dau tu hon 220 ty dong phat trien thuong hieu che thai nguyen
Thu hoạch chè búp tươi tại Tân Cương. (Ảnh: Trọng Đạt/TTXVN)

Theo đề án của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, nguồn vốn đầu tư chủ yếu để thực hiện các nhiệm vụ: quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu chè búp tươi phù hợp với cơ cấu loại sản phẩm đối với từng huyện, thành phố, thị xã đồng thời gắn với quy hoạch vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; hình thành các vùng sản xuất chè tập trung, ứng dụng công nghệ cao với quy mô diện tích 3.900 ha tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Định Hóa, Võ Nhai, thị xã Phổ Yên...

Đề án cũng đặt mục tiêu từng bước đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; trồng mới, trồng thay thế 4.400 ha chè bằng các giống mới có năng suất, chất lượng, khả năng chống chịu cao. Mỗi năm hỗ trợ chứng nhận trên 300 ha chè an toàn sản xuất theo theo quy trình VietGAP (hoặc GAP khác), hỗ trợ và chứng nhận cơ sở đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm 50 cơ sở/năm; xây dựng và quản lý thương hiệu chè Thái Nguyên, phát triển nhanh mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè an toàn gắn với phát triển hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm chè theo mô hình chuỗi giá trị...

Trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên chỉ đạo các địa phương khẩn trương chuyển đổi giống theo hướng ưu tiên thay thế giống chè trung du già cỗi, năng suất, chất lượng thấp bằng giống chè mới có năng suất, chất lượng cao, thích ứng với điều kiện tự nhiên tỉnh Thái Nguyên.

Dự án đưa ra mục tiêu phát triển chè giống mới, nhân giống bằng phương pháp giâm hom; xác định cơ cấu giống chè, trong đó chè trung du chỉ chiếm 20% diện tích, các giống mới như: LDP1, Kim Tuyên, Thuý Ngọc, Phúc Vân Tiên, TRI 777, Bát Tiên, Hương Tích Sơn... chiếm 80% diện tích, hàng năm sản xuất khoảng 40 triệu cây giống phục vụ trồng mới và trồng thay thế.

Tỉnh chủ trương phát triển mạnh thương hiệu chè Thái Nguyên trên cơ sở phát huy lợi thế, sức cạnh tranh của sản phẩm về số lượng, chất lượng và giá cả, phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, thực hiện đặng ký nhãn hiệu tập thể chè Thái Nguyên tại một số thị trường nước ngoài tiềm năng.

Bên cạnh đó, tỉnh áp dụng cơ chế hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chế biến chè an toàn theo quy trình VietGAP và GAP khác; hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo nâng cao kỹ thuật chế biến chè đảm bảo an toàn thực phẩm, sản xuất hữu cơ; hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng thương hiệu sản phẩm.

Tỉnh hỗ trợ xây dựng một số chợ đầu mối, điểm du lịch, thưởng thức văn hóa chè Thái Nguyên tại không gian văn hóa chè tại thành phố Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương và các làng nghề trồng, chế biến chè, các điểm dừng chân trong các tour, tuyến du lịch làng nghề đến các vùng chè đặc sản của tỉnh như: Tân Cương, La Bằng, Điềm Mặc, Vô Tranh, Tức Tranh, Trại Cài...

Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên cho biết hiện tổng diện tích chè của tỉnh đã đạt trên 21.100 ha, trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; 80% sản lượng được chế biến bằng phương pháp truyền thống, cơ giới hoá bằng máy tôn quay, máy vò và dây truyền chế biến quy mô nhỏ tại 43 hợp tác xã và hơn 60 nghìn hộ tại 140 làng nghề sản xuất, chế biến chè với sản phẩm chủ yếu là chè xanh và chè xanh cao cấp; thu nhập từ cây chè tại Thái Nguyên đã đạt trung bình trên 100 triệu đồng/ha/năm.

Ngoài thế mạnh tiêu thụ trong khắp cả nước, chè Thái Nguyên đang có thị trường xuất khẩu ổn định tại Pakistan, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

Việc sớm triển khai đề án nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè đến năm 2020 không chỉ đem lại hiệu quả về kinh tế mà còn góp phần giải quyết việc làm, tạo thu nhập ổn định cho trên 300.000 lao động hoạt động trong các lĩnh vực./.