Đại ý, người đứng đầu Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) khen VFF là ví dụ điển hình để các liên đoàn bóng đá thành viên khác của AFC cần học tập.

Quan chức của một CLB tại V-League và chính một uỷ viên Ban chấp hành VFF khi trao đổi với chúng tôi còn bất ngờ về lời khen ấy, của ông chủ tịch AFC.

Lời khen khá giống với cách nhiều đội bóng trước khi đá với các đội tuyển Việt Nam ở sân của chúng ta thường khen nức nở đội chủ nhà, nhưng hỏi kỹ thêm rằng họ có thông tin gì về bóng đá Việt Nam, về giải quốc nội và về nguồn cầu thủ của chúng ta hay không? – Câu trả lời thường là không, hoặc biết rất ít!

dang sau loi khen cua chu tich afc danh cho vff la gi
Chủ tịch AFC Al-Khalifa (thứ 3 từ phải sang) khen VFF nức nở, nhưng ông có thực sự hiểu VFF, hiểu bóng đá Việt Nam hay không lại là chuyện khác

Kỳ thực AFC hay trên nữa là FIFA không tường tận về hoạt động của nhiều liên đoàn bóng đá thành viên. Họ không có đủ nhân sự để theo sát hoạt động của từng liên đoàn, và thực tế của từng nền bóng đá.

Ví dụ như các CLB của Việt Nam về danh nghĩa đều hoạt động theo tiêu chí CLB bóng đá chuyên nghiệp của AFC, nhưng đến lúc tham gia sân chơi thực thụ của Liên đoàn bóng đá châu Á, khi các giám sát do AFC cử sang khảo sát điều kiện cơ sở vật chất trước các trận đấu của AFC Champions League, nhiều CLB trong nước không đáp ứng được.

Điển hình là có năm Than Quảng Ninh phải mượn sân Hàng Đẫy (Hà Nội) làm sân nhà, vì tiêu chí đầu tiên là sân bãi đã không đạt chuẩn, lúc AFC thực sự kiểm tra, bắt buộc các CLB phải đáp ứng.

Những gì mà AFC hay FIFA biết về hoạt động của các liên đoàn cấp quốc gia, chủ yếu thông qua chính báo cáo của các liên đoàn thành viên.

Ví dụ khác là vụ kiện tốn nhiều giấy mực của VFF với cựu HLV đội tuyển Olympic Việt Nam Letard (người Pháp) năm 2002. Ban đầu FIFA xử thắng cho VFF, vì họ chỉ nghe báo cáo từ một phía là VFF, chứ đâu có tường tận nội tình, cũng đâu hiểu hoạt động của VFF hồi đó ra sao? Rắc rối của VFF với HLV Letard ở chỗ nào và như thế nào?

Vị HLV người Pháp sau đó không chịu thua, ông mang hồ sơ vụ kiện lên tận toà án trọng tài thể thao quốc tế CAS. Rốt cuộc, sau khi đối chiếu hồ sơ từ nhiều phía, CAS bác mọi phán quyết trước đó của FIFA, xử thắng cho HLV Letard, và VFF phải đền bù một khoản đáng kể cho vị HLV người Pháp.

Nói thế để thấy không hẳn FIFA hay AFC hiểu hoạt động của VFF ra sao, như người trong nhà, và những người đang hoạt động hàng ngày cùng bóng đá Việt Nam có thể hiểu. Thành ra, lời khen của ông chủ tịch AFC Ebrahim Al Khalifa cũng chưa chắc là một lời nhận xét có giá trị cao.

Phát biểu sau đó của ông chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Á mới đáng quan tâm. Chỉ 1 ngày sau khi khen nức nở VFF, người đứng đầu AFC đề nghị VFF nhận đăng cai nhiều giải đấu tầm châu lục.

Đấy mới là lời đề nghị có thể khiến quốc gia nhận đăng cai các giải mà AFC đưa ra thêm phần gánh nặng về tài chính và cơ sở vật chất. Nhiều giải trong số đó nhiều nước không muốn nhận vì tốn kém và cũng chưa chắc các giải đấu do nhiều quốc gia khác bỏ lại đấy có khả năng kích thích sự phát triển bóng đá ở quốc gia đăng cai.

Vấn đề nằm ở chỗ lời khen dù tới tấp bay đến, nhưng hoạt động thực tế của bóng đá Việt Nam ra sao? Hệ thống các giải quốc nội như thế nào mới là điều đáng bàn?

Kim Điền