Chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp doanh nghiệp Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là chủ trương đúng đắn của Chính phủ. Thời gian qua, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật ngày càng hoàn thiện, các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp hỗ trợ và chính sách ưu đãi cho lĩnh vực này cũng đang được triển khai thực hiện.

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, năng lực cạnh tranh hiện nay của các doanh nghiệp cung ứng linh phụ kiện, phụ tùng của Việt Nam vẫn còn yếu, số lượng doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu khắt khe về chất lượng và tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các tập đoàn đa quốc gia còn hạn chế.

Doanh nghiệp thiếu tính lan tỏa

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, thời gian qua Việt Nam vẫn xuất khẩu tập trung vào gia công, lắp ráp giá trị gia tăng thấp. Các doanh nghiệp Việt cần phải nỗ lực để vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, để từ đó có thể tham gia vào nhiều công đoạn đem lại giá trị gia tăng cao hơn.

cong nghiep ho tro dua doanh nghiep vao chuoi gia tri toan cau
Nhiều sản phẩm phụ trợ của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài.

Cái khó của Việt Nam hiện nay, theo vị chuyên gia này, là hiện mới chỉ có 300 doanh nghiệp đủ năng lực tham gia chuỗi cung ứng nhưng là cung ứng thay thế, không phải sản xuất. Trong đó chỉ có 2% là doanh nghiệp lớn, 2-5% là doanh nghiệp vừa, còn lại là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

“Vấn đề chính của doanh nghiệp trong nước là thiếu kỹ năng lao động, kỹ năng quản lý cũng như ít đổi mới công nghệ. Doanh nghiệp khó tiếp cận tài chính, thiếu tính lan toả từ các đối tác nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước khiến cho rất ít doanh nghiệp kết nối được vào chuỗi giá trị toàn cầu”, chuyên gia Phạm Chi Lan nêu rõ.

Việc thiếu vắng các doanh nghiệp quy mô vừa hoạt động hiệu quả để tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu, là một trong những nguyên nhân khiến cho thành tích về tăng trưởng xuất khẩu thời gian qua vẫn chủ yếu phụ thuộc vào khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong khi đó, mối liên kết, lan tỏa giữa khu vực doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước vẫn còn nhiều hạn chế. Bằng chứng là tỷ lệ sản phẩm được doanh nghiệp FDI mua từ các nhà chế biến, chế tạo trong nước chỉ chiếm tỷ lệ 26,6% tổng giá trị đầu vào của doanh nghiệp FDI, trong đó phần còn lại là mua của doanh nghiệp FDI khác.

Đây cũng chính là điểm nghẽn cần phải được giải tỏa để các doanh nghiệp có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, từ đó mới có thể tự tin hội nhập. Nhiều ý kiến cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải đẩy mạnh việc tham gia vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia, để có thể đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của hội nhập, của thời đại cách mạng công nghiệp 4.0

Nhân lực chất lượng cao là một lợi thế

Nhận định về khả năng tham gia của cộng đồng doanh nghiệp Việt vào chuỗi cung ứng toàn cầu, GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho rằng, môi trường kinh doanh của Việt Nam được cải thiện là động lực để ngày càng có nhiều tập đoàn lớn tham gia sản xuất kinh doanh tại Việt Nam. Sự có mặt của các tập đoàn nước ngoài lớn đang tạo thêm nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam bước chân vào chuỗi sản xuất của họ.

“Chúng ta đã làm được xe máy và ô tô hiện cũng đã làm được một phần; dệt may, da giày là những ngành chúng ta đang chiếm nhiều ưu thế. Sự thâm nhập của các công ty nước ngoài vào Việt Nam cho thấy, họ đã nhìn thấy những cơ hội lớn từ nguồn nhân lực của chúng ta, nhưng đây cũng là cơ hội để Việt Nam có thể tiếp cận được với những sản phẩm như vậy”, GS. Nguyễn Mại nhấn mạnh.

Khác với ý kiến của một số chuyên gia cho rằng, Việt Nam chỉ có lợi thế về nguồn nhân công giá rẻ, GS. Nguyễn Mại lại khá đề cao chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam. Ông cho biết, khi Samsung được hỏi tại sao lại xây dựng các nhà máy lớn ở Việt Nam chứ không phải một quốc gia khác, họ đã trả lời rằng, năng suất lao động của người Việt Nam bằng 80% năng suất lao động của người Hàn Quốc.

GS. Nguyễn Mại khẳng định, Việt Nam có nguồn nhân lực tốt nên cần phải tranh thủ cơ hội này để phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nếu không tranh thủ được sẽ mất thêm nhiều năm nữa mới có thể đuổi kịp các nước ASEAN.

Thời gian qua, Tập đoàn Samsung cũng rất chú trọng đẩy mạnh việc đưa các doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi cung ứng của Tập đoàn này. Theo đó, Samsung cũng đang thực hiện chương trình tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp Việt nhằm tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng linh, phụ kiện cho Samsung.

Theo chia sẻ của Tập đoàn này, đến nay tổng số nhà cung ứng của Samsung đã lên tới 308 doanh nghiệp, trong đó con số các doanh nghiệp Việt Nam là nhà cung ứng cấp 1 đã tăng lên mạnh mẽ, từ 4 doanh nghiệp năm 2014 lên 29 doanh nghiệp vào năm 2017 và tiến tới 50 doanh nghiệp vào năm 2020.

Ông Shim Won Hwan, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Điện tử Việt Nam bày tỏ kỳ vọng, sự hợp tác của Tập đoàn sẽ giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp Việt Nam, tạo ra những doanh nghiệp cung ứng hạt nhân nòng cốt, có tác động lan tỏa đến sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam./.