Thực hiện tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, trong 10 năm qua, đồng thời xác định công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp - nông thôn là một nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; dưới sự điều hành trực tiếp của Chính phủ, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã thực hiện các chương trình xây dựng mới và cải tạo nâng cấp lưới điện trung hạ thế nông thôn nhằm mở rộng diện cấp điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện, đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nuôi trồng thủy hải sản, sinh hoạt và đảm bảo vận hành an toàn ổn định lưới điện của dân cư khu vực nông thôn.

Huy động nguồn lực đầu tư xây dựng lưới điện nông thôn, vùng sâu, vùng xa, hải đảo

Tập đoàn Điện lực Việt nam (EVN) cho biết nguồn vốn vay ODA là một trong những “kênh” quan trọng, hiệu quả để tập trung đầu tư, xây dựng, cải tạo hệ thống lưới điện khu vực Nông thôn. Trong 10 năm qua với tổng giá trị nguồn vốn vay gần 2 tỷ USD từ: Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB), Cơ quan Phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Tái thiết Đức (KfW), Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA)... EVN đã thực hiện cung cấp điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt cho gần 2 triệu hộ dân khu vực nông thôn của cả nước.

Cùng với đó, EVN đã và đang thực hiện nhiều dự án cấp điện cho các hộ dân chưa có điện tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn và biên giới nhằm góp phần bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội tại các tỉnh Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Bắc Kạn, Nghệ An, Lạng Sơn, Khánh Hòa, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang, Cà Mau, Kiên Giang với tổng kinh phí hơn 5.500 tỷ đồng, cấp điện lưới quốc gia cho 369 xã và gần 400.000 hộ dân nông thôn chưa có điện.

dau an chuong trinh dien khi hoa nong thon
Thi công lưới điện lên vùng cao. Ảnh VGP Toàn Thắng

Một trong những dấu ấn nổi bật là EVN đã đặc biệt quan tâm tập trung dành nguồn vốn đầu tư hệ thống điện cung cấp cho các huyện đảo, xã đảo nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường và góp phần giữ vững an ninh chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Đến nay, thông qua các chương trình này, EVN đã đầu tư cấp điện lưới quốc gia bằng đường dây trên không và cáp ngầm xuyên biển ra các huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), Lý Sơn (Quảng Ngãi) và các xã đảo Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lại Sơn, Hòn Nghệ, Sơn Hải, Hòn Tre (tỉnh Kiên Giang), Quan Lạn, Minh Châu, Cái Chiên, Bản Sen, Ngọc Vừng, Thắng Lợi (tỉnh Quảng Ninh), xã đảo Thạnh An (TP.HCM).... với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 6.100 tỷ đồng, cấp điện cho hơn 140.000 hộ dân trên các đảo.

Cùng với việc đầu tư xây dựng, phát triển lưới điện khu vực nông thôn, EVN cũng đẩy mạnh công tác tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn từ các Tổ chức quản lý điện địa phương không đủ năng lực quản lý, cung cấp điện trực tiếp tới các hộ dân nông thôn, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện phục vụ phát triển sản xuất, sinh hoạt chất lượng, an toàn, ổn định, mua điện theo giá bán điện do Chính phủ quy định và sử dụng các dịch vụ khách hàng do EVN cung cấp.

Tính đến cuối năm 2017, đã tiếp nhận lưới điện hạ áp nông thôn bán điện trực tiếp của gần 6.000 xã, với hơn 6,2 triệu hộ dân và tiến hành cải tạo lưới điện của các xã sau tiếp nhận với tổng chi phí khoảng 8.000 tỷ đồng.

Song song với việc tiếp nhận quản lý bán điện trên đất liền, EVN đã tiếp nhận quản lý và bán điện tại 11/12 huyện đảo gồm: Vân Đồn, Cô Tô (Quảng Ninh), Cát Hải, Bạch Long Vĩ (Hải Phòng), Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Phú Quý (Bình Thuận), Trường Sa (Khánh Hòa), Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu), Phú Quốc, Kiên Hải (Kiên Giang), bảo đảm cấp điện ổn định, liên tục 24/24h đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện phục vụ cho người dân trên các đảo.

