Sáng 9/12, tại Đắk Lắk, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Giải pháp ổn định dân di cư tự do trên địa bàn cả nước và quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây nguyên. Cùng dự có Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương.

con 24500 ho dan di cu tu do chua co cho o on dinh
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giai đoạn 2005-2017, trong tổng số hộ dân di cư tự do trên địa bàn cả nước khoảng 67.000 hộ thì các tỉnh Tây nguyên chiếm tới gần 59.000 hộ.

Tính đến hết năm 2017, số hộ dân di cư tự do cả nước được sắp xếp chỗ ở ổn định chỉ chiếm khoảng 2/3, số còn lại chưa có chỗ ở ổn định và cũng chủ yếu tập trung ở các tỉnh Tây nguyên.

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước đã quan tâm ban hành nhiều chính sách về bố trí, ổn định dân cư; chỉ đạo các địa phương có giải pháp cụ thể về xây dựng, quy hoạch, lập dự án bố trí dân cư... đã góp phần giảm số dân di cư tự do qua các năm. Nếu như năm 2005, số hộ dân di cư tự do là gần 2.700 hộ thì tính đến năm 2017 chỉ còn 318 hộ.

Trong đó, một số biện pháp được triển khai thực hiện là sắp xếp chỗ ở trong vùng dự án, nhập hộ khẩu, đăng ký tạm trú, tạm vắng; bố trí đất ở và đất sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu... Trong giai đoạn 2013-2017, các địa phương đã có 65 dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do, trong đó có 50/65 dự án đã và đang thực hiện, tổng vốn đầu tư là trên 1.800 tỷ đồng.

Song, việc bố trí sắp xếp ổn định dân di cư tự do đang gặp một số khó khăn như các địa phương xây dựng quy hoạch bố trí dân cư chưa phù hợp dẫn đến mới chỉ có 11/65 dự án được hoàn thành, 15 dự án chưa được triển khai, khiến 24.500 hộ dân đang sống phân tán, rải rác tại nhiều địa phương.

con 24500 ho dan di cu tu do chua co cho o on dinh
Thủ tướng cùng các đại biểu dự hội nghị.

Nhiều hộ đã có chỗ ở ổn định thì lại thiếu đất sản xuất, do các địa phương thiếu quỹ đất để hỗ trợ người dân, dẫn đến tình trạng đất rừng bị lấn chiếm, chặt phá rừng trái phép vẫn diễn ra.

Hệ lụy của tình trạng dân di cư tự do là chặt phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái phép làm nương rẫy; các hệ lụy xã hội phức tạp như mua, bán, tranh chấp đất đai giữa dân di cư tự do với người dân tại địa phương và với các công ty nông, lâm nghiệp.

Thậm chí một số nơi xảy ra xô xát, tụ tập đông người, bắt giữ người trái pháp luật, chống người thi hành công vụ. Tình trạng dân di cư tự do còn tiềm ẩn yếu tố gây bất ổn về an ninh chính trị, quốc phòng trên địa bàn, nhất là khu vực biên giới. Một số phần tử xấu lợi dụng dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng để truyền đạo trái pháp luật; lôi kéo đồng bào gây rối trật tự, chống phá chế độ.

Còn về tình hình quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường tại Tây nguyên, theo báo cáo của Bộ Tài nguyên và Môi trường, hiệu quả quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường còn kém hiệu quả. Đã có 122 công ty nông lâm trường đã được rà soát, trong đó giữ lại 108 công ty, còn lại giải thể và bàn giao về địa phương 14 công ty. Song thực tế là các nông, lâm trường sau khi đã rà soát vẫn còn giữ lại quỹ đất quá lớn với trên 935.000 ha đất, chủ yếu là đất lâm nghiệp, vượt quá tầm quản lý và sử dụng với nguồn lực.

Trong khi đó, hiện nhà nước mới chỉ thu tiền sử dụng đất đối với 24% diện tích đất nông, lâm trường, còn lại là giao không thu tiền sử dụng đất nên chưa gắn trách nhiệm đối với các đối tượng được giao quản lý, sử dụng đất. Nhiều đơn vị tự ý cho thuê, cho mượn hoặc khoán trắng cho người dân để thu địa tô.

Bên cạnh đó, việc quản lý đất nông, lâm trường yếu kém dẫn đến tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất rừng, người dân tự ý lấn chiếm, phá rừng làm rẫy, chuyển nhượng trái phép dẫn đến tranh chấp đất đai. Trong khi nhiều địa phương không có quỹ đất bố trí cho dân di cư tự do, thì nhiều lâm, nông trường lại có quá nhiều đất và sử dụng không hiệu quả. Chính việc quản lý yếu kém dẫn đến nguồn lực đất đai của nông, lâm trường không phát huy được hiệu quả, Nhà nước thất thu ngân sách lớn hàng năm. Điều này cũng tiềm ẩn rủi ro về tàn phá rừng, lấn chiếm đất rừng, suy thoái môi trường, ảnh hưởng đến khu vực Tây nguyên, miền Trung và Nam Bộ./.