dat thoa thuan nafta so bo voi mexico my doa tang thue o to voi canada

Tổng thống Mỹ Donald Trump và phu nhân

Trong một thông cáo báo chí, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ và Mexico vừa chính thức đạt được một thỏa thuận thương mại sơ bộ với thời hạn 16 năm và sẽ được rà soát lại 6 năm một lần. “Thỏa thuận nhằm hiện đại hóa và cân bằng lại mối quan hệ thương mại, phản ánh thực tế của thế kỷ 21”.

Nhà Trắng không đi sâu vào chi tiết của bản thỏa thuận, nhưng nhấn mạnh rằng Hiệp định thương mại Mỹ - Mexico là một “chiến thắng cùng có lợi đối với nông dân, công nhân và doanh nghiệp khu vực Bắc Mỹ”. Thỏa thuận mới này sẽ tạo ra “nhiều giao dịch thương mại song phương hơn, giúp tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều việc làm lương cao cho công nhân Mỹ cũng như bảo vệ tài sản trí tuệ của nước Mỹ.”

Một trong những thay đối lớn nhất của thỏa thuận này tập trung vào cái gọi là “Quy tắc xuất xứ” có liên quan đến ngành công nghiệp ô tô. Phía Mỹ cho biết những thay đổi này sẽ “đem lại hàng tỷ USD mỗi năm cho ngành sản xuất ô tô và phụ tùng ô tô tại Mỹ, tạo ra nhiều việc làm có thu nhập cao.”

Theo một quan chức thương mại Mỹ, thỏa thuận này sẽ yêu cầu tỷ lệ 75% bộ phận ô tô được sản xuất trong khu vực NAFTA, tăng so với mức 62,5% hiện tại.

Yêu cầu này có thể chuyển một số hoạt động sản xuất bộ phận ô tô từ Trung Quốc sang Mexico. Chính quyền ông Trump cho biết, thỏa thuận mới sẽ cải thiện quy định lao động, một phần thông qua việc yêu cầu 40 - 45% bộ phận ô tô do các công nhân thực hiện và kiếm được ít nhất 16 USD/giờ.

Việc đạt được thỏa thuận về hướng sửa đổi NAFTA là một chiến thắng quan trọng cho Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc chiến thương mại mà ông đã phát động với nhiều đối tác thế giới bao gồm Mexico, Canada, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.

Trong một tuyên bố, ông Trump khẳng định: “Cuối cùng nước Mỹ đã bước sang một trang mới trong các thỏa thuận thương mại không công bằng kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua, vốn gây thâm hụt thương mại lớn và làm mất đi nhiều việc làm của nước Mỹ.”

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhất trí với tuyên bố này, nhấn mạnh: “Thỏa thuận sơ bộ giữa Mỹ và Mexico là một thắng lợi đối với các chủ trang trại, các nhà sản xuất và công nhân trong ngành công nghiệp ô tô của Mỹ.”

Trong khi đó, Văn phòng Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto đã phát đi một tuyên bố cho rằng Mexico và Mỹ đã “đạt được sự nhất trí về các vấn đề chính của cả hai nước.” Chính phủ Mexico bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với Canada trong tiến trình đàm phán NAFTA sửa đổi với mục tiêu hoàn tất các cuộc đàm phán ba bên về NAFTA phiên bản mới. Nhà lãnh đạo Mexico cũng để ngỏ khả năng một thỏa thuận thương mại cuối cùng với Mỹ và Canada có thể đạt được trong tuần này.

Việc Mỹ và Mexico đạt được thỏa thuận về Hiệp định Thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) và đổi tên thành Hiệp định Thương mại Mỹ - Mexico đang làm dấy lên quan ngại ở Canada về nguy cơ nước này sẽ bị đẩy vào thế cô lập ngay tại chính sân nhà. Trong thông báo ngày 27/8, Hội đồng Canada cho rằng đây là dấu hiệu khởi đầu cho việc ra đời một thỏa thuận vì "Nước Mỹ trước tiên". Bằng việc đổi tên thỏa thuận đã 24 năm tuổi, Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa sẽ gạt Canada ra khỏi thỏa thuận này, hoặc biến phiên bản NAFTA mới theo hướng có lợi hơn cho Mỹ và Mexico.

Phát biểu trong một cuộc họp báo, Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo sẽ áp thuế đối với ôtô của Canada nếu không đạt một thỏa thuận với nước này: “Tôi nghĩ rằng với Canada, thành thật mà nói, điều đơn giản nhất mà chúng tôi có thể làm là đánh thuế lên xe ô tô của họ. Đó là một số tiền khổng lồ và vấn đề đàm phán rất dễ dàng.”

Trong trường hợp người đứng đầu Nhà Trắng quyết tâm theo đuổi ý kiến này, không ít nhà sản xuất ô tô sẽ bị tổn thất đáng kể. Cụ thể, hãng Fiat Chrysler Automobiles sẽ bị đánh thuế đối với toàn bộ dòng xe Chrysler, trong khi đó hãng Dodge sẽ bị ảnh hưởng đối với các mẫu xe Charger và Challenger được sản xuất tại Ontario, Canada.

Về phần mình, người phát ngôn của Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland thận trọng cho biết nước này được khuyến khích trước sự lạc quan của các đối tác trong NAFTA, tuy nhiên Canada sẽ chỉ ký thỏa thuận NAFTA mới nếu có lợi cho Canada và cho tầng lớp trung lưu của nước này.