Sau cơn bão “vàng đen” quét qua

Chạy dọc con đường QL 14 theo hướng huyện Chư Pưh, chúng tôi đã thấy được cảnh hoang tàn khi cơn bão “vàng đen” quét qua. Nhiều diện tích tiêu chết được bà con dọn sạch để chuẩn bị trồng những cây ngắn ngày khác. Nhưng cũng rất nhiều hét-ta người dân chẳng buồn dọn, trơ lại hàng chục ngàn trụ tiêu chết khô trên trụ.

Đến ngay thị trấn Nhơn Hòa (huyện Chư Pưh) chúng tôi đã được nghe người dân trò chuyện, những năm trước đây dân Chư Pưh giàu lắm người người sắm xe ô tô, xây nhà tiền tỷ vì bán được tiêu giá cao…Nhưng khi cơn lốc “vàng đen” quét qua thì cảnh hoang tàn bao trùm cả huyện.

dan lao dao vi vo mong vang den
Dân nhổ trụ tiêu bán để đóng lãi ngân hàng

Về với gia đình bà Lê Thị Vui (sn 1957, Thị trấn Nhơn Hòa), một trong những gia đình sở hữu hơn 20.000 trụ tiêu. Những năm trước, bà Vui luôn được xếp vào diện nông dân sản xuất giỏi. Khi ấy, trong tay bà Vui sở hữu 2 căn nhà đắt tiền, các con cái đều có ô tô xịn để đi lại…Nhưng giờ đây, dù đã bước vào cái tuổi 60 nhưng bà Vui vẫn hàng ngày cặm cụi đi bán từng bó rau trong vườn để mưu sinh qua ngày.

Tâm sự với chúng tôi bà Vui nhớ lại: “Những năm trước, trồng tiêu dễ như trồng dây khoai lang. Thấy tiêu cứ tăng giá hàng ngày nên tôi cứ lấy tiền lợi nhuận thu được của năm trước và vay thêm ngân hàng để tập trung đầu tư để xây dựng hơn 20.000 gốc tiêu….”

“Nhưng gần 2 năm nay, vườn tiêu bệnh chết dần dần, thấy vậy tôi đã chạy đi vay tiền để đổ vào đấy nhưng tiêu vẫn chết. Đến khi số nợ lên 4 tỷ đồng thì cũng là lúc 20.000 trụ tiêu chết sạch. Giờ đây, hàng tháng tôi phải gồng số lãi hơn 30 triệu đồng trong khi cả gia đình chẳng có bất cứ nguồn thu nào khác. Để trả tiền lãi, tôi đã phải nhổ 12.000 trụ tiêu bằng gỗ lên bán với giá 80.000 đồng/trụ. Đau đớn lắm, lúc mua là gần 300.000 đồng/trụ, giờ bán tháo không bằng 1/3 số vốn, nhưng cũng phải bán chứ biết lấy tiền đâu mà trả lãi ngân hàng”, bà Vui bộc bạch.

dan lao dao vi vo mong vang den
Nông dân khóc ròng vì cây hồ tiêu giảm giá

Cùng thông gia với bà Vui thì bà Hồ Thị Sinh (sn 1942) cũng là một ‘đại gia’ ở thị trấn Nhơn Hòa nhờ hồ tiêu. Bà Sinh chia sẻ, sau khi dựng vợ gả chồng và chia đều vườn tiêu cho các con, bà vẫn còn giữ được 2ha đất với gần 3.800 trụ tiêu để dưỡng già.

Ba năm nay, vườn tiêu bị bệnh, bà Sinh cũng đã đổ vào đó không biết bao nhiêu tiền thuốc nhưng vẫn không hiệu quả. Trong cơn túng quẫn, bà Sinh đã cầm cố nhà đất vay ngân hàng 900 triệu đồng để chữa bệnh cho vườn tiêu nhưng kết quả là 3.800 trụ chết sạch. Đến hạn đóng lãi, không có nguồn nào khác, bà Sinh buộc phải nhổ 3.800 trụ gỗ lên bán được 220 triệu đồng. Nhưng số tiền trên chỉ “gồng” tạm tiền lãi được một thời gian, giờ sắp đến kỳ nữa rồi mà biết xoay đâu ra.

Tha phương vì…tiêu

Tiếp hành trình, chúng tôi rẽ vào xã Ia Blứ, giờ đây ai cũng xót xa khi chứng kiến nhiều vườn tiêu hai bên đường chết khô, xơ xác. Nhiều ngôi nhà khang trang trong xã đã phải cửa đóng vì chủ nhân của nó đi mưu sinh nơi khác vì nợ nần. Những người còn ở lại thì cũng canh cánh với những khoản vay ngân hàng sắp đáo hạn.

Cụ thể như gia đình bà Nguyễn Thị Vân (thôn Thiên An, xã Ia Blứ) có trong tay hơn 4.000 trụ tiêu, xây được ngôi nhà trị giá hơn 1,7 tỷ đồng. Thế nhưng, nhà vừa xây xong cũng là lúc vườn tiêu đồng loạt trụi lá, chết cả vườn. “Dự tính mùa vụ năm nay tôi sẽ trả hết nợ hơn 500 triệu đồng dùng để xây nhà. Nhưng tiêu chết không biết lấy nguồn nào mà xoay đây".

dan lao dao vi vo mong vang den
Nhiều gia đình treo biển bán nhà để trả ngân hàng nhưng chẳng ai mua, nhiều người phải bỏ xứ ra đi

Làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Long Khánh - Phó Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Chư Pưh cho biết, toàn huyện có hơn 2.800 ha đất trồng hồ tiêu. Từ năm 2014 đến nay, có hơn 300 ha tiêu ở các xã Ia Blứ, Ia Hla, thị trấn Nhơn Hòa, xã Ia Hrú… bị chết hoàn toàn. Nguyên nhân cũng xuất phát từ nhiều phía như đợt hạn hán và sâu bệnh…Chính vì vậy, người dân trắng tay lao vào cảnh nợ nần chồng chất.

dan lao dao vi vo mong vang den
Cảnh hoang tàn khi cơn bão “vàng đen” quét qua

Theo ông Khánh, việc trồng tiêu huyện không có khuyến khích mà bà con thấy giá cao nên tự phát trồng. Cụ thể, để trồng 1.000 trụ tiêu, phải đầu tư hơn 1 tỷ đồng bao gồm cả tiền mua đất, đó là suôn sẻ, chứ tiêu bệnh thì còn tốn kém hơn nhiều.

Để giải quyết khó khăn, huyện đã nhiều lần đề xuất UBND tỉnh có chủ trương giúp nông dân vượt qua thời điểm khó khăn này. Bên cạnh đó, Phòng cũng đã tham mưu huyện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến các loại nông sản khác để tạo đầu ra ổn định, tránh cho nền kinh tế của huyện phụ thuộc mạnh vào cây hồ tiêu.