dbscl bac si nganh hiem thieu tram trong

Ông Lê Văn Tâm - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Chiều ngày 7/8 tại Hội nghị “Nhân lực y tế vùng ĐBSCL mở rộng năm 2018” diễn ra tại Cần Thơ lãnh đạo ngành y của các tỉnh đều “than trời” về sự thiếu hụt bác sĩ ngành “hiếm”

Theo báo cáo của trường Đại học Y dược Cần Thơ, tính đến năm 2018 ĐBSCL có 7,85 bác sĩ và 1,39 dược sĩ trên vạn dân.

Cụ thể, tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân thấp nhất tại ĐBSCL là An Giang (6,30 bác sĩ/vạn dân), kế đến là Tiền Giang (6,32 bác sĩ/vạn dân). Tỉnh có số lượng dược sĩ thấp nhất là Long An (0,71 dược sĩ/vạn dân). Thành phố Cần Thơ là địa phương có tỷ lệ bác sĩ, dược sĩ trên vạn dân cao nhất (11,54 bác sĩ và 12,49 trên vạn dân).

Ngoài ra, đối với các chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu) thì tình trạng thiếu hụt càng nghiêm trọng hơn. Tại 13 Trung tâm Pháp y thuộc 13 tỉnh thành ĐBSCL lại chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y. Hiện nay, 8 bệnh viện lao và phổi trong khu vực đã đi vào hoạt động, tuy nhiên số bác sĩ có chuyên ngành rất ít, trung bình mỗi tỉnh chỉ có từ 1 – 5 bác sĩ.

Năm 2018, trường ĐH Y dược Cần Thơ có 1.229 bác sĩ, dược sĩ, cử nhân tốt nghiệp các ngành. Đến nay, trường có 1.450 chỉ tiêu đào tạo (trong đó ưu tiên tối đa 85% chỉ tiêu cho khu vực ĐBSCL) tuy nhiên với năng lực đào tạo này các địa phương vẫn cho rằng không thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, đồng thời đề nghị tăng chỉ tiêu tuyển sinh.

dbscl bac si nganh hiem thieu tram trong

Hiện tại các tỉnh, thành ĐBSCL bác sĩ ngành hiếm đang thiếu trầm trọng (ảnh minh họa- các bác sĩ khoa ngoại BV ĐKTP Cần Thơ đang phẫu thuật nội soi cho bệnh nhân)

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang, ông Lê Hoàng Anh cho biết: Kiên Giang vừa có quyết định thành lập hai bệnh viên chuyên khoa nhưng hiện tại nguồn nhân lực tại hai bênh viện đang rất thiếu chỉ khoảng 7-8 nhân lực/bệnh viện.“Số lượng đào tạo ngành hiếm của tỉnh thuộc diện địa chỉ sử dụng vẫn chưa ra trường. Còn lại số lượng đào tạo chung (y đa khoa) thì tỉnh đã cố gắng động viên các em về hai bệnh viện này làm nhưng đa số các em đều từ chối" - ông Anh cho hay.

Theo ông Anh, do đợi các sinh viên đào tạo khoa hiếm ra trường thì rất lâu nên ông đề nghị trường xem xét ngoài đối tượng liên thông y đa khoa thì cho chỉ tiêu liên thông đối với ngành hiếm để đáp ứng nhu cầu y tế tỉnh.

Tại hội nghị, đại diện ngành y tế ĐBSCL mong muốn Trường ĐH Y Dược Cần Thơ tiếp tục duy trì chương trình đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Đồng thời, các địa phương yêu cầu trường xem xét bổ sung chỉ tiêu đào tạo để đáp ứng như cầu y tế, khám chữa bệnh của địa phương mình.

Phát biểu kết luận hội nghị, PGS.TS Nguyễn Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường ĐH Y Dược Cần Thơ, cho biết: Trước khi phân bổ chỉ tiêu, trường đã trực tiếp làm việc và thống nhất với từng tỉnh. Chỉ tiêu có được dựa vào quy định của Bộ, năng lực đào tạo của trường, kể cả số lượng thí sinh thi, kết quả điểm thi... Trường khó có thể tăng thêm chỉ tiêu cho các tỉnh, thành.

Tuy nhiên, những thí sinh dự tuyển vào trường có điểm thi từ 21,5 điểm trở lên có thể chuyển sang học theo diện đào tạo địa chỉ sử dụng của tỉnh, mặc nhiên tỉnh này được thêm chỉ tiêu. PGS.TS Nguyễn Trung Kiên lưu ý thêm, các thí sinh đủ tiêu chuẩn cần liên hệ với Sở Y tế các tỉnh làm hồ sơ từ ngày 8 đến 17/8. Các tỉnh nên sớm thực hiện các thủ tục để gửi danh sách thí sinh về trường chậm nhất ngày 23/8.