Ngày 9/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2016; tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2017.

dai bieu quoc hoi tranh luan voi tong thanh tra chinh phu ve to cao
Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu

Ở phần báo cáo giải trình bổ sung, Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu cho biết tình hình kiếu nại tố cáo năm 2016 có xu hướng giảm so với năm 2015. Tuy nhiên Quý 1, 2017 tình hình khiếu nại tố cáo tăng trở lại, tăng 28,3% lượt người, 23% số đoàn đông người, tăng 72,9% số vụ việc so 2016.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, tình hình kiếu kiện phức tạp nhất là tại Tây Nguyên và một số tỉnh miền Trung, sau khi xảy ra sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung có nhiều đoàn đông người xuất phát từ không được khiếu nại đã chuyển sang tố cáo. Tình trạng công dân khiếu kiện đông người xảy ra nhiều, có đoàn lên đến hàng trăm người ở Thủ đô.

Về nguyên nhân, theo Tổng Thanh tra Chính phủ là do chính sách pháp luật đất đai, nhất là công tác thu hồi, bồi thường đất, giải phóng mặt bằng có nhiều thay đổi nhưng chưa giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa nhà nước, nhà đầu tư và người dân; công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực yếu kém; quá trình quản lý chuyển đổi môi trường chợ còn bất lợp lý; trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính, trách nhiệm của công chức tiếp công dân về khiếu nại tố cáo công dân chưa cao; tuyên truyền hiệu quả thấp; ý thức chấp hành pháp luật còn hạn chế.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ, thời gian tới Thanh tra tiếp tục thực hiện giải pháp như tiếp tục chỉ đạo thực hiện nghiêm chỉ đạo Nghị quyết 35 của Bộ Chính trị về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo; Nghị quyết Quốc hội, Nghị quyết Chính phủ về giải quyết các khiếu nại đông người, phức tạp. Rà soát Luật tiếp công dân, xây dựng luật Khiếu nại tố cáo sửa đổi; kiểm tra thực hiện luật đất đai tại các địa phương; tăng cường hoạt động quản lý nhà nước về tiếp công dân kiếu nại tố cáo…

dai bieu quoc hoi tranh luan voi tong thanh tra chinh phu ve to cao
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) đặt vấn đề tranh luận với Tổng Thanh tra Chính phủ Phan Văn Sáu.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) bấm nút xin tranh luận. Đại biểu Nhưỡng cho rằng, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu 3 nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo nhưng chưa nói đến nhiệm vụ của mình.

Qua theo dõi và giám sát của mình, ông Nhưỡng thấy rằng Thanh tra Chính phủ từ kỳ họp thứ 2 đến giờ thiếu quyết liệt, chậm đổi mới và kém hiệu quả.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nêu 3 vụ rất nổi cộm: Một là vụ Công ty cổ phần đầu tư và phát triển kim khí Hải Phòng "kêu cứu" từ năm 2015 do thành phố phê duyệt đề án làm bến xe Thượng Lý theo chương trình xã hội hóa để chuyển bến xe Tam Bạc, nhưng thành phố sau đó không thực hiện đề án này. Thủ tướng Chính phủ đã 3 lần chỉ đạo, trong đó có 1 lần khi còn là Phó Thủ tướng.

“Người ta đã 3 lần đến văn phòng tiếp công dân kêu cứu nhưng đến nay chưa được giải quyết; cũng không đôn đốc, có động thái gì cả cho đến giờ doanh nghiệp rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn”, đại biểu Nhưỡng nói.

Thứ 2 việc tố cáo tham nhũng của Tổng Công ty vận tải thủy thuộc Bộ Giao thông Vận tải. Người dân đã lên tận cơ quan tiếp dân gửi đơn, người tố cáo là một lãnh đạo của doanh nghiệp của Tổng công ty này nhưng Thanh tra Chính phủ không giải quyết, không đôn đốc.

“Sau khi Văn phòng Chính phủ chuyển đơn này về Bộ Giao thông vận tải nhưng 5 tháng không giải quyết, người ta gửi đơn cho tôi, tôi tiếp tục gửi đơn cho Thanh tra Chính phủ nhưng giờ vẫn chưa giải quyết”, ông Lưu Bình Nhưỡng cho biết.

Đề cập vụ Đồng Tâm (Mỹ Đức - Hà Nội) xuất phát từ việc bà con bức xúc về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đất đai và Hà Nội đã quyết định thanh tra, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, đất sân bay Miếu Môn là đất quốc phòng, an ninh nên lẽ ra Thanh tra Chính phủ phải tham mưu và vào cuộc./.