Theo Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2019-2020, toàn TP có 187 đơn vị trường học tham gia nghiên cứu khoa học, trong đó có 60 trường THPT và 127 trường THCS với 786 đề tài, tăng 200 đề tài so với năm học 2018-2019.

Sau 2 vòng chấm thi độc lập của các giám khảo, Ban tổ chức đã chọn ra 52 đề tài tham dự Vòng thi chung kết cấp thành phố để tiếp tục chọn ra 4 dự án tốt nhất tham dự cuộc thi KHKT cấp quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức.

Theo đánh giá của ban giám khảo, cuộc thi năm nay có chất lượng đề tài nghiên cứu ngày càng nâng cao. Học sinh đã biết vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn trong đời sống, từ đó sáng tạo ra các sản phẩm hoặc đề xuất giải pháp giải quyết các vấn đề đặt ra trong xã hội.

Tham gia tranh tài với dự án "Nâng cao chất lượng giấc ngủ của học sinh THPT từ những vật liệu tái chế", 2 bạn Phạm Nguyễn Phương Khanh (lớp 11D1) và Trần Phương Anh (lớp 11A1), Trường THPT Gia Định cho biết, từ việc nghiên cứu sự ảnh hưởng của ánh sáng, âm thanh và mùi hương đến chất lượng giấc ngủ, 2 bạn đã thiết kế ra thiết bị nâng cao chất lượng giấc ngủ cho học sinh.

Theo đó, giá thành mỗi bộ thiết bị chỉ tốn từ 60.000-70.000 đồng/đèn ngủ, có thể kết nối điện thoại hoặc máy tính, gồm nhiều chức năng như phát sáng, nghe nhạc và khuếch tán tinh dầu.

Theo nhóm nghiên cứu, thiết bị sẽ giúp cải thiện và nâng cao chất lượng giấc ngủ cho người sử dụng bằng cách sử dụng ánh sáng ấm tốt cho mắt, phát ra cường độ âm thanh phù hợp, mùi tinh dầu giúp giảm stress. Đặc biệt, bộ thiết bị hoàn toàn làm bằng vật liệu tái chế, dễ thay thế và lắp đặt, sử dụng pin sạc có tuổi thọ cao.

cuoc thi khoa hoc ky thuat cap tp 2019 2020 nhieu de tai mang tinh ung dung cao
Nhóm học sinh Trường THPT Long Thới giới thiệu mô hình sa bàn hỗ trợ di chuyển cho học sinh khiếm thị

Ở một góc khác, nhóm bạn Phương Hoàng Đại và Nguyễn Cao Khôi, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên mang đến cuộc thi đề tài nghiên cứu "Hệ thống hỗ trợ phân loại rác".

Trên cơ sở phỏng vấn người thân, bạn bè về thói quen phân loại rác, nhóm nghiên cứu đã tiến đến xây dựng mô hình phân loại rác thông qua 3 giải pháp là thiết kế thùng rác thông minh có bộ cảm ứng đo trọng lượng cho hộ gia đình, xây dựng website về quản lý cho đội ngũ thu gom rác và tạo ứng dụng theo dõi trên điện thoại di động cho người dân.

Ngoài ra, cuộc thi năm nay còn ghi nhận sự tham gia của nhiều đề tài thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi mang tính gần gũi, có tính ứng dụng cao trong xã hội như "Mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT", "Vận dụng kiến thức SGK để mở rộng kiến thức thông qua tự học trên nền tảng CNTT", "Năng lực trí tuệ cảm xúc của học sinh THPT tại TPHCM".../.