Từ khi tiếp nhận bán điện trực tiếp, EVN đã bù lỗ gần 1.500 tỷ đồng cho các huyện đảo, xã đảo sử dụng nguồn điện Diesel tại chỗ có giá thành sản xuất điện cao hơn rất nhiều so với giá bán điện đến các hộ dân.

“Cú hích” góp phần khởi sắc bộ mặt nông thôn

Theo đánh giá của EVN việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển mở rộng cải tạo, nâng cấp hệ thống điện và quản lý cung cấp điện cho khu vực nông thôn đã góp phần đáng kể thay đổi bộ mặt nông thôn Việt Nam,

Cụ thể, tỷ lệ số xã có điện từ 97,0%, số hộ dân có điện 93,4% năm 2007 đã được nâng lên tương ứng 99,98% số xã và 98,83% số hộ dân nông thôn có điện năm 2017.

Có dịp trực tiếp tham gia nhiều đoàn công tác của EVN đến những vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo chúng tôi cảm nhận rõ hơn hiệu quả của chương trình Điện khí hóa nông thôn mang lại. Có thể nói, cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, chương trình Điện khí hóa nông thôn đã tạo ra sự khởi sắc từng ngày đối với bộ mặt nông thôn, trong đó có nhiều vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên phạm vi cả nước.

dau an chuong trinh dien khi hoa nong thon
Nhọc nhằn đưa điện lưới về các tỉnh miền Tây Nam Bộ. VGP Toàn Thắng

Tại các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười, Long An là một trong những địa phương đạt được kết quả nổi bật trong việc thực hiện Chương trình Điện khí hóa nông thôn. Thực hiện Chương trình này, toàn tỉnh đã xây dựng mới đường dây trung thế dài 2140km, đường dây hạ thế dài trên 1360km. Dung lượng TBA xây dựng mới là 105,126MVA với tổng vốn thực hiện đầu tư trên 493 tỷ đồng.

Anh Nguyễn văn Bê, ấp Sáu Cả, xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa, tỉnh Long An chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ: “Nhờ chương trình điện khí hóa nông thôn của Nhà nước, người dân ấp Cả Sáu, xã Thạnh Phước chúng tôi đã có điện để phục vụ sinh hoạt sản xuất. Đời sống sinh hoạt tốt hơn, mần ăn dễ hơn”.

Tại các tỉnh miền Bắc, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2013 – 2017 thông qua các nguồn vốn khác nhau, Tổng công ty Điện lực miền Bắc (EVNNPC) đã phối hợp với chính quyền 27 tỉnh, thành thuộc địa bàn quản lý của Tổng công ty triển khai hàng chục dự án đầu tư lưới điện nông thôn với tổng số tiền lên tới 6.843 tỷ đồng.

Đến nay, 100% số xã ở miền Bắc với 98,6% số hộ, trong đó có 98,3% số hộ dân nông thôn đã có điện. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 100% số hộ dân nông thôn, vùng sâu, vùng xa được sử dụng điện lưới quốc gia.

dau an chuong trinh dien khi hoa nong thon
Điện về làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Ảnh VGP Toàn Thắng

Đối với đồng bào người Mông bản Núi Hồng, xã Huy Thượng, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La có lẽ Tết nguyên đán Mậu Tuất vừa qua là cái Tết vui nhất từ trước đến nay. Vui là bởi bà con người Mông nơi đây lần đầu tiên được dùng điện lưới quốc gia sau bao năm trời sống trong cảnh “đèn dầu leo lét”. Ánh sáng điện của Đảng, Nhà nước đã giúp người dân nơi đây vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo trên mảnh đất quê hương. Với họ, điện lưới quốc gia về mang theo bao ấp ủ và dự định mới về một tương lai tươi sáng hơn.

Chàng trai người Mông Thào A Dếnh, bản Núi Hồng, sinh năm 1986 phấn khởi cho biết: "Có điện rồi, gia đình sẽ được xem thời sự để biết thông tin xã hội, biết cách làm ăn để cuộc sống khấm khá hơn". Dếnh còn dự định mở 1 cửa hàng tạp hóa để phục vụ bà con trong bản, chứ không phải chờ đợi tới chợ phiên dưới thị trấn.

Với những kết quả đã đạt được, Chương trình Điện khí hóa nông thôn đã, đang và sẽ tạo động lực mạnh mẽ để nông thôn Việt Nam khởi sắc và vươn lên.