Thẩm tra tờ trình của Chính phủ về cơ chế, chính sách phát triển TPHCM, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải tập trung vào vấn đề quản lý tài chính, ngân sách (Điều 5 dự thảo Nghị quyết).

Cụ thể, với đề xuất cho thí điểm xây dựng và thực hiện chính sách thuế tài sản, ông Hải cho rằng, đây là sắc thuế mới, thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định của Hiến pháp. Việc ban hành thuế tài sản hiện đã được định hướng trong kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020.

Vì thế, cơ quan thẩm tra đề nghị Quốc hội quyết định áp dụng thuế tài sản thí điểm trước tiên thực hiện tại TPHCM, trước mắt nghiên cứu tập trung thuế tài sản đối với nhà, đất.

danh thue voi can nha thu 2 thi diem tai tphcm

Nếu được thông qua, thuế đánh vào căn nhà thứ 2 sẽ được áp dụng đầu tiên tại TPHCM

Đối với thí điểm tăng mức thuế hoặc thuế suất cao hơn so với quy định của các sắc thuế hiện hành, UB Tài chính – ngân sách cơ bản nhất trí với tờ trình của Chính phủ, nhưng đề nghị cân nhắc việc cho phép điều chỉnh tăng thuế suất của tất cả sắc thuế (trừ thuế XNK) mà chỉ nên tăng thuế suất ở một số sắc thuế hoặc mở rộng cơ sở thuế đối với một số sản phẩm hàng hóa, dịch vụ xa xỉ, ảnh hưởng đến môi trường, sức khỏe của người dân và có tính đến mức thu nhập của người dân đô thị (thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế tài nguyên nước…).

Chủ nhiệm cơ quan thẩm tra khuyến cáo, cần nghiên cứu thận trọng việc điều chỉnh tăng mức thuế ở một số sắc thuế có tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh và môi trường đầu tư của TPHCM (như thuế GTGT, thuế TNDN, thuế TNCN…).

Ngoài ra, UB Tài chính – ngân sách cũng ghi nhận một số ý kiến đề nghị cần quy định mức trần tăng thuế suất của một số sắc thuế để bảo đảm tính khả thi và sự kiểm soát của Nhà nước.

Về các phí, lệ phí mới chưa có trong danh mục của Luật phí và lệ phí và tăng mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí so với mức thu hiện hành, cơ quan thẩm tra cho rằng, để bảo đảm cơ chế chính sách vượt trội cho thành phố, đề nghị quy định việc phân cấp theo hướng giao thẩm quyền cho HĐND thành phố quyết định thí điểm đối với các khoản phí, lệ phí chưa có trong danh mục kèm theo Luật phí và lệ phí và quyết định điều chỉnh tăng mức hoặc tỷ lệ thu so với mức thu theo quy định hiện hành thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Tài chính...

Chỉ tăng thêm lương trên hiệu quả công việc của công chức

Riêng về số tiền 18.800 tỷ đồng đầu tư cho dự án chống ngập và 2 dự án bệnh tuyến cuối thuộc nguồn vốn do ngân sách Trung ương đảm bảo, đa số ý kiến đề nghị bố trí đủ số tiền này cho thành phố. Tuy nhiên, một số ý kiến không nhất trí bổ sung vốn từ ngân sách trung ương khoản này do áp lực cân đối ngân sách khó khăn, dự báo có thể tiếp tục giảm.

Về đề xuất cho phép HĐND thành phố quyết định mức thu nhập bình quân tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý và mức lương phù hợp với các chuyên gia, nhà khoa học, tài năng đặc biệt trong khả năng, Chủ nhiệm UB Tài chính – Ngân sách Nguyễn Đức Hải cũng tán thành.

Tuy nhiên, để thống nhất và tránh tạo sự bất bình đẳng trong chính sách trả lương, ông Hải đề nghị, đối với công chức, viên chức trong cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chỉ bổ sung mức thu nhập tăng thêm (khoản tăng thêm so với mức lương cơ bản) theo vị trí việc làm và hiệu quả công việc. Thành phố cũng phải quy định nguyên tắc, tiêu chí về mức thu nhập tăng thêm, còn mức lương cơ bản giữ nguyên như chính sách chung của cả nước để vẫn đảm bảo được thu nhập của cán bộ có năng lực và vẫn đảm bảo được sự công bằng trong chính sách lương áp dụng trên cả nước.

Ông Hải cũng đề nghị TPHCM chủ động tổ chức bộ máy, sắp xếp biên chế phù hợp với đặc điểm của Thành phố và tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.