Tiếp theo chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội sẽ dành cả ngày hôm nay (6/11) và sáng ngày mai để nghe và thảo luận về các báo cáo về công tác tư pháp, công tác phòng chống tham nhũng năm 2017.

Đây là những nội dung quan trọng được phát thanh, truyền hình trực tiếp để nhân dân và cử tri cả nước theo dõi, giám sát.

cu tri theo doi truc tiep quoc hoi thao luan ve phong chong tham nhung
Đại biểu thảo luận trên Hội trường tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khoá XIV

Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân).

Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày Báo cáo công tác năm 2017 của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao (trong đó có nội dung về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân).

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2017.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác thi hành án năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Liên quan nội dung báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017, trước đó, tại phiên họp của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Tư pháp bày tỏ đồng tình với đánh giá của Chính phủ về những kết quả đã đạt được trong việc phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng. Dưới sự chỉ đạo kịp thời, kiên quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, một số vụ án kinh tế, tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp đã được điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta.

Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng đánh giá một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp

Về kê khai tài sản, trong năm 2017 số lượng bản kê khai là rất lớn, nhưng chỉ xác minh đối với 77 người/1.113.422 người đã kê khai (chiếm 0,007%), kết quả xác minh phát hiện 3 trường hợp vi phạm, giảm nhiều so với các năm trước.

Uỷ ban Tư pháp kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cần xây dựng quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập của mọi người trong toàn xã hội; tiếp tục hoàn thiện các quy định về minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, nhất là các nội dung kiểm tra, giám sát, xác minh việc kê khai, tránh nhiệm giải trình việc tăng, giảm tài sản, các khoản chi tiêu, giao dịch có giá trị lớn; quy định rõ chế tài xử lý đối với người kê khai tài sản không trung thực./.