình.

Cuộc sống bộn bề lo toan khiến chúng ta, đặc biệt thế hệ trẻ lãng quên sự quan tâm chia sẻ với người thân, với bạn bè và những mảnh đời uẩn ức quanh mình. Đề thi Ngữ văn giúp các em nhận thức và điều chỉnh lại cách ứng xử của mình hình thành lối sống nhân ái, vị tha, bao dung tốt đẹp sẽ theo em suốt cuộc đời.

Còn đề nghị luận văn học đề cập đến tình yêu quê hương đất nước thiêng liêng sâu nặng. Đoạn thơ giúp học sinh nhận thức đất nước là không gian địa lí mênh mông giàu đẹp nhưng cũng vô cùng gần gũi thân thuộc với mỗi người từ lúc ấu thơ đến khi trưởng thành.

Đất nước là chiều dài lịch sử gắn với huyền thoại và là cuộc chạy tiếp sức đầy ý thức của các thế hệ. Đất nước của hôm qua, hôm nay và mãi mãi sau này nên ai cũng có trách nhiệm dựng xây, giữ gìn, bảo vệ, từ đó thấy được sự mới mẻ sâu sắc của Nguyễn Khoa Điềm khi cảm nhận về đất nước.

Đặt trong hoàn cảnh của đất nước hôm nay, vấn đề nghị luận mang tính thời sự đầy ý nghĩa. Về cơ bản học sinh làm được bài. Tuy nhiên để đạt điểm cao, học sinh chỉ hiểu chưa đủ mà còn phải nắm vững kĩ năng, có tình cảm cảm xúc chân thành, sâu sắc.