Đại tướng Lê Đức Anh, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là vị tướng dạn dày trận mạc. 99 tuổi đời, gần 80 năm tuổi Đảng, cuộc đời binh nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh trải dài suốt các cuộc kháng chiến của dân tộc trong thế kỷ 20, từ chống Pháp, chống Mỹ, đến chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trên biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc… Ông được người dân Nam bộ yêu mến gọi bằng cái tên Sáu Nam thân mật.

Ông Nguyễn Văn Tiêu, nguyên chiến sỹ quân báo Miền (còn gọi là R), năm nay 79 tuổi nhớ lại: vào khoảng năm 1965, khi ấy ông là chiến sỹ thông tin của Sư đoàn 9 đã được gặp vị chỉ huy Lê Đức Anh, Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam trong một đợt hành quân tại địa bàn huyện Bù Đốp, tỉnh Phước Long (cũ), nay là tỉnh Bình Phước.

dai tuong le duc anh trong long quan dan nam bo
Ông Nguyễn Văn Tiêu, nguyên chiến sỹ Sư đoàn 9

Ông Tiêu ấn tượng về một vị chỉ huy có giọng nói trầm ấm, truyền cảm và phong cách rất gần gũi, chân tình với chiến sĩ. Thời gian này, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Phó Tư lệnh kiêm Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Miền Nam Lê Đức Anh, đơn vị ông tham gia đánh các trận như: Bình Giã, Đồng Xoài, Bù Đốp… Anh em cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn 9 cũng như các đơn vị khác trên mặt trận đều rất tin tưởng và thực hiện tuyệt đối mệnh lệnh của Bộ chỉ huy Miền.

Trung úy quân báo Nguyễn Văn Tiêu hồi tưởng: "Thời ấy bộ đội ta khá vất vả, anh em ai cũng ốm nhom do phải hành quân nhiều, nhưng tình cảm giữa chỉ huy và bộ đội, giữa chiến sỹ và sỹ quan rất keo sơn, gắn bó. Tôi biết Đại tướng Lê Đức Anh là một vị tướng tài. Ông ấy là người chỉ huy rất cương quyết. Đánh và giữ từng tấc đất ở miền Tây là Đại tướng. Tính cách cương quyết của một thủ trưởng như Đại tướng là biểu hiện một tinh thần chiến đấu kiên cường. Đại tướng đã hạ lệnh là đánh liền. Chính ý chí của người lãnh đạo rất kiên cường ấy mà những người lính chúng tôi rất khâm phục”.

Đại tá Cao Văn Quý, năm nay 74 tuổi thì nhớ nhất những kỷ niệm về Đại tướng Lê Đức Anh khi ông là Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia - hay còn gọi là Tư lệnh Mặt trận Bốn Bẩy Chín (479).

Vào khoảng giữa năm 1979, ông Quý là Tham mưu phó Trung đoàn 177, Quân khu 7, chiến đấu trên đất bạn nhằm đánh đuổi chế độ diệt chủng Pon Pot – Ieng Sary. Là người chỉ huy cao nhất của Mặt trận 479 trên đất bạn Campuchia, nhưng ông Cao Văn Quý nhận thấy ở vị Tư lệnh ấy một phong cách chỉ huy rất sát sao thực tế. Tư lệnh Lê Đức Anh điều nghiên cứu rất kỹ những thông tin trinh sát, thông tin tình báo trên chiến trường. Tư lệnh triển khai các phương án tác chiến rất cụ thể, truyền đạt mệnh lệnh đến các cấp chỉ huy rất rõ ràng... nên đó là động lực để Trung đoàn 177 hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Đại tá Cao Văn Quý, nguyên Trưởng phòng Đặc công, Quân khu 7 và nhiều anh em cựu chiến binh còn rất nhớ những tình cảm mà vị chỉ huy trên chiến trường dành cho chiến sỹ của mình cũng như nhân dân nơi đóng quân.

dai tuong le duc anh trong long quan dan nam bo
Ông Cao Văn Quý, nguyên Trưởng phòng Quân báo Quân khu 7

“Đại tướng Lê Đức Anh đã dành nhiều tình cảm đối với anh em binh lính. Anh em rất thương mến Đại tướng. Đại tướng đối với nhân dân cũng rất tốt, trong đó có dân Campuchia, Đại tướng cũng coi như dân của mình. Đại tướng gắn bó với nhân dân, xây dựng chính quyền địa phương nhiều hơn. Đại tướng chỉ đạo rất sát sao, phong cách chỉ đạo, lãnh đạo, chỉ huy, rồi công tác quần chúng… của Đại tướng Lê Đức Anh được thực hiện rất chu đáo, rất tốt”- Đại tá Cao Văn Quý nói.

Đại úy Nguyễn Trọng Hưng, nguyên chiến sỹ Sư đoàn 302, Quân khu 7 cũng từng chiến đấu tại Mặt trận 479, hiện ông là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Phường 3, quận Bình Thạnh, TPHCM. Mặc dù chưa từng được gặp mặt vị tướng của mình, nhưng qua những câu chuyện của đồng đội, của các chỉ huy khác, ông bộc bạch: “Theo tôi được biết, mỗi khi đi chiến dịch, Đại tướng đều xuống tận nơi kiểm tra tận nơi trước khi vào các trận đánh. Đại tướng cũng thăm hỏi cán bộ, chiến sỹ để có những quyết định thao lược chắc thắng. Đại tướng khi giải phóng đất nước xong được điều lên làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, rồi làm Chủ tịch nước thì điều đó cũng thể hiện sự tin tưởng của Đảng, của nhân dân đối với Đại tướng”.

Những cựu chiến binh từng chiến đấu dưới sự chỉ huy của Đại tướng Lê Đức Anh mà chúng tôi gặp đều khẳng định, ông là vị tướng tài, thận trọng, khi đã hội đủ điều kiện thì quyết đánh và quyết thắng. Không chỉ là vị tướng tài nơi trận mạc, Đại tướng Lê Đức Anh còn là người nhân hậu, luôn quan tâm chăm lo cho anh em cán bộ, chiến sỹ cũng như nhân dân; luôn quan tâm bồi dưỡng, giáo dục thế hệ trẻ trong quân đội./.