Từ định hướng, chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo chung, các đề án, dự án, công trình trọng điểm về phát triển kinh tế - xã hội được mỗi cấp, ngành, địa phương trên địa bàn thành phố cụ thể hóa thành chương trình hành động với kế hoạch, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể theo từng năm, từng giai đoạn. Trong đó, đáng chú ý là những kết quả đáng ghi nhận trong thực hiện Đề án Cải cách hành chính, giai đoạn 2016-2020. Với quan điểm lấy cải cách hành chính là động lực cho sự tăng trưởng, 5 năm qua, thành phố đã dành gần 18 tỷ đồng từ nguồn ngân sách để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, cải cách bộ máy hành chính, cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa nền hành chính. Đến nay, 100% thủ tục hành chính được niêm yết công khai, đã xây dựng dịch vụ công trực tuyến với gần 160 thủ tục hành chính mức độ 3, 4 và triển khai áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn Quốc gia ISO 9001:2015. Thành phố Thái Nguyên luôn nằm trong tốp đầu các địa phương về chỉ số Cải cách hành chính (Par Index) và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (Sipas). Ông Tô Hạ Sỹ, Trưởng phòng Nội vụ thành phố Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã hỗ trợ cán bộ công chức nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin và ngoại ngữ; Tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị cho bộ phận một cửa của thành phố Thái Nguyên cũng như bộ phận một cửa của các xã phường, đặc biệt tuyên truyền về việc thành phố đã xây dựng và triển khai hoạt động dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4".

dang bo thanh pho thai nguyen nhieu dau an trong thuc hien cac de an du an cong trinh trong diem da ps
Cải cách hành chính là động lực cho sự tăng trưởng của thành phố.

Trên lĩnh vực đô thị, trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Thái Nguyên xây dựng và triển khai đồng thời 3 đề án lớn nhằm xây dựng nếp sống văn minh đô thị, gồm: Đề án phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn, Đề án xây dựng tuyến phố văn minh đô thị và Đề án nâng cao năng lực quản lý trật tự xây dựng và mỹ quan đô thị. Qua 5 năm thực hiện, với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, cùng sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị đã tạo bước chuyển biến về nhận thức, ý thức của các tầng lớp nhân dân trong việc chấp hành các quy định về xây dựng, giao thông, mỹ quan đô thị và vệ sinh môi trường, qua đó góp phần tạo diện mạo văn minh, sáng, xanh, sạch, đẹp cho đô thị thành phố, đồng thời hoàn thiện các tiêu chí của đô thị loại 1. Ông Trần Nguyên Quỳ, người dân phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Thái Nguyên chia sẻ cảm nhận về sự đổi thay của thành phố: "Bộ mặt đô thị của thành phố thay đổi rất nhanh, đường ngày trước bị hư hỏng, giờ được nâng cấp. Nhân dân rất phấn khởi và đồng tình ủng hộ".

Để ngày càng khẳng định vị thế đô thị trung tâm vùng, trong nhiệm kỳ 2015-2020, thành phố Thái Nguyên đặc biệt quan tâm tới công tác xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật đô thị, xác định đây là khâu đột phá trong thu hút đầu tư, góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Theo đó, trên tinh thần tăng cường hoạt động đối ngoại, phát huy tối đa mọi nguồn lực, hàng loạt các dự án, công trình, trong đó có 5 dự án, công trình trọng điểm của nhiệm kỳ đã và đang được tập trung xây dựng, như: Dự án Chương trình đô thị Miền núi phía Bắc, thành phố Thái Nguyên, Quảng trường Võ Nguyên Giáp, Dự án Nghĩa trang An Lạc Viên, Dự án Đường Hồ Núi Cốc;… Nhiều hạng mục, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả cụ thể, thiết thực, đem lại sự đổi thay về diện mạo đô thị, nâng cao năng lực quy hoạch, kế hoạch, quản lý đô thị của các địa phương được hưởng lợi; đồng thời nhận được sự đón nhận và đánh giá cao của các tầng lớp nhân dân. Ông Nguyễn Ngọc Yến, Nguyên Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên bày tỏ: "Hoàn thành những dự án này không những mở rộng không gian đô thị, đẹp hơn. Nhân dân cũng kỳ vọng về một thành phố khang trang hơn".

dang bo thanh pho thai nguyen nhieu dau an trong thuc hien cac de an du an cong trinh trong diem da ps
Nhiều hạng mục, công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng đem lại sự đổi thay về diện mạo đô thị thành phố.

Cùng với đó, các đề án như: Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn; Đề án nâng cao năng lực quản lý nhà nước về Tài nguyên – Môi trường; Đề án Phát triển sự nghiệp Văn hóa, Thể thao; Đề án phát triển Giáo dục & Đào tạo; Đề án Giảm nghèo và Đề án phòng chống ma túy tiếp tục được triển khai hiệu quả; qua đó góp phần phát triển kinh tế, đảm bảo án sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Đến nay, sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XVII, Đảng bộ Thành phố Thái Nguyên đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức 10/10 nhóm chỉ tiêu chủ yếu; trong đó nhiều chỉ tiêu mang tính bứt phá. Đây là minh chứng sinh động cho thấy hiệu quả thiết thực từ mỗi đề án, dự án, công trình trọng điểm đã được Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố Thái Nguyên cụ thể hóa từ chủ trương Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII. Đồng chí Phan Mạnh Cường, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Thái Nguyên nhấn mạnh: "Những kết quả mà 11 đề án này mang lại có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của thành phố giai đoạn 2015-2020. Trên cơ sở phân tích, đánh giá, phân loại 11 nhóm đề án, có những nhóm chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và tập trung vào lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện ở nhiệm kỳ 2020-2025".

Thái Nguyên - thành phố tháng Mười, Thái Nguyên - thành phố luôn mang sứ mệnh “đầu tầu” phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh đang ngày càng phát triển. Hiệu quả từ các Đề án, Dự án, công trình trọng điểm được triển khai trong nhiệm kỳ 2015-2020 đã tạo nền tảng vững chắc để Đảng bộ Thành phố tiếp tục có những bước phát triển mạnh mẽ và toàn diện hơn trong giai đoạn tiếp theo.