Việc xây dựng nông thôn mới ở khu vực Đông Nam bộ dù đã mang lại hiệu quả tích cực; song vẫn còn đó những khó khăn, rào cản cần phải khắc phục, vượt qua. Nông thôn mới về đích cần có lộ trình và thời gian. Nhưng kết quả xây dựng nông thôn mới trước tiên là phải cần thực chất và nông dân là đối tượng được thụ hưởng?

Đồng Nai có 133 xã triển khai xây dựng nông thôn mới. Đến cuối năm 2018, 100% số xã này đã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn quốc gia. Cấp huyện có 8/11 đơn vị đạt chuẩn, 3 đơn vị còn lại cũng đã được Hội đồng thẩm định Trung ương bỏ phiếu công nhận đạt chuẩn huyện nông thôn mới, dự kiến trong tháng 4/2019 sẽ nhận quyết định.

Là địa phương “nổi tiếng” với công nghiệp, dịch vụ, nhưng Đồng Nai trở thành 1 trong 3 tỉnh đầu tiên của cả nước có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới. Và điểm sáng Đồng Nai đã góp phần tạo nên thành tích chung để Chương trình xây dựng nông thôn mới của cả nước về đích sớm hơn dự kiến đề ra.

de nong thon moi phat trien ben vung can chat luong hay so luong
Đồng Nai đến cuối năm 2018, 100% số xã này đã hoàn thành các tiêu chí và đạt chuẩn quốc gia về xây dựng nông thôn mới.

Tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu hoàn thành xây dựng nông thôn mới cấp tỉnh vào năm 2019, nghĩa là “về đích” sớm hơn 2 năm so với kế hoạch ban đầu là năm 2021. Nhưng chưa dừng lại ở đó, nông thôn mới ở Đồng Nai không ngừng được nâng cao vì càng về sau chuẩn của các tiêu chí đều được nâng lên, việc thẩm định cũng khắt khe hơn. Bằng nỗ lực từ cấp tỉnh xuống cơ sở, Đồng Nai đang cố gắng hết sức để về đích sớm. Trong đó, mục tiêu quan trọng nhất là giữ vững về mặt chất lượng, nghĩa là phải lấy đời sống người dân nông thôn làm thước đo, việc không ngừng nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân nông thôn được chú trọng hàng đầu.

Bài học kinh nghiệm được rút ra ở Đồng Nai, ngoài những vấn đề như công tác tuyên truyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định được hướng đi, vai trò người đứng đầu… thì yếu tố người dân được đặc biệt coi trọng.

“Sản xuất là quan trọng nhất. Nông thôn mới mà dân còn đói, còn nghèo thì dân người ta không tin. Thúc đẩy sản xuất có 2 cái lợi, một là dân tin, từ ngày làm nông thôn mới đời sống mình khác hẳn, tạo thêm công ăn việc làm, phát triển ngành nghề dịch vụ nông thôn… Thứ 2, phát triển sản xuất thì người dân có điều kiện để đóng góp ngược lại cho nông thôn mới. Ví dụ khi huy động làm đường anh đóng 5 triệu. Anh thấy làm đường thì đúng mà không có tiền thì cũng không thể đóng góp” - Ông Lê Văn Gọi, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Nai phân tích.

Ở Đồng Nai, xây dựng nông thôn mới được xác định là chương trình có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, không chủ quan, tự mãn với kết quả đã đạt được. Do vậy, việc nâng cao thu nhập, đời sống của người dân luôn là mục tiêu quan trọng hàng đầu. Để đạt mục tiêu đó, cần phát triển sản xuất theo hướng bền vững, liên kết chuỗi, đầu tư cho công nghiệp chế biến nông sản, nâng cao giá trị nông sản.

de nong thon moi phat trien ben vung can chat luong hay so luong
Xây dựng nông thôn mới thì nhiệm vụ số 1 là phải tổ chức sản xuất. (Ảnh: KT)

Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, chương trình xây dựng nông thôn cả nước đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, để “nâng chất” cho phong trào, các địa phương cần tập trung hơn cho các chỉ tiêu cốt lõi. Theo đó, chỉ tiêu số một vẫn là tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo hướng xây dựng chuỗi liên kết.

“Tập trung số 1 là phải tổ chức sản xuất. Phải hình thành được liên kết trên tất cả 3 trục sản phẩm cấp quốc gia, cấp tỉnh và trục sản phẩm cấp OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Tất cả đều phải coi liên kết là chìa khóa để chúng ta thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, chìa khóa để chúng ta có thể đưa nông sản Việt Nam hội nhập và đây mới là cơ sở để cải thiện đời sống nông dân” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Nông thôn mới, sau 10 năm xây dựng đã để lại những dấu ấn tịch cực, thay đổi bộ mặt nông thôn, phát triển sản xuất và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn cả nước.

Nhưng, xây dựng nông thôn mới không phải là cuộc chạy đua hình thức mà cần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Do vậy, cần đặc biệt chú trọng về chất lượng các tiêu chí về môi trường, văn hóa, xã hội, an ninh trật tự, củng cố chính quyền địa phương…

Về phát triển sản xuất, những chương trình lớn như: phát triển 15.000 hợp tác xã kiểu mới; chương trình OCOP mỗi xã một sản phẩm… cũng phải được xem là chiến lược lâu dài. Trong khi đó, du lịch Việt Nam hiện cũng đang tăng nhanh theo mỗi năm, nên việc khai thác du lịch nông nghiệp, nông thôn; hay thu hút doanh nghiệp đầu tư vào những chương trình liên quan đến nông nghiệp, nông thôn cũng rất cần được quan tâm giải quyết./.