Sáng 17/9 tại Hà Nội đã diễn ra Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam (VSIL), Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

dai hoi thanh lap hoi luat quoc te viet nam
Toàn cảnh Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.

Hội Luật quốc tế Việt Nam ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành luật pháp quốc tế Việt Nam về một diễn đàn để chia sẻ, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm nhằm thúc đẩy sự phát triển của Luật quốc tế, góp phần và sự nghiệp bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Việc thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam cũng nhằm bắt kịp với xu hướng phát triển của các Hội Luật quốc tế của nhiều nước, khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, tiếng nói khoa học - pháp lý của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, đóng góp tích cực cho sự phát triển của khoa học pháp lý quốc tế nói chung vì mục tiêu hòa bình, công lý, hữu nghị và phát triển.

Tránh thua thiệt tại các “cuộc chiến pháp lý” nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia

Phát biểu chỉ đạo Đại hội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thay mặt Chính phủ gửi lời chúc mừng Ban Vận động thành lập Hội và Ban tổ chức Đại hội vì những nỗ lực trong suốt thời gian qua.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng sự ra đời của Hội Luật quốc tế Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, là sự kế thừa và phát huy truyền thống vận dụng luật pháp quốc tế phục vụ cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Hội được thành lập cũng đáp ứng nhu cầu chính đáng của đông đảo giới nghiên cứu, thực hành pháp luật quốc tế thuộc nhiều thế hệ tại Việt Nam.

dai hoi thanh lap hoi luat quoc te viet nam
Trao quyết định thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.

Theo Phó Thủ tướng, tổng kết 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, mở cửa và hội nhập quốc tế, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII đánh giá chúng ta đã “kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, giữ vững hoà bình, ổn định. Quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta tiếp tục được nâng cao”. Để có được những thành tựu đó, việc vận dụng sáng tạo, hiệu quả pháp luật quốc tế đóng một vai trò quan trọng.

Tuy nhiên, Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII cũng nhận định tình hình thế giới và khu vực sẽ còn nhiều diễn biến rất phức tạp, bên cạnh xu hướng hợp tác, hội nhập quốc tế, còn có nhiều nhân tố bất ổn; tranh chấp lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo trong khu vực và trên Biển Đông còn diễn ra gay gắt.

Trong bối cảnh đó, hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học pháp lý quốc tế là một hoạt động quan trọng, góp phần tích cực, chủ động và hiệu quả vào sự nghiệp bảo vệ, phát triển và hội nhập quốc tế của đất nước.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, bên cạnh những kết quả đạt được, đánh giá một cách thực chất thì mặt bằng trình độ luật pháp quốc tế của Việt Nam còn thua kém nhiều nước. Sau nhiều năm tham gia Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, Việt Nam hoặc đại diện của Việt Nam chưa được bầu vào các cơ quan hay tổ chức pháp lý quốc tế như: Ủy ban luật quốc tế hoặc Ủy ban Luật thương mại quốc tế của Liên Hợp Quốc, Toà án công lý quốc tế…

Điều đáng báo động là với trình độ như vậy, nhiều khả năng chúng ta sẽ phải chịu thua thiệt trong các “cuộc chiến pháp lý” nhằm bảo vệ chủ quyền quốc gia, lợi ích Nhà nước và quyền lợi hợp pháp của các pháp nhân, công dân Việt Nam tại các toà án, hoặc cơ quan trọng tài quốc tế và nước ngoài.

dai hoi thanh lap hoi luat quoc te viet nam
Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Nâng cao tiếng nói của giới luật quốc tế Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế

Để khắc phục những hạn chế trong công tác nghiên cứu, phát triển khoa học pháp lý quốc tế thời gian qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng, sau khi chính thức đi vào hoạt động, Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ tập trung vào một số các hoạt động để đạt được những mục tiêu như:

tạo ra một diễn đàn tập hợp đông đảo các học giả, các nhà quản lý và thực hành pháp luật quốc tế, tổ chức những hoạt động có hiệu quả nhằm tuyên truyền, đào tạo, nghiên cứu luật pháp quốc tế phục vụ hội nhập quốc tế cũng như các yêu cầu khác của đất nước.

Bên cạnh việc giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, Hội Luật quốc tế Việt Nam cần đồng thời giới thiệu các quan điểm của giới học giả, nghiên cứu luật quốc tế Việt Nam ra bên ngoài, nâng cao tiếng nói của giới luật quốc tế Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế.

Ngày 25/8/2014, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đã ký Quyết định số 2487/QĐ-BNG công nhận Ban vận động thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam. Sau một thời gian hoàn thiện các hồ sơ và thủ tục pháp lý, với sự tham gia, hưởng ứng tích cực của đông đảo các luật gia, luật sư... hoạt động trong lĩnh vực Luật quốc tế, ngày 20/6/2016. Hội Luật quốc tế Việt Nam chính thức được Bộ Nội vụ cho phép thành lập.

Hội Luật quốc tế Việt Nam cần có những hoạt động thiết thực góp phần giải quyết một số vấn đề cấp thiết đang đặt ra hiện nay như: cơ sở pháp lý đấu tranh bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, biển đảo; các khía cạnh pháp lý về hội nhập quốc tế, việc thực hiện các cam kết quốc tế, đặc biệt trong các điều ước thế hệ mới về thương mại, đầu tư; đấu tranh chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia; nâng cao vai trò của Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế, các cơ quan tài phán quốc tế…

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình bày tỏ tin tưởng rằng, trước những cơ hội và thách thức mới của đất nước, trước nhu cầu bắt nhịp với sự vận động, phát triển mới của khoa học và thực tiễn pháp lý quốc tế, Hội Luật quốc tế Việt Nam sẽ không chỉ có vai trò quan trọng đối với các hội viên của Hội, mà còn có thể có những đóng góp có ý nghĩa đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước, hòa mình vào sự phát triển chung của cộng đồng pháp luật quốc tế.

dai hoi thanh lap hoi luat quoc te viet nam
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại Đại hội thành lập Hội Luật quốc tế Việt Nam.

Sau phiên khai mạc, Đại hội đã tiến hành thông qua Quy chế của Hội, bầu đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành và Ban kiểm soát của Hội cũng như thông qua phương hướng hoạt động của Hội trong thời gian tới./.