"162.000 cử nhân, thạc sỹ thất nghiệp - Một con số lạnh lùng và nghiệt ngã" vừa được Bộ Lao động,
Thương binh và Xã hội đưa ra (Ảnh minh họa)

Hãy chưa vội bàn đến nguyên nhân. Hãy bàn về từ ngữ cái đã. Ngôn ngữ Việt Nam chịu sự chi phối quá nhiều của Hán tự. Do vậy, khi nói và viết, cũng có lúc chưa chính xác, sai ý nghĩa, lệch bản chất nội dung. Thất nghiệp nghĩa là không có nghề ngỗng gì. Thất là không, nghiệp là nghiệp chướng, sự nghiệp hay gọn hơn là một thứ nghề. 162.000 cử nhân, thạc sỹ mà Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đưa ra không phải là những người không có nghề mà chắc chắn là họ đã có nghề nhưng chưa kiếm được hoặc chưa chịu lao động. Anh kia thì là thạc sỹ trồng trọt, anh này là cử nhân quản trị, du lịch; chị kia là thạc sỹ lý hay chị này là cử nhân chăn nuôi thú y…

Bây giờ thì ta bàn đến việc đào tạo để hậu quả không có việc làm cho một lượng người quá đông đảo [ở đây là chưa kể đến tiến sỹ (học để trang sức) chứ không phải để làm việc và vô kể người tốt nghiệp đại học, cao đẳng, trung cấp mà chưa chịu làm việc].

Trước tiên, những người làm giáo dục đào tạo không tính được nhu cầu lao động của xã hội, cho nên đào tạo theo cảm tính và theo phong trào. Thí dụ: Môn Khoa học cơ bản thường là đào tạo các nhà nghiên cứu chuyên sâu – dĩ nhiên là loại lao động này cần rất ít. Việt Nam thì kể cả một trường đào tạo đại học ở một tỉnh lẻ cũng có thể đào tạo mỗi năm cả trăm cán bộ nghiên cứu văn học, toán học, sử học…Dĩ nhiên là sau khi tốt nghiệp cử nhân, thạc sỹ họ cũng có nghề mà chưa chắc đã có nghiệp. Có nghề mà không biết làm ở đâu và làm để làm gì (!!!). Thường thì làm ở lĩnh vực nào, cơ quan nào thì cần có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, nhưng hiện nay “Chủ nghĩa bằng cấp” đã không tính đến điều này mà chủ yếu để trang sức cho cái vỏ của người lao động cho đẹp mà thôi…

***

Trở lại lộ trình học tập của một con người ta thấy rõ: 12 năm học phổ thông (kể ra cũng hơi dài) là quá trình trang bị kiến thức (phổ thông), rất căn bản là Đức, Trí, Thể, Mỹ để hình thành nhân cách một con người. Kế đến là quá trình định dạng nghề nghiệp, chuyên môn, sở trường, sở đoản. Đời sống thực cần từ người lao động giản đơn đến lao động trí tuệ cao siêu. Sau khi xóa xong mù chữ (lớp 12) sự lựa chọn là đây. Việc này chúng ta đang không quan tâm. Tất cả đều thi đại học và lấy đó là cái đích đương nhiên mọi học sinh phải qua. Vậy là có người học phải có trường, có trường phải có trò. Khủng hoảng thừa nơi đào tạo trình độ cao (đại học trở lên) mà thiếu nơi dạy cho họ một cái nghề…Vì thế không ít người có nghiệp mà chưa chắc đã có nghề. Thí dụ cụ thể: Có những con người được đào tạo và bản thân cái việc đào tạo ấy đã tạo cho họ cái nghiệp (nghiệp làm báo, nghiệp làm giáo, nghiệp làm văn, nghiệp làm về lĩnh vực tiền tệ) nhưng có khi họ lại không có khả năng về cái nghề ấy. Và thế là…

Nông thôn, cơ sở bây giờ thiếu lao động, thiếu sản xuất một cách nghiêm trọng. Mọi nỗ lực chỉ dồn vào việc học để thoát ly khỏi lao động trực tiếp. Hậu quả là sản xuất đình đốn thiếu năng động và thiếu hữu ích. Cái thứ mà người ta nói đến nhiều hiện nay là đường sá, cầu cống, công trình to tát và vốn lớn. Còn sản xuất vật chất thì nhập khẩu như là nhập tăm (vài chục tấn mỗi năm)…Bởi vì đã chót là thạc sỹ, cử nhân rồi thì ai đi mở xưởng sản xuất tăm làm gì (!)

Lãng phí nhân lực vô cùng!

***

Một cháu học tiếng Anh, trình độ đại học mới tốt nghiệp. Tôi nhờ pha cho ấm trà (vì đến xin việc). Nhà sinh ngữ tương lai này loay hoay rất lâu trước cái phích điều hành bằng cái nút điện. Tôi hỏi sao? Bảo không biết bấm. Tôi nói họ ghi tiếng Anh đấy, bảo rằng cháu chưa quen loại phích điện tử này (!!!)…

Vậy, nhà trường đã dạy các em ấy thế nào? Chúng ta không thể giải thích. Trường hợp khác một cháu học khoa văn xã hội của một trường đại học tới xin thực tập. Hỏi thực tập cái gì? Bảo rằng: không rõ thực tập cái gì! Hỏi: Thế ra trường định làm việc ở đâu? Nghề gì? Bảo rằng: Sẽ nghiên cứu văn học. Hỏi: Nghiên cứu cho ai, ai bảo phải nghiên cứu, ở đâu? Bảo: Không biết…Nghĩa là có học mà chưa chắc đã có nghề, không định hướng được. Cơ sở đào tạo cũng không định hướng được….

Biết là trong một địa phương, một cơ quan, đơn vị, nghĩa là cần nhiều trình độ khác nhau. Làm thủ quỹ thì trình độ này, làm nghiên cứu thì trình độ kia…Nhưng có nơi chỉ tuyển trình độ đại học trở lên cho nên đành tuyển đại học để làm việc ở trình độ sơ cấp là thế.

Hai lĩnh vực khác nhau nhưng ở đây cũng xin nêu một ví dụ nhỏ: Cúp bóng đá thế giới là cúp của đẳng cấp thế giới, từ cầu thủ, huấn luyện viên đến trọng tài. FiFa mùa bóng 2014 có vẻ như để cho nó đại diện nên châu lục nào cũng có thể có trọng tài cho nó “Công bằng”. Vì thế, nó tạo nên những sai lầm chết người như trận tranh giải ba rạng sáng ngày 13/7.

“Có học có hơn” các cụ nhà ta vẫn bảo thế. Thêm 162.000 cử nhân, thạc sỹ ngồi chơi nhưng ít nhất trong báo cáo, Việt Nam cũng được xem là nước có “mặt bằng dân trí” không yếu kém!./.

Thục Trang