Biến cánh đồng manh mún thành “mẫu lớn”

Chủ tịch Hội Nông dân (ND) xã Vạn Ninh - Ngô Thanh Long chở tôi bằng xe gắn máy chạy bon bon trên những con đường nội đồng rộng trên 4m, dài tít tắp để thăm vựa lúa rộng hơn 800ha của xã nằm bên phá Hạc Hải. Mùa này lúa bắt đầu chín tới, vàng ươm cả một góc trời. Ông Long cho biết, cách đây chưa lâu, cánh đồng lúa của xã Vạn Ninh cũng manh mún lắm. Trung bình mỗi nhà có tới 5 mảnh ruộng nhưng phân bố khắp nơi. “Còn bây giờ thì anh thấy đó, đồng ruộng đã được dồn điển đổi thửa, quy hoạch lại đâu vào đấy hết rồi. Kênh mương, đường giao thông nội đồng đã lưu thông đến tận chân ruộng. Đặc biệt, bây giờ người ND Vạn Ninh chỉ canh tác trên ruộng… một thửa!” – ông Long nói.

dan xa van ninh lam ruong mot thua
Cơ giới hóa tưới tiêu được đưa vào cánh đồng xã Vạn Ninh. Ảnh: Phan Phương

Theo ông Long, Vạn Ninh là xã thuần nông nhưng cánh đồng của xã trước đây chỉ là một vùng đầm phá mênh mông nước. Hàng năm người ND Vạn Ninh chỉ làm được một vụ “lúa cao cây”, còn lại đành phải bỏ hoang vì nhiễm mặn. Vốn là những người ND cần cù, thông minh sinh ra trên quê hương của Thượng đẳng thần hầu Nguyễn Hữu Cảnh (vị tướng tiên phong có công mở cõi đất Phương Nam), người dân Vạn Ninh đã không cam chịu đói nghèo, quyết tâm khai hoang mở rộng đất sản xuất…

Suốt một thời gian dài, những người ND Vạn Ninh đã dốc tiền, dốc sức ngày đêm đắp đê ngăn mặn, cải tạo ruộng đồng. Ruộng đồng không phụ nông phu, từ những đầm phá nhiễm mặn mênh mông nước ở vùng phá Hạc Hải, những con đê ngăn mặn dần dần hình thành, tạo nên những thửa ruộng phì nhiêu cho người ND canh tác. Thế nhưng những ngày đó, do mạnh ai nấy làm, sức người có hạn nên cánh đồng lúa Vạn Ninh cũng chỉ là những mảnh ruộng manh mún, nhỏ lẻ. Những năm gần đây, chính quyền xã Vạn Ninh đã chủ trương và ủng hộ người dân Vạn Ninh thực hiện đổi ruộng cho nhau, dồn điền đổi thửa, quy hoạch lại, tạo nên một “cánh đồng mẫu lớn” với phương châm một hộ dân chỉ canh tác trên một thửa ruộng.

“Thực tế đã chứng minh, chủ trương trên của chính quyền xã và người dân là đúng đắn. Khi ruộng đồng được quy hoạch, giao thông nội đồng được đầu tư, ND chỉ làm ruộng một thửa… không chỉ thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất mà nhiều ND đã đầu tư phát triển mô hình trang trại sản xuất tổng hợp lúa - cá - vịt - lợn… Từ đó đã đưa giá trị đồng lúa của Vạn Ninh lên trên 100 triệu đồng/ha” – ông Long chia sẻ.

“Vua lúa” ở Vạn Ninh

Xưa nay, nói đến “vua lúa” mọi người thường nghĩ ngay đến những điền chủ ở vựa lúa đồng bằng sông Cửu Long. Nhưng ít ai ngờ ở mảnh đất Vạn Ninh cũng có những nông dân xứng tầm “vua lúa”, bởi mỗi vụ họ thu hoạch từ 30 đến 80 tấn lúa.

dan xa van ninh lam ruong mot thua
Cánh đồng lúa xã Vạn Ninh được quy hoạch mỗi hộ một thửa với hệ thống canh mương, giao thông nội đồng chỉnh chu. Ảnh: Phan Phương

“Vua lúa" nổi tiếng nhất ở xã Vạn Ninh là ông Trần Văn Hỷ. Ông Hỷ hiện có 27ha ruộng, mỗi vụ thu hoạch gần 80 tấn lúa. Ông Hỷ vốn là một người chăn vịt đàn. Trầy trật với đàn vịt khó tính, ông Hỷ đã nảy sinh ý định ra vùng phá Hạc Hải ngăn đê làm lúa. Ban đầu, ý định của ông được nhiều người thân cho là... điên, bởi vùng đất này lúc đó chỉ là một vùng đầm phá rộng lớn chỉ mọc toàn cây đay, cây lác và đặc biệt là nhiễm mặn. Nhưng rồi những ngày theo đàn vịt ngụp lặn trong bùn đất nhiễm mặn, ý định đó lớn dần, đến một ngày ông Hỷ huy động vợ con cùng vốn liếng tung ra vùng phá để khai hoang lập ruộng. Ông Hỷ kể: Lúc đó, việc đắp đê chỉ tiến hành bằng sức người và hoàn toàn thủ công. Ngày đó ngoài việc ngày đêm ngụp lặn để đắp đê, ông Hủy còn phải thuê nhân công và trả cho họ 50.000 đồng mỗi mét dài. Với chiều dài tuyến đê lên đến hàng ngàn mét, tính ra số tiền mà ông Hỷ phải chi ban đầu để có được 27ha ruộng như bây giờ phải lên đến 300 triệu đồng, một số tiền khổng lồ lúc bây giờ… Ngoài ra hàng năm, ông Hỷ còn phải chi một số tiền không nhỏ để gia cố đê, nâng cao trình lên mức có thể chống được lũ tiểu mãn, lũ sớm đầu vụ. Nhưng với ông Hỷ, đây là chuyện cũ của nhiều năm về trước.

Bây giờ, thửa ruộng 27ha của ông đã vững chãi với những bờ đê cũng là đường giao thông nội đồng bao quanh mà xe cơ giới có thể ra tới chân ruộng. Ở dưới ruộng lúa, ông Hỷ còn quy hoạch những mương nước dọc theo chân ruộng để nuôi cá và thả vịt. Ông Hỷ cho biết, những năm gần đây, 27ha lúa của ông đều đặn mỗi vụ cho 70 đến 80 tấn lúa. Ngoài ra với mô hình kết hợp nuôi cá, vịt, lợn, mỗi năm gia đình ông có nguồn thu nhập từ 600- 700 triệu đồng…

Cách “cánh đồng” của gia đình ông Hỷ không xa là thửa ruộng rộng 11ha của anh Trần Văn Hoan - một “vua lúa” khác của xã Vạn Ninh. Anh Hoan kể, khi lập gia đình, cũng như bao người ND khác ở xã Vạn Ninh, anh được chia 1 mẫu ruộng nhưng manh mún ở nhiều vùng khác nhau. Làm lụng vất vả, mỗi năm cũng chỉ thu được vài ba tấn lúa, không đủ lo cho gia đình 5 miệng ăn. Không cam chịu cảnh nghèo, vợ chồng anh quyết định theo chân những người nông dân khác như ông Hỷ ra vùng đầm phá Hạc Hải bỏ tiền của, công sức đắp đê, khai hoang để có số diện tích 11ha ruộng này. Sau nhiều năm đổ công sức, tiền của, vợ chồng anh Hoan đã quy hoạch thành hệ thống đê bao, kênh mương để thực hiện mô hình lúa, cá, vịt.

Anh Hoan dựng trại kiên cố và ở ngay trên bờ đê. Phần ruộng, anh Hoan làm một vụ lúa, rồi thả thêm các loại cá đồng như cá chép, mè, rô, lóc, thát lát và một phần đê được quây lại để nuôi vịt đẻ, vịt thịt. Mỗi năm anh Hoan không chỉ thu hơn 30 tấn lúa mà còn thu hơn 200 triệu đồng từ tiền bán cá, vịt, trứng…

Ông Ngô Thanh Long -Chủ tịch Hội ND xã Vạn Ninh cho biết, hiện ở xã Vạn Ninh không chỉ có những “vua lúa” như ông Hỷ, anh Hoan mà hàng trăm hộ gia đình khác cũng đã có nguồn thu nhập trên 100 triệu đồng nhờ được làm ruộng một thửa và thực hiện mô hình lúa, cá, vịt.

Ông Ngô Văn Hoan - ND đang chăn đàn vịt hơn 2.000 con bên thửa ruộng của mình hồ hởi nói: “Cũng chừng ấy diện tích ruộng nhưng trước đây mỗi nhà có 5 -7 mảnh phân bố khắp nơi từ đồng trên đến ruộng dưới. Thành thử vào mùa cứ chạy như vịt trên đồng mà việc cứ như buộc chặt vào lưng, không dứt ra được. Còn bây giờ, ruộng đã được dồn lại hết một ô, một thửa không chỉ thuận tiện cho cơ giới hóa sản xuất, giải phóng sức lao động mà còn giúp chúng tôi có điều kiện đầu tư phát triển theo mô hình trang trại, thu nhập của nông dân nhờ vậy mà tăng lên…”.