Sáng 17/8, Tòa án Cấp cao tại Hà Nội mở phiên tòa phúc thẩm xem xét kháng cáo của các bị cáo trong đại án tham nhũng xảy ra tại Công ty TNHH MTV Vận tải Viễn dương (Vinashinlines).

HĐXX gồm 3 thẩm phán, trong đó thẩm phán cao cấp Nguyễn Văn Sơn ngồi ghế chủ tọa phiên tòa.

Đại diện cơ quan công tố là hai kiểm sát viên cao cấp Phạm Minh Yến và Vũ Minh Đức.

dai an vinashinlines bo de giang kim dat xin xet xu vang mat

Giang Kim Đạt tại phiên tòa sơ thẩm

Các bị cáo bị tòa án cấp sơ thẩm quy kết hai tội danh: Tham ô tài sản và Rửa tiền. Trong đó, Trần Văn Liêm (SN 1955, cựu TGĐ Vinashinlines), Giang Kim Đạt (SN 1977) – cựu quyền trưởng phòng kinh doanh của Vinashinlines, Trần Văn Khương (SN 1950, cựu kế toán trưởng Vinashinlines) bị quy kết tội Tham ô tài sản.

Bị cáo Giang Văn Hiển – bố đẻ của Giang Kim Đạt bị quy kết tội Rửa tiền.

Trước đó, tòa phúc thẩm tuyên phạt bị cáo Trần Văn Liêm và Giang Kim Đạt án tử hình, bị cáo Trần Văn Khương mức án Chung thân. Bị cáo Giang Văn Hiển bị tuyên phạt 12 năm tù giam.

Trước vành móng ngựa hôm nay, chỉ có 3 bị cáo: Liêm, Đạt, Khương. Bị cáo Giang Văn Hiển – bố đẻ của Giang Kim Đạt có đơn xin xét xử vắng mặt vì lý do sức khỏe. Bị cáo Hiển cũng có đơn kháng cáo bổ sung.

Bị cáo Hiển cho rằng, tiền trong tài khoản của ông ta không phải do phạm tội mà có. Bị cáo Giang Kim Đạt thì bác toàn bộ quy kết của tòa án cấp sơ thẩm khi cho rằng, việc mua bán tàu là đúng quy trình, bị cáo không thỏa thuận với các công ty nước ngoài nhận tiền hoa hồng, bị cáo không nhận được sự chỉ đạo của Trần Văn Liêm. Những khoản tiền được chuyển về cho bị cáo là tiền kinh doanh môi giới.

Theo kháng cáo của Giang Kim Đạt, anh ta cũng cho hay, mình không nhờ bố đẻ mở tài khoản để nhận tiền hưởng lợi từ các công ty mua bán tàu thủy. Tiền mua nhà ở nước ngoài cũng là tiền túi của bị cáo.

Bị cáo Trần Văn Liêm cũng kháng cáo cho rằng, mình không phạm tội như quy kết của tòa án cấp sơ thẩm. Tài sản đất đai, ô tô bị cáo mua từ các nguồn tiền khác nhau, không phải do phạm tội mà có.

Trong phiên tòa phúc thẩm này, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Giang Thu Vân – em gái Giang Kim Đạt cũng kháng cáo đòi lại 21 bất động sản.

Hai pháp nhân là Vinashinlines và Vinalines cũng kháng cáo. Cả hai đều cho rằng, mình mới là nguyên đơn dân sự trong vụ án này, và là người có quyền nhận lại số tiền mà các bị cáo đã chiếm đoạt.

Trước đó, tòa án sơ thẩm xác định Vinashin mới là nguyên đơn dân sự của vụ án.

Sau phần công bố bản án sơ thẩm, phiên tòa bắt đầu bước vào phần xét hỏi.

Theo bản án sơ thẩm, trong thời gian từ 2006-2008, Trần Văn Liêm với tư cách TGĐ Vinashinlines, trong quá trình thực hiện dự án mua tàu và khai thác, kinh doanh cho thuê tàu biển, Trần Văn Liêm, Giang Kim Đạt, Trần Văn Khương đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao, thông qua công ty môi giới đàm phán, thỏa thuận với công ty bán tàu, công ty thuê tàu để lấy tiền hoa hồng hoặc tiền gửi giá vào hợp đồng mua bán 3 tàu, hợp đồng cho thuê 9 tàu của Vinashinlines, để tiền ngoài sổ sách kế toán của Vinashinlines nhằm chiếm đoạt.

Bị cáo Trần Văn Liêm được tòa sơ thẩm xác định giữ vai trò chính, Giang Kim Đạt giữ vai trò người thực hiện tích cực, Trần Văn Khương giữ vai trò đồng phạm. Số tiền các bị cáo chiếm đoạt hơn 260 tỷ đồng.

Để che giấu nguồn gốc tiền bất hợp pháp số tiền mà các bị cáo chiếm đoạt được của Vinashinlines, bị cáo Giang Văn Hiển đã trực tiếp tham gia giao dịch tài chính ngân hàng mở nhiều tài khoản ngoại tệ tại nhiều ngân hàng khác nhau ở trong nước để nhận tiền từ các công ty nước ngoài chuyển về với tổng số tiền gần 16 triệu USD (tương đương hơn 260 tỷ đồng).

Theo bản án sơ thẩm, Giang Văn Hiển rút ra chuyển cho Giang Kim Đạt để Đạt chuyển cho Trần Văn Liêm, Giang Văn Hiển còn sử dụng số tiền bất hợp pháp mà Giang Kim Đạt chiếm đoạt được để giao dịch mua 40 bất động sản đứng tên Giang Văn Hiển và người thân trong gia đình, mua đi bán lại 13 xe ô tô, gửi tiền tiết kiệm…/.