Tại hội thảo, đề cập đến đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường đặt vấn đề có hay không thị trường giáo dục? Về mặt lý luận, có hàng hóa, có bên cung, có bên cầu, có trao đổi hàng hóa theo quan hệ hàng – tiền là có thị trường. Dịch vụ giáo dục là hàng hóa. Ở Việt Nam, từ mẫu giáo đến đại học đều thu học phí. Nhiều trường mang nhãn hiệu nước ngoài thu học phí rất cao nhưng vẫn đang được xã hội chấp nhận.

Hội thảo "Chuyển biến kinh tế - xã hội và giáo dục". Ảnh:VA


“Thị trường giáo dục Việt Nam là một thị trường không hoàn thiện, dịch vụ giáo dục vừa là dịch vụ công vừa là dịch vụ tư. Đã đến lúc chúng ta phải thừa nhận có sự tồn tại khách quan của thị trường giáo dục, kịp thời có chính sách và cơ chế quản lý phù hợp để tạo điều kiện cho thị trường giáo dục phát triển đúng hướng” – GS.TSKH Nguyễn Minh Đường nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, GS.TSKH Nguyễn Minh Đường cũng cho rằng, Việt Nam chưa tuân thủ quy luật cung – cầu nên đào tạo vừa thừa vừa thiếu, hàng năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH, CĐ không tìm được việc làm, trong khi đó, các doanh nghiệp lại không tuyển được lao động cần thiết. Do đó, trong điều kiện kinh tế thị trường, hệ thống đào tạo và các cơ sở đào tạo phải tham gia vào 2 thị trường là thị trường lao động và thị trường giáo dục, bởi vậy, phải tuân thủ các quy luật của thị trường là quy luật cung – cầu; quy luật giá trị và quy luật cạnh tranh để phát triển.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT bàn về bài toán thiếu hụt kỹ năng của lao động Việt Nam hiện đang trở thành vấn đề bức xúc trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu trong khu vực.

“Đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines, đến năm 2069 mới bắt kịp năng suất lao động của Thái Lan… Nguyên nhân có liên quan đến chất lượng yếu kém của các cơ sở đào tạo Việt Nam so với các nước láng giềng ASEAN. Các cơ sở đào tạo thiếu năng lực, thiếu động lực và thiếu thông tin trong việc tạo nên những gắn kết cần thiết với môi trường xung quanh. Nguyên nhân sâu xa là do những bất cập, yếu kém trong chính sách phát triển nhân lực của Việt Nam” - TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến chia sẻ.

Lời giải cho bài toán này về mặt chính sách, theo TSKH Nhật Tiến đó là tái cơ cấu tài chính công, nâng cao trách nhiệm giải trình; đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận năng lực và tái cơ cấu giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học theo hướng cầu.

Bà Nguyễn Thị Linh Hương, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chia sẻ: Trong nhiều năm qua, việc phát triển đào tạo chuyên môn kỹ thuật ở Việt Nam đã có những bước cải thiện, tuy nhiên sự mất cân đối trong cung cầu giáo dục đào tạo hiện vẫn đang là một trong những vấn đề lớn của hệ thống giáo dục Việt Nam.

Nhiều doanh nghiệp phản ánh về thực trạng không tuyển dụng được nhân lực đúng yêu cầu trong khi tỷ lệ thất nghiệp trong sinh viên mới tốt nghiệp hiện nay là tương đối cao. Thực tế hiện nay cho thấy, chúng ta đang có sự mất cân đối trong cơ cấu đào tạo ở cả phần giáo dục và phần đào tạo, chưa có sự kết nối giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp và xã hội. Tình trạng này gây ra sự mất cân đối trong đào tạo trong các cơ sở giáo dục đồng thời gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực của cả người học và người sử dụng lao động.

Do đó, cần phải có giải pháp hữu hiệu của Chính phủ và các cơ quan chức năng để giải quyết tình trạng mất cân đối trong đào tạo của nước ta hiện nay, nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhân lực của xã hội trong thời gian tới./.

Theo Báo điện tử ĐCSVN