Ngày 7/11 tới đây, nước Nga, Việt Nam và nhiều dân tộc khác trên trên thế giới sẽ long trọng tổ chức kỉ niệm 100 năm ngày Cách mạng Tháng Mười Nga, một trong những sự kiện vĩ đại nhất của thế kỷ 20, đánh dấu một mốc mới trong lịch sử phát triển của nhân loại.

Nhân dịp sự kiện này, phóng viên VOV đã phỏng vấn Đại sứ Nga tại Việt Nam Constantin Vnucop về ý nghĩa và tác động của Cách mạng Tháng Mười đối với nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam cũng như mối quan hệ Việt Nam- Liên bang Nga trong thời đại mới.

dai su chlb nga viet nam la mot trong nhung doi tac tin cay nhat cua nga
Đại sứ Constantin Vnucop trả lời phỏng vấn phóng viên VOV

PV: Thưa Đại sứ, Cách mạng Tháng Mười Nga đã mở ra một bước ngoặt căn bản trong lịch sử loài người, mở ra một thời đại mới từ thế giới tư bản chủ nghĩa sang thế giới xã hội chủ nghĩa. Đại sứ có thể đánh giá chung về ý nghĩa của Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917?

Đại sứ Constantin Vnucop: Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại rõ ràng là một sự kiện quan trọng bậc nhất trong lịch sử nước Nga cũng như thế giới. Trên thực tế đã ấn định trước sự phát triển của nó trong suốt thế kỉ 20 và cũng có thể cho các thế kỉ sau đó. Đó là một chứng cứ không thể tranh cãi mà tôi cảm nhận được và đã được công nhận bởi đại diện của toàn bộ các thế lực chính trị và các trào lưu tư tưởng cả ở Nga và các nước khác.

Những sự kiện năm 1917 đã thay đổi một cách căn bản cả đất nước chúng tôi và toàn bộ thế giới. Sự xuất hiện của Liên Xô - đó là kết quả trực tiếp của cuộc cách mạng năm 1917, xóa bỏ đế chế Nga và thành lập nên một đất nước mới Xô viết. Sự kiện có ý nghĩa lịch sử quốc tế to lớn này đã cho phép một số nhà sử học gọi thế kỉ 20 là thế kỉ Xô viết, bởi vì chính Liên Xô bằng sự tồn tại của mình đã xác định được hướng phát triển của toàn thể loài người.

Cũng đáng để nhắc lại cả sự đóng góp mang tính quyết định của Liên Xô vào việc đập tan các thế lực của cái ác trong thế chiến thứ 2 và công cuộc chinh phục vũ trụ, hình thành phương Tây đương đại có tính thị trường dân chủ- tự do, là kết quả của sự thi đua giữa hai hệ thống tư bản và xã hội chủ nghĩa.

Chính bởi vậy sự quan tâm đặc biệt của công luận Nga và thế giới đến chủ đề này là hoàn toàn dể hiểu và rõ nét. Di sản của thời đại Xô viết có ảnh hưởng to lớn đến tình hình chính trị-xã hội và kinh tế xã hội tại Nga. Được tạo ra bởi cuộc cách mạng Tháng Mười, Liên Xô đã hoàn thành hàng loạt những nhiệm vụ tổng thể quốc gia quan trọng bậc nhất của Nga, xây dựng nên cơ sở nền tảng cho sự phát triển của Nga trong tương lai.

Chúng ta mang ơn cách mạng Tháng Mười về những thành tựu xã hội mà hiện nay các công dân của đất nước chúng tôi và các nước khác trên thế giới đang được hưởng.

PV: Đại sứ đánh giá thế nào về tác động của cuộc cách mạng Tháng Mười Nga đối với Việt Nam, cũng như sự giúp đỡ chân thành, quí báu của nhân dân Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay đối với Việt Nam?

Đại sứ Constantin Vnucop: Theo quan điểm của tôi, điều quan trọng là cuộc cách mạng đã diễn ra ở Nga làm gia tăng quyết tâm của các dân tộc khác thực hiện những cuộc cải cách, đấu tranh giành tự do từ sự phụ thuộc mang tính thuộc địa và các quyền xã hội. Điều đặc biệt là tư tưởng này đã được thể hiện với ví dụ tại Việt Nam. Bởi vì các tiến trình đã diễn ra tại đất nước chúng tôi trước và sau cách mạng Tháng Mười phần nhiều đã trở thành chất xúc tác cho một hiện tượng mà Lenin trong các tác phẩm của mình gọi là “sự thức tỉnh châu Á”.

Tôi nghĩ rằng có thể không quá phóng đại khi nói rằng chính sự kiện của năm 1917 đã mở ra con đường đến chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì tự do và độc lập.

Ngay sau đó trong thời kì chiến tranh, Liên Xô luôn sát cánh và hỗ trợ nhân dân Việt Nam trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Sau chiến tranh, hàng nghìn chuyên gia Liên Xô đã sang Việt Nam tích cực làm việc, góp phần quan trọng vào quá trình phát triển kinh tế tại Việt Nam.

Tôi muốn nói rằng sự phát triển của các mối quan hệ với Việt Nam là một trong những ưu tiên của Liên bang Nga tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nước Nga đương đại trong quyết tâm đem lại một xung lực tươi mới cho hướng đi phía Đông trong đường lối đối ngoại của mình, coi Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy nhất trong số các nước ASEAN và toàn bộ khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Xu hướng này đã được ghi nhận một cách vững chắc trong học thuyết đối ngoại của chúng tôi đã được phản ảnh qua hàng loạt các văn bản cơ sở của Nga, bao gồm cả học thuyết về chính sách đối ngoại của Liên bang Nga, đã được Tổng thống Liên bang Nga Putin phê duyệt vào cuối tháng 11 năm ngoái.

Quan điểm như thế này không có tính chất cục diện tình thế. Nó hoàn toàn phù hợp với các lợi ích dân tộc cơ bản của Nga và Việt Nam, đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân hai nước chúng ta. Chính điều này đã cho phép chúng ta sau những thay đổi có tính qui mô trong nền chính trị thế giới sau khi Liên Xô tan rã và những cải cách nội tại sâu rộng, đảm bảo được tình chất thừa kế cần thiết cho việc tăng cường mối quan hệ Nga-Việt mà sau năm 2012 đã có qui chế quan hệ đối tác chiến lược toàn diện.

PV: Thưa Đại sứ, với mối quan hệ hợp tác hữu nghị truyền thống tốt đẹp, xin Đại sứ đánh giá chung về mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên bang Nga trong giai đoạn hiện nay?

Đại sứ Constantin Vnucop: Những hướng đi quan trọng bậc nhất trong sự phối hợp hành động giữa hai nước là thương mại và đầu tư, hợp tác quân sự và kĩ thuật quân sự, khoa học và giáo dục, văn hóa, du lịch, giao lưu giữa người dân hai nước.

Điều vô cùng quan trọng là các vị lãnh đạo hai quốc gia chúng ta đang duy trì sự đối thoại thường xuyên. Chuyến thăm chính thức đến Nga của Chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang là rất hiệu quả. Tổng thống Nga Putin sẽ thăm Việt Nam để tham gia Hội nghị thượng đỉnh APEC.

Tôi có thể nói rằng chủ đề chính cho hai bên hiện nay là sự phát triển hợp tác kinh tế thương mại, mà giờ đây mặc dù đang trên đà phát triển nhưng tạm thời chưa phù hợp với những mong đợi và tiềm năng của hai nước. Liên quan đến việc này, cả Nga và Việt Nam đều dành một ý nghĩa to lớn cho việc thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh kinh tế Á-Âu và Việt Nam. Hiệp định này đã bắt đầu có hiệu lực đúng 1 năm trước đây và đã cho những kết quả khả quan đầu tiên dưới hình thức tăng trưởng khối lượng hoạt động thương mại và đầu tư tương hỗ.

Để kết thúc bài phỏng vấn này, tôi muốn nhấn mạnh một điều rằng: Giữa Nga và Việt Nam đã hình thành mối quan hệ tin cậy, hữu nghị truyền thống, được thử nghiệm bằng thời gian và vô vàn những khó khăn gian khổ. Chương trình nghị sự của chúng ta không bị quá tải bởi những tác nhân kích thích chính trị nào đó. Liên Xô sau đó là nước Nga đã dành cho Việt Nam sự giúp đỡ căn bản trong những năm tháng đấu tranh vì độc lập và khôi phục kinh tế sau đó. Di sản lịch sử vô giá này cần phải được bảo tồn và phát triển và điều quan trọng đó là truyền di sản đó cho thế hệ trẻ, những người Nga và Việt Nam đang hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như kinh doanh, khoa học, giáo dục văn hóa. Bởi vì nó là cơ sở nền tảng tuyệt vời cho việc tiếp tục củng cố các mối quan hệ toàn diện với Việt Nam – đối tác quan trọng bậc nhất của Nga tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương.

PV: Xin cảm ơn Đại sứ./.