Ngày 25/5 tại thủ đô Vienna của Áo, các quan chức ngoại giao của Anh, Pháp, Nga, Đức, Trung Quốc và Iran đã đồng ý tiếp tục tổ chức các cuộc đàm phán trong thời gian tới để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân Iran, sau khi Mỹ đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận quan trọng này hai tuần trước đó.

Phát biểu với báo chí sau cuộc họp, Thứ trưởng ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết các bên tham gia đều có chung quan điểm muốn bảo toàn thỏa thuận sau quyết định rút trước đó của Mỹ.

dam phan cuu van thoa thuan hat nhan iran chua nga ngu
Tổng thống Mỹ Donald Trump quyết rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Iran. Ảnh: Getty Images

Chúng tôi có cảm nhận rằng các bên ký thỏa thuận còn lại bao gồm các nước châu Âu, Nga và Trung Quốc rất nghiêm túc, họ đều cho rằng sự sống còn của thỏa thuận phụ thuộc vào sự tôn trọng và sự đáp ứng đối với lợi ích của Iran, vì vậy họ đều có chung quan điểm ủng hộ thỏa thuận này.

Tuy nhiên, trước những tác động xấu của lệnh trừng phạt mà Mỹ vừa áp đặt, phía Iran muốn có sự đảm bảo từ phía các bên ký thỏa thuận còn lại nhằm duy trì lợi ích kinh tế của nước này, trong đó có việc xuất khẩu dầu của Iran, cam kết tín dụng ngân hàng và đầu tư nước ngoài vào nước này.

Đại giáo chủ Iran Ali Khamenei cảnh báo nếu các điều kiện mà nước này đưa ra không được đảm bảo, Tehran sẽ tái khởi động chương trình làm giàu uranium ở mức độ công nghiệp.

Theo ông Abbas Araghchi, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán ở cấp chuyên viên hoặc cấp khác để đề xuất và đảm bảo một gói các giải pháp kinh tế thực tiễn có lợi cho Iran, và Iran hy vọng gói giải pháp đó sẽ được đưa ra vào cuối tháng này.

Trong khi đó, một quan chức giấu tên của Liên minh châu Âu nói rằng, EU cần thận trọng trước điều kiện của Iran đưa ra, bởi EU cũng đang phải tìm cách đàm phán giải quyết các tranh chấp thương mại với Mỹ, đối tác thương mại lớn nhất của khối, trong khi Iran đứng thứ 66 trong số các đối tác thương mại của EU.

Vì vậy, theo vị quan chức này, EU có thể sẽ không đưa ra đảm bảo nào, nhưng có thể tạo điều kiện cần thiết có lợi cho Iran, đồng thời bảo vệ lợi ích của EU cũng như đảm bảo việc làm ăn hợp pháp với Iran.

Còn nhà ngoại giao Nga Mikhail Ulyanov tỏ ra lạc quan khi cho rằng cơ hội thành công sẽ đến khi tất cả các bên đều có ý chí chính trị. Theo ông, thỏa thuận hạt nhân Iran là một tài sản quốc tế nên nó thuộc về cộng đồng quốc tế chứ không phải của riêng nước Mỹ. Ông cũng cho biết thêm khả năng đưa vấn đề này quay trở lại bàn nghị sự của Liên hợp quốc đã không được bàn tới tại cuộc gặp ngày 25/5.

Một ngày trước khi cuộc gặp này diễn ra, Tổ chức năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã ra một báo cáo cho thấy Iran vẫn đang tuân thủ các cam kết của thỏa thuận để đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, tổ chức này cũng gợi ý Iran tiếp tục có nhiều nỗ lực hơn nữa để tăng niềm tin đối với cộng đồng quốc tế./.)