Năm 2016 là năm có nhiều sự kiện quan trọng ở tất cả các lĩnh vực chính trị-kinh tế-xã hội: Tổ chức thành công tốt đẹp Đại hội Đảng toàn quốc lần XII, Bầu cử Đại biểu Quốc hội khoá XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021.

Cùng với việc kiện toàn nhân sự cấp cao của Nhà nước, nhiều quyết sách đã được ban hành để quản lý, điều hành và định hướng đưa đất nước vượt qua những khó khăn thách thức để tiếp tục phát triển, mà trước mắt là giai đoạn 5 năm tới.

dau an 2016 liem chinh kien tao va hanh dong 22924
Tọa đàm “Dấu ấn 2016: Liêm chính, Kiến tạo và Hành động”

VOV.VN thực hiện cuộc tọa đàm với chủ đề “Dấu ấn 2016: Liêm chính, Kiến tạo và Hành động” nhằm phần nào nhìn lại bức tranh chính trị-kinh tế-xã hội trong một năm vừa qua và những thách thức, cơ hội của năm mới 2017.

Tham gia cuộc tọa đàm có 3 vị khách mời: ông Vũ Mão - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Lưu Bình Nhưỡng – Uỷ viên Thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, đại biểu Quốc hội khóa XIV tỉnh Bến Tre; bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế.

Chỉnh đốn và đổi mới: Yêu cầu cấp bách

PV: Năm 2016 diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, trong đó sự kiện chính trị nổi bật là Đại hội Đảng XII được tổ chức thành công tốt đẹp. Nghị quyết Đại hội XII đề cập rất nhiều nội dung quan trọng, trong đó tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng là nhiệm vụ then chốt. Thưa ông Vũ Mão, ông nhận định như thế nào khi vấn đề này tiếp tục được nhấn mạnh và chỉ rõ hơn trong tình hình hiện nay?

dau an 2016 liem chinh kien tao va hanh dong 22924
Ông Vũ Mão

Ông Vũ Mão: Tình hình đất nước trong nhiều năm qua bên cạnh những thành tựu đạt được còn rất nhiều tồn tại, đặc biệt là tiêu cực, tham nhũng, khiến lòng dân không yên.

Năm 2016, Đại hội Đảng XII đã có những nhận định, đánh giá xác thực với thực trạng này để có phương hướng khắc phục. Phải nói rằng, Đảng ta đặt vấn đề xây dựng chỉnh đốn Đảng là đúng đắn. Điều 4 Hiến pháp đã nêu rõ nhiệm vụ lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo đất nước, lãnh đạo xã hội. Đảng phải chịu trách nhiệm trước những quyết định của mình, đồng thời chịu sự giám sát của nhân dân.

Tuy nhiên, bên cạnh một lực lượng rất cố gắng, Đảng ta vẫn còn không ít cá nhân, kể cả cán bộ lãnh đạo cấp cao, bị thoái hóa biến chất, làm mất lòng tin của dân. Trong khi đó, bộ máy công quyền vẫn còn quá nhiều tồn tại, đông nhưng chưa hiệu quả. Những vấn đề đó được Đảng đặt ra để có quyết tâm thay đổi đưa đất nước tiến lên.

Năm 2016 là năm Đại hội Đảng lần thứ XII, cũng là năm bầu cử Quốc hội khóa XIV, Đảng đã nhìn rất rõ thực trạng và cũng đã cho thấy quyết tâm thay đổi rất cao. Trong những tháng cuối năm 2016, những thể hiện của Đảng, của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng, đã cho thấy quyết tâm, ý chí thể hiện tinh thần nói đi đôi với làm. Tinh thần đó theo tôi là rất cần thiết.

PV: Thưa ông Lưu Bình Nhưỡng, việc Đảng ta thẳng thắn chỉ rõ những hạn chế, tồn tại và đưa ra các giải pháp cụ thể trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII có ý nghĩa như thế nào?

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Vừa qua Trung ương đang có nhiều nhận định, đánh giá rất dũng cảm. Như vậy, Đảng đã nhận diện một cách đầy đủ, khách quan, trung thực thực trạng xã hội và đặc biệt trong nội bộ Đảng, công khai thừa nhận vấn đề này trước xã hội. Bước đầu chúng ta thấy có sự chuyển biến, nói ra sự thật, khẳng định những vấn đề nguy cơ và tiềm ẩn nguy cơ trong Đảng và trong xã hội. Đảng đã đưa ra “giới hạn đỏ”, có sự cảnh báo cho giới hạn đỏ của các nguy cơ, như ông Vũ Mão đã đề cập ở trên.

Đảng cũng bắt đầu đã chỉ ra những nguyên nhân để từ đó có được những giải pháp đúng đắn. Đánh giá đúng mới đưa ra được giải pháp đúng; bắt đầu xem xét về tư tưởng, hành động để phấn đấu củng cố, xây dựng Đảng trong sạch. Theo như Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, là để củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ.

dau an 2016 liem chinh kien tao va hanh dong 22924

Chương trình mới, tiêu cực cũ thì sẽ khó có chuyển biến

PV: Quốc hội khoá XIV và Chính phủ nhiệm kỳ mới cũng đã cho thấy quyết tâm đổi mới. Nhiều ý kiến nhấn mạnh đây là yêu cầu cấp bách đối với cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Điều này được thể hiện như thế nào trong năm qua?

Ông Vũ Mão: Thời gian qua, Chính phủ mới đã có một số việc làm tốt. Thứ nhất, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, sâu sát cơ sở, làm phấn chấn lòng dân, nhất là với doanh nghiệp.

Thứ hai, đó là ý thức coi trọng pháp luật. Từ trước đến nay, người đứng đầu Chính phủ luôn nhắc tới việc phải hoàn thiện hệ thống pháp luật, đó là nền tảng cho chỉ đạo. Cho nên, việc Thủ tướng đề nghị xem lại các Thông tư, cố gắng bớt các Thông tư, nhập các Thông tư lại để thành Nghị định của Chính phủ. Đó là sáng kiến, tư tưởng tốt.

Chính phủ cũng tha thiết đề nghị Quốc hội phải coi trọng hơn và giúp Chính phủ hoàn thiện hệ thống pháp luật, để có cơ sở điều hành. Theo tôi, nhận thức như thế là tốt.

Đó là những mặt được, còn những mặt chưa được là ở bộ máy của chúng ta, các cơ quan từ trên xuống dưới có nhiều chệch choạc. Cho nên muốn chuyển biến căn bản, chỉ nói và hành động như vừa rồi là chưa đủ. Tôi lo lắng rằng tư tưởng chỉ đạo bớt Thông tư, dồn vào các Nghị định là tốt, nhưng trên thực tiễn, qua theo dõi, việc dồn các Thông tư lại đang bị biến tướng, không cẩn thận sẽ rơi vào nguy cơ “nghị định hóa thông tư”, hợp thức hóa các thông tư. Nếu chủ quan cho rằng các Thông tư đã được gom vào Nghị định, nhưng thực chất Nghị định không có nội dung mới, vẫn gây khó khăn cho dân, cho cơ sở, doanh nghiệp thì đó là vấn đề cần phải được xem xét.

Theo tôi, còn một vấn đề rất lớn nữa ở tầm vĩ mô đó là Chính phủ cần có đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm những gì đã làm được và chưa được trong 10 năm qua, đặc biệt về bộ máy tổ chức.

Về hoạt động của Quốc hội, năm vừa qua cũng có một số nét mới, đặc biệt ở kỳ họp thứ 2. Một không khí trao đổi, tranh luận với các Bộ trưởng rất tích cực và đáng khuyến khích. Đại biểu Quốc hội cũng thấy hài lòng hơn, qua đó cũng cho thấy quyết tâm rất cao của Quốc hội.

Tuy nhiên, theo tôi cũng còn rất nhiều vấn đề Quốc hội phải làm. Nếu Chính phủ cần có sự chuyển động sâu hơn nữa thì Quốc hội cần phải mạnh mẽ hơn nữa.

dau an 2016 liem chinh kien tao va hanh dong 22924

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Sau Đại hội Đảng XII, bầu Thủ tướng và cơ cấu lại Chính phủ, đặc biệt sau kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIV, tôi đặc biệt theo sát các hoạt động của Thủ tướng và Chính phủ vì đó là đối tượng đặc biệt để Quốc hội giám sát, và thấy rằng, sau khi đề ra triết lý hành động, Chính phủ đã có Nghị quyết 35 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến 2020, sau đó Thủ tướng chỉ đạo rất quyết liệt một loạt vấn đề, trong đó có giải quyết một số khó khăn do giai đoạn trước để lại (nợ công, nợ nước ngoài, nợ Chính phủ, cổ phần hóa, kinh doanh thua lỗ…), đó là gánh nặng rất lớn, khó khăn và thách thức lớn đối với Chính phủ mới.

Vấn đề thứ hai, tình trạng xâm mặn ở ĐBSCL, lũ lụt liên tiếp ở miền Trung đã tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng tiền ngân sách, vấn đề an sinh xã hội bị đe dọa.

Trong bối cảnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời giao Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tổ chức Hội nghị để xử lý vấn đề hạn mặn. Theo tôi, đó là những bước chuyển động rất kịp thời, bắt nhịp ngay với cuộc sống của Chính phủ mới.

Ngay sau đó Chính phủ đề ra vấn đề khởi nghiệp: đi theo sát các doanh nghiệp, dự tất cả các diễn đàn trong nước và quốc tế nhằm tăng cường vấn đề khởi nghiệp, khuyến khích người dân tham gia vào một vấn đề lớn và lâu dài của đất nước, nhằm mục tiêu tạo ra một nền tảng tốt.

Trong một thời gian ngắn, Thủ tướng và Chính phủ đã ký một loạt văn bản quan trọng, trong đó có Nghị định thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới gắn với cơ cấu lại nền nông nghiệp Việt Nam… Sắp tới sẽ có các dự án liên vùng.

Gần đây nhất, Thủ tướng vừa vào Bình Định, đi Quảng Ninh… để đôn đốc các địa phương khắc phục khó khăn, thực hiện dự án trọng điểm quốc gia. Tất cả những công việc đó đang bắt đầu tạo ra nền tảng về tinh thần và vật chất.

Tuy nhiên, tôi vẫn muốn nhấn mạnh rằng, song song với các chương trình về kinh tế và an sinh xã hội, phải xử lý một cách triệt để, tận gốc rễ những tồn tại, và phải thể hiện bằng cách sơ kết, tổng kết các công việc trước đây, rà soát đội ngũ cán bộ, nếu không chương trình mới nhưng con người, tư tưởng và cách làm vẫn cũ, tiêu cực cũ thì sẽ không thể có chuyển biến.

Cấp trên quyết tâm cao, cấp dưới vẫn còn chậm đáng kể

PV: Ngay sau khi Chính phủ mới được kiện toàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có tuyên bố được người dân trông đợi và kì vọng là “Xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, Chính phủ hành động, Chính phủ phục vụ, Chính phủ liêm chính”. Nhiều Bộ trưởng cũng thể hiện tinh thần không né tránh trách nhiệm trước Quốc hội – cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.

dau an 2016 liem chinh kien tao va hanh dong 22924
Bà Phạm Chi Lan (phải)

Bà Phạm Chi Lan: Cộng đồng doanh nghiệp cũng như nhân dân đánh giá rất cao tinh thần của Chính phủ, đặc biệt của Thủ tướng, ngay từ khi nhậm chức đã có ý thức rất rõ và có những tuyên bố chắc chắn về việc xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính và Chính phủ hành động, phục vụ - 2 nhân tố mới so với Chính phủ trước. Cùng với những tuyên bố, Thủ tướng đã bắt tay vào việc, thể hiện qua hàng loạt cuộc tiếp xúc của Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp, những người công nhân, với các tầng lớp khác nhau trong xã hội.

Sau đó, Thủ tướng đã đốc thúc để ban hành những văn bản thể hiện quyết tâm của mình, đưa ra những chương trình hành động rõ ràng cho các bộ ngành, địa phương để thực hiện tinh thần kiến tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp Việt Nam.

Chính phủ không chỉ đưa ra chương trình hành động cho một năm như Nghị quyết 19, mà trong Nghị quyết 35, Chính phủ đã đưa ra một chương trình cho 5 năm hành động nhằm mục tiêu xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo, với tinh thần tạo một môi trường kinh doanh mang tính chất khác hẳn trước đây, khẳng định khá rõ vai trò của Nhà nước, của cộng đồng doanh nghiệp và của các tầng lớp khác nhau trong xã hội sẽ làm gì để đưa đất nước phát triển.

Tinh thần đó của Chính phủ được thể hiện rất rõ. Các Phó Thủ tướng cũng đồng hành mạnh mẽ với Thủ tướng trong nhiều hoạt động thời gian qua. Một số Bộ, ngành đã có những chuyển biến nhất định.

Tuy nhiên, nói một cách thẳng thắn, mới chỉ thấy quyết tâm cao từ Thủ tướng và những người cao nhất trong Chính phủ, sự chuyển động ở những cấp dưới vẫn còn chậm đáng kể, vì vậy nhiều chương trình của Chính phủ đưa ra tới nay mới chỉ đạt được một vài bước ban đầu, còn rất nhiều việc phải làm, đáng lẽ năm 2016 phải là năm làm cấp tập, khẩn trương để có thể tạo đà phát triển cho đất nước vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

dau an 2016 liem chinh kien tao va hanh dong 22924
Ông Lưu Bình Nhưỡng

Ông Lưu Bình Nhưỡng: Tôi đồng tình với ý kiến của bà Chi Lan, một nhận định rất khoa học, thực tiễn bởi nó liên quan đến nhận thức. Khi thiết kế một Chính phủ mới, trong 3 nhánh quyền lực Nhà nước, nhánh hành pháp nhận nhiệm vụ rất nặng nề, trực tiếp điều hành vĩ mô và xử lý các vấn đề vi mô.

Đây cũng là nhánh có “va đập” nhiều nhất với nền kinh tế xã hội, tiếp xúc với các loại đối tượng, đặc biệt tất cả các giới, trong đó có giới doanh nghiệp và người lao động; mọi người dân, mọi địa phương, mọi ngành, mọi cấp… Chúng ta nhìn vào đó để nhìn nhận, đánh giá sự chuyển biến của Chính phủ.

Đúng như bà Chi Lan nói, người dân theo dõi rất sát các động thái của Chính phủ, của Thủ tướng. Đã nhiều lần tôi bày tỏ quan điểm của mình đó là Thủ tướng đã cùng đội ngũ tham mưu đưa ra những giải pháp, chính sách khá căn cơ. Ngoài việc cùng Chính phủ đưa ra triết lý hành động rất quan trọng, thì Chính phủ cũng rất quan tâm chăm lo đến đời sống doanh nghiệp.

Thủ tướng từng phát biểu “coi doanh nghiệp là trung tâm của xã hội”. Tôi thấy rất mừng về nhận định này của Thủ tướng, bởi việc chăm lo cho bộ phận phát triển mạnh nhất của xã hội sẽ có ảnh hưởng tích cực đến nhiều lĩnh vực khác: giải quyết việc làm, an sinh xã hội, guồng máy hoạt động có hiệu quả hay không là do doanh nghiệp.

Đặc biệt, phải thấy rằng có sự chuyển động về nhận thức mới dẫn tới sự chuyển đổi về chính sách. Khi Thủ tướng đề nghị với Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật, luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, người ta mới cảm nhận được sự quyết liệt trong chỉ đạo của Thủ tướng và Chính phủ. Xung quanh luật này, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng nó sẽ đụng chạm tới hơn 50 đạo luật khác, có thể dẫn tới sự chồng chéo. Nhưng tôi đánh giá cao đề nghị này của Thủ tướng ở khía cạnh, đã mở ra một sự chuyển hướng cả về lượng và chất để xã hội nhìn nhận lại vấn đề doanh nghiệp và để chúng ta chuyển động, thiết kế một hệ thống doanh nghiệp đủ sức linh hoạt nhằm tạo sinh khí mới cho thị trường Việt Nam.

Tuy nhiên, tôi đồng tình với đánh giá của bà Chi Lan đó là sự chuyển động ở các cấp dưới chưa cao, thậm chí ở một vài nơi vẫn còn tình trạng đè nén doanh nghiệp, có những việc Thủ tướng đã chỉ đạo nhưng vẫn không làm. Đưa ra được một chính sách tốt nhưng “trên bảo dưới không nghe” thì đó chính là nguy cơ chứ không chỉ là tiêu cực./.