cong bo 03 nghi quyet duoc quoc hoi khoa xiv thong qua tai ky hop thu 8
Các đại biểu biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước. (Ảnh: quochoi.vn)

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc vừa có Công văn số 3418/TTKQH-TT về việc công bố 03 Nghị quyết đã được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV.

Cụ thể, Nghị quyết số 94/NQ-QH14 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước quy định về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp (sau đây gọi chung là xử lý nợ) đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước, bao gồm tiền thuế, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp, tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan phát sinh trước ngày Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 có hiệu lực thi hành.

Đối tượng được xử lý nợ là người nộp thuế nợ tiền thuế, nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp và là người đã chết, người bị Tòa án tuyên bố là đã chết, mất tích hoặc mất năng lực hành vi dân sự; Người nộp thuế bị thiệt hại vật chất do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, hỏa hoạn, tai nạn bất ngờ..., phát sinh trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 mà không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước:

Nghị quyết cũng quy định các biện pháp xử lý nợ như khoanh nợ tiền thuế cho từng đối tượng; Xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp còn nợ trước ngày 01 tháng 7 năm 2020 đối với đối tượng.

Nghị quyết số 96/NQ-QH14 về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác của Việt kiểm sát nhân dân, của Tòa án nhân dân và công tác thi hành án giao chỉ tiêu, nhiệm vụ cho Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân tối cao và đề ra các giải pháp nhằm khắc phục khó khăn, nỗ lực triển khai nhiều biện pháp thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao, kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, vi phạm hành chính, giải quyết các tranh chấp, cơ bản đạt và vượt chỉ tiêu, yêu cầu của các nghị quyết của Quốc hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nâng cao hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án và xử lý vi phạm hành chính cơ bản tuân thủ đúng quy định của pháp luật, hạn chế oan sai, tạo chuyển biến tích cực theo tinh thần của Hiến pháp năm 2013 về thực hiện quyền tư pháp, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân.

Tại Nghị quyết số 100/NQ-QH14 về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, trên cơ sở kết quả chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XIV, Quốc hội ghi nhận các kết quả đạt được và giải pháp, cam kết của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

Nghị quyết của Quốc hội cũng nêu rõ, Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành tập trung thực hiện các giải pháp, khắc phục những hạn chế, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực được chất vấn, cụ thể là lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, công thương, nội vụ, thông tin và truyền thông.

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết, báo cáo Quốc hội tại các kỳ họp sau.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát việc thực hiện Nghị quyết./